Trở về từ Liên hoan các ban nhạc toàn quốc 2019, tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 4, danh thủ rock - guitar solo Cao Minh Đức (1973, người Đà Nẵng) đã có những chia sẻ khá chân thành về nghề.
Nghệ sĩ Cao Minh Đức (giữa) tại đêm trao giải Liên hoan các ban nhạc toàn quốc 2019. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Nghệ sĩ Cao Minh Đức cho biết, sau gần 30 năm, kể từ năm 1993, Liên hoan các ban nhạc toàn quốc mới được tổ chức trở lại với sự góp mặt của 10 ban nhạc, đại diện cho các đơn vị ca múa nhạc công lập và ngoài công lập trên toàn quốc. Anh là người hiếm hoi tham gia cả hai lần liên hoan: 1993 và 2019.
Ở liên hoan lần này, anh là thành viên trong ban nhạc Phương Đông của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, vừa là tác giả viết ca khúc, vừa là cây guitar của ban nhạc. Ban nhạc tham gia 3 tiết mục, trong đó có 2 ca khúc do anh sáng tác gồm “Mặt trời Phương Đông”, “Đối thoại”.
Kết thúc cuộc thi, anh và ban nhạc thắng lớn với huy chương vàng dành cho các tiết mục Mặt trời phương Đông, Đối thoại. Ngoài ra tiết mục Mặt trời phương Đông được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải xuất sắc, riêng anh được trao giải xuất sắc dành về phong cách biểu diễn ấn tượng...
“Gần 30 năm, tôi lại tham gia sân chơi này. Vẫn cháy hết mình trên sân khấu, được chơi nhạc và giao lưu với anh em đồng nghiệp, với thế hệ trẻ là hạnh phúc của nghệ sỹ chúng tôi”, Cao Minh Đức cho biết.
Thật ra, không đợi đến liên hoan này, mà từ rất lâu, giới âm nhạc đã biết đến ngón đàn “phù thủy” của anh. Nhưng để có thành công ấy, ngoài tố chất, năng lực thẩm thấu âm thanh thì cả quá trình khổ luyện của Cao Minh Đức.
Anh học âm nhạc từ khi 5-6 tuổi với người thầy không ai khác là ba anh - danh thủ guitar Cao Minh Trí. Cao Minh Đức kể, ngay từ thuở nhỏ, ở căn nhà sâu tít trong con hẻm nhỏ trên đường Trưng Nữ Vương, anh đã ôm đàn luyện tập mỗi ngày, cây đàn khi ấy còn lớn hơn khổ người.
Đến năm 9 tuổi, anh đã khá rành rõi guitar. Anh từng “đứng lớp” cùng cha luyện đàn cho các bạn cùng trang lứa. Một kỷ niệm anh vẫn ghi nhớ mãi là năm 1982, ca sĩ Thanh Lan về Đà Nẵng biểu diễn đã yêu cầu Cao Minh Đức lên sân khấu cùng cha đệm đàn cho mình. Lúc đó Đức mới... 10 tuổi.
Sau khi học xong THPT, Cao Minh Đức về đầu quân cho ban nhạc Tia sáng. Được vài năm, anh vào TP. Hồ Chí Minh chơi nhạc tại Sân khấu Lan Anh. Đầu năm 2000, nghe lời khuyên của ba, anh trở về Đà Nẵng theo diện thu hút nhân tài của thành phố, công tác tại Nhà hát Trưng Vương. Nhưng một lần nữa, thị trường, thị hiếu âm nhạc Đà Nẵng vẫn chưa thể níu giữ anh. Anh lại ngược ra Bắc đầu quân về Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.
Hơn mấy chục năm theo con đường nghệ thuật, Cao Minh Đức từng đi diễn rất nhiều nước châu Âu, châu Á...; ngoài biểu diễn guitar còn sáng tác nhạc. Tác phẩm viết riêng cho guitar như “Khúc vĩ cầm của đất”, “Lũ lụt” của anh trình diễn được rất nhiều bạn trẻ yêu thích và từng được anh biểu diễn trên các sân khấu thế giới. Anh tham gia nhiều liên hoan âm nhạc như Jazz-Rock, Bài ca mùa hè..., các hoạt động âm nhạc ở Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Gần như các ca sĩ nổi tiếng của dòng nhạc nhẹ đương đại như Thanh Lam, Thu Phương, Mỹ Linh, Bằng Kiều, Tuấn Hưng... và tiếp nối là Tùng Dương, Cát Tường đều thăng hoa dưới ngón đàn phù thủy của anh.
Năm 2017, Cao Minh Đức ra mắt CD chủ đề “Như cánh vạc bay” là album hòa tấu guitar đầu tiên của anh nhân dịp kỷ niệm ngày mất cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cũng đánh dấu hành trình 30 năm làm nghệ thuật của nghệ sĩ guitar được công chúng đánh giá “hàng đầu” của Việt Nam. Ở CD này, một loạt các tác phẩm nổi tiếng của các nhạc sĩ tài danh Việt Nam như Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Trần Thiện Thanh, Kim Tuấn... được danh thủ làm mới lại với kỹ thuật ngón điệu nghệ và bản phối.
Nghệ sĩ Cao Minh Đức tâm sự, anh theo đuổi dòng nhạc fusion-một thể loại nhạc pha trộn của âm nhạc cội rễ dân tộc, lấy chất liệu từ âm nhạc dân gian, nhạc cụ Việt Nam, các dân tộc thiểu số... hòa lẫn với thể loại nhạc đương đại, hòa âm, phối khí để tạo nên chất rất riêng vừa gần gũi vừa mới mẻ, mang lại nhiều cảm hứng, độ “phiêu” cho người nghe như: Lý cây đa, Người ơi người ở đừng về...
“Có lẽ tôi kế thừa được tính nghệ thuật truyền thống của bà nội - cô Mười Tân Châu (tên thật là bà Hồ Tuyết Loan) nổi tiếng ở sân khấu cải lương Nam bộ một thời cùng nghệ sĩ Phùng Há. Sau 1975, bà là giảng viên Dân ca Nam bộ Trường Nghệ thuật sân khấu. Sau này, bà chuyển ra Đà Nẵng sống với ba tôi. Thêm nữa là tôi được học bài bản ngón nghề tuyệt kỹ của cha. Tôi đồng thời tự mày mò học hỏi thêm các nền âm nhạc của thế giới để tìm cho mình một phong cách riêng, làm sao đó để tinh thần một bài hát hôm qua - sống lại và vẫn mới mẻ cho hôm nay...”, nghệ sĩ Cao Minh Đức chia sẻ.
Hiện nay, anh tham gia nhóm nhạc Blue Sky (Đà Nẵng), cộng tác viên cho Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam (Hà Nội)...; tham gia biểu diễn nhiều chương trình lớn ở trong nước và quốc tế; hòa âm, phối khí, sáng tác cho các ca sĩ nổi tiếng. Điều khiến anh băn khoăn là Đà Nẵng vẫn chưa phát triển âm nhạc so với hai thành phố lớn của cả nước, chưa có trung tâm đào tạo âm nhạc lớn; điều đáng lo ngại là ban, nhóm nhạc trẻ chưa được đào tạo bài bản, học trên mạng... thì khó có thể hình thành những ban, nhóm nhạc đình đám so với cả nước.
NGỌC HÀ