Đưa lễ hội thành sản phẩm du lịch độc đáo

.

Đà Nẵng không có nhiều lợi thế từ di sản văn hóa như các tỉnh, thành phố khác, nhưng lại có nhiều lễ hội, nhất là lễ hội dân gian gắn với đặc trưng văn hóa, phong tục của người dân địa phương. Nếu khai thác đúng cách, các lễ hội này sẽ trở thành sản phẩm du lịch độc đáo.

Nhiều năm nay, Đà Nẵng được biết đến với thương hiệu “Thành phố pháo hoa”. Từ năm 2008, Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFC) lần đầu tiên được tổ chức, sau này là Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) đã tạo bước ngoặt cho ngành du lịch thành phố. Từ sự kiện này, lượng khách trong và ngoài nước đến Đà Nẵng tăng đáng kể.

Cụ thể, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch thành phố trong dịp DIFC 2015, lễ 30-4 và 1-5-2015 đạt khoảng 460.000 người, tăng 16,5% so với dịp DIFC 2013 (năm 2013, dịp DIFC Đà Nẵng đón khoảng 395.00 lượt khách; năm 2014 không tổ chức DIFC). Năm 2017, riêng trong hai tháng 5 và 6, thành phố đón gần 1,3 triệu lượt khách, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2016 (lượng khách này có sự gia tăng một phần nhờ sự kiện DIFF 2017). Năm 2018, thành phố đón khoảng trên 1,5 triệu lượt khách, tăng 24% so với năm 2017.

Đặc biệt, hằng năm, Đà Nẵng có rất nhiều lễ hội truyền thống như: lễ hội Quán Thế Âm (quận Ngũ Hành Sơn), lễ hội cầu Ngư (quận Sơn Trà, quận Thanh Khê), lễ hội đình làng Túy Loan (huyện Hòa Vang), lễ hội đình làng Hải Châu (quận Hải Châu)...

Theo bà Võ Thị Phương, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Sơn Trà, những năm gần đây, phòng đã tham mưu UBND quận tổ chức lễ hội cầu ngư với phần hội hấp dẫn như: thi ngoáy thúng, gánh cá, đan lưới, ẩm thực miền biển, trưng bày các sản phẩm đặc trưng của người dân địa phương miền biển... Trong đề án phát triển ngành du lịch thành phố đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 do Sở Du lịch xây dựng, đơn vị tư vấn cũng nhìn nhận, muốn đưa Đà Nẵng trở thành thành phố sự kiện và giảm tính mùa vụ, khuyến khích du khách cả năm thì thành phố cần xây dựng các sự kiện một cách quy mô, bài bản.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Sang, Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành quốc tế Hải Vân Cát, để các lễ hội truyền thống địa phương có “sức bật”, chính quyền thành phố nên xây dựng và đưa các lễ hội thành một sản phẩm du lịch với chương trình cụ thể và hướng đến dòng khách phù hợp. Điều quan trọng hơn, khi đã là sản phẩm du lịch thì khách đến lễ hội sẽ tìm hiểu, thưởng thức văn hóa gì, tham quan ở đâu. Đây sẽ là sản phẩm hay nếu được đầu tư bài bản và có lộ trình cụ thể.

Ông Sang gợi ý, khách đến lễ hội cầu ngư có thể xem phần lễ, tham quan một bảo tàng trưng bày các vật dụng, ngư cụ, quy trình bắt thủy hải sản (xây dựng bảo tàng làng nghề biển);  thưởng thức các món ăn địa phương gắn liền với vùng biển.

Trong khi đó, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) lại cho rằng, các lễ hội hiện có của Đà Nẵng, nhất là các lễ hội truyền thống, mới chỉ dừng ở mức là sự kiện hằng năm, chưa tạo được sự mới lạ và sức hút đối với du khách.

Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao, văn hóa, lễ hội là cái gốc của du lịch. Để khai thác được tiềm năng du lịch của các lễ hội truyền thống, ngoài việc quy hoạch các tuyến, điểm, cần quan tâm, đầu tư bảo tồn để phát huy giá trị vốn có của các lễ hội.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết thêm, kế hoạch phát triển du lịch thành phố hướng tới hai mục tiêu là du lịch trải nghiệm, khám phá di sản và du lịch hội nghị, hội thảo kết hợp nghỉ dưỡng biển mang tầm quốc tế. Việc hình thành các chuỗi sản phẩm du lịch không chỉ giúp thu hút khách mà còn giữ khách lưu lại lâu hơn. Do đó, ngành du lịch đang triển khai các biện pháp tăng cường đầu tư, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch dịch vụ nhằm thu hút khách và nâng cao mức chi tiêu của du khách khi đến với Đà Nẵng.

NHẬT HẠ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.