Thợ sửa đã không hiểu về sơn mài nên can thiệp quá mức vào bức họa "Vườn xuân Trung Nam Bắc".
Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - vừa báo cáo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc kiểm tra bảo quản tranh "Vườn xuân Trung Nam Bắc" của cố danh họa Nguyễn Gia Trí. Năm 2018, Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh giao việc vệ sinh tranh cho ông Lưu Minh Phụng, thợ sửa sơn mài ở TP Hồ Chí Minh. Vì không hiểu biết về nghệ thuật hội họa sơn mài, ông Phụng dùng nước rửa chén, bột chu, giấy nhám can thiệp quá mức bề mặt tranh.
Tranh "Vườn xuân Trung Nam Bắc" sau khi được vệ sinh, trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM chiều 23/4. Ảnh: Mai Nhật. |
Đại diện Cục đánh giá tinh thần, không gian của tác phẩm đã bị tổn hại khoảng 30%. "Do bị tác động vào bề mặt, tác phẩm mất đi lớp sơn bề mặt nên sự uyển chuyển, tinh tế liên kết giữa các mảng son, mảng vỏ trứng, mảng dát vàng trong tranh Nguyễn Gia Trí đã không còn giữ được", ông Vi Kiến Thành nhận xét. Về góc độ vật chất, tác phẩm hư hại khoảng 15%, do các mảng vỏ trứng trơ ra, các mảng dát vàng bị mài mòn, mảng hình tiếp giáp nhau bị lộ, mất đi sự uyển chuyển giữa mảng và nét.
Tác phẩm "Vườn xuân Trung Nam Bắc" trước khi làm vệ sinh. |
Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm kiến nghị tác phẩm là "bảo vật quốc gia", cần được lưu giữ, bảo quản ở chế độ đặc biệt. Cục đề xuất Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Bảo tàng Mỹ thuật lập dự án tu sửa tác phẩm thận trọng, khoa học, khắc phục hư hại một cách tốt nhất. Bảo tàng cần làm thử nghiệm trước một số vị trí trên tranh, giao việc tu sửa tác phẩm cho họa sĩ Nguyễn Xuân Việt - học trò cố danh họa Nguyễn Gia Trí, một trong những người phát hiện tình trạng hư hại của bức tranh - hoặc họa sĩ khác có chuyên môn, uy tín trong nghề.
Hình ảnh các thiếu nữ trên mặt tranh. Nhiều ý kiến nhận xét sau khi được tu sửa, tranh bóng loáng như được phủ sơn chứ không phải là kỹ thuật sơn mài. Ảnh: Mai Nhật. |
Cục cho rằng lãnh đạo và cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cần rút kinh nghiệm sâu sắc, vì đã tùy tiện trong công tác bảo quản - ứng xử với hiện vật, đặc biệt là bảo vật quốc gia. Cục Di sản Văn hóa cũng cần sớm tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để ban hành văn bản hướng dẫn, bảo quản các bảo vật quốc gia.
Trước đó, giới hội họa xôn xao về việc bức sơn mài "Vườn xuân Trung Nam Bắc" (khổ 200x540 cm) bị hư hỏng sau tu sửa. Tác phẩm được danh họa Nguyễn Gia Trí sáng tác khởi đầu từ năm 1969 (giai đoạn đất nước còn chiến tranh) và hoàn thành năm 1989. Họa phẩm mô tả không khí ngày xuân thanh bình với hình ảnh các thiếu nữ ba miền Trung, Nam, Bắc mặc trang phục truyền thống, trảy hội xuân trong khung cảnh chùa chiền, cây cối.
Cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí. |
Bức tranh là tâm huyết, ứng dụng nhiều đúc kết trong nghệ thuật sơn mài, có kích thước lớn nhất và là một trong những sáng tác cuối cùng của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Năm 1991, tác phẩm được Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh mua với giá 100.000 USD và trao tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Tranh được trưng bày và lưu giữ tại đây từ đó đến nay. Năm 2013, Chính phủ công nhận tác phẩm là "Bảo vật quốc gia".
Danh họa Nguyễn Gia Trí sinh năm 1908 tại Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1936. Ông tổ chức những triển lãm đầu tiên năm 1939 - 1940. Năm 1954, ông chuyển vào Sài Gòn sinh sống và làm việc.
Nguyễn Gia Trí được xem là một trong những họa sĩ đi đầu trong việc tạo dựng khuynh hướng mới của nghệ thuật sơn mài. Ông góp phần đưa sơn mài Việt Nam lên đỉnh cao với sự kết hợp giữa yếu tố văn hóa truyền thống Á Đông của người Việt Nam trên chất liệu sơn ta và phương pháp hội họa hàn lâm phương Tây. Năm 1989, họa sĩ Nguyễn Gia Trí được Bộ Văn hóa công nhận là một trong những họa sĩ đương đại có công trong việc xây dựng nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại. Ông mất tại TP Hồ Chí Minh năm 1993. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học-Nghệ thuật năm 2012.
Theo VnExpress