Giải mã súng thần công tại Đà Nẵng

.

Với khẩu súng thần công vừa được phát hiện vào tháng 5 vừa qua, Bảo tàng Đà Nẵng hiện đang lưu giữ 14 khẩu súng thần công. Đây là những hiện vật có giá trị, góp phần khẳng định, làm rõ thêm về ý nghĩa của cuộc chiến 1858-1860 của quân và dân Đà Nẵng.

Bộ sưu tập súng thần công của Bảo tàng Đà Nẵng có giá trị ở chỗ đó là súng chiến, không phải súng kiểng.
Bộ sưu tập súng thần công của Bảo tàng Đà Nẵng có giá trị ở chỗ đó là súng chiến, không phải súng kiểng.

Ngày 22-5, trong lúc đào cát làm công trình kè biển Liên Chiểu, đoạn Xuân Thiều - Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), các công nhân đã đào được một khẩu thần công ở độ sâu gần 5m. Khi phát hiện, súng còn tương đối nguyên vẹn với chiều dài 1,75m, đường kính đầu nòng 15cm, đường kính đuôi nòng 25cm, trọng lượng khoảng 200kg. Trên thân súng có trang trí bằng các biểu tượng hình chim và hoa văn đường diềm bao quanh thân súng, quai chạm vảy rồng, có khắc chữ Hán Nôm ở hai thanh trục quay.

Sau khi tiếp nhận và nghiên cứu, đánh giá sơ bộ, Bảo tàng Đà Nẵng cho rằng đây là súng thần công có niên đại gần 200 năm, được triều đình nhà Nguyễn trang bị cho hệ thống phòng thủ ở Đà Nẵng, cũng là súng thần công bằng đồng đầu tiên được phát hiện tại Đà Nẵng.

Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, nếu nói về súng thần công bằng đồng thì Huế hiện có 9 khẩu thần công được vua Gia Long (1802-1820) lệnh cho các nghệ nhân đương thời tập trung tất cả các binh khí và vật dụng bằng đồng để đúc làm vật chứng cho chiến thắng vẻ vang của mình sau khi đánh bại nhà Tây Sơn. Công việc đúc chính thức từ năm 1803 và hoàn thành vào năm 1804. Ngoài Cửu vị thần công, Huế còn có 4 khẩu súng đúc bằng đồng niên đại từ thế kỷ XVII được trục vớt tại cửa biển Thuận An (Huế) vào năm 2007 đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh.

Ngoài ra, 3 khẩu súng thần công bằng đồng (là bảo vật quốc gia), hiện trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh. Ba khẩu súng này được ngư dân huyện Cẩm Xuyên và huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) trục vớt từ một con tàu cổ bị đắm vào năm 2003. Đây là 3 khẩu thần công được đúc dưới thời vua Minh Mệnh, một năm sau khi vị vua này lên ngôi hoàng đế (1821), nhằm mục đích chúc mừng vua lên ngôi, lấy đó để ngăn ngừa sự khinh lờn, xua tan đi những điều xấu và quan trọng hơn cả là giữ bình yên cho đất nước.

“Có thể thấy, khẩu thần công vừa phát hiện tại Đà Nẵng khác biệt với các khẩu thần công bằng đồng được trưng bày tại các tỉnh, thành ở chỗ nó là khẩu súng chiến, không phải súng kiểng”, ông Thiện nói.

Lý giải thêm về điều này, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, dựa trên các tài liệu lịch sử có thể thấy trước nguy cơ ngoại xâm phương Tây, nhà Nguyễn đã hết sức quan tâm đến việc xây dựng hệ thống phòng thủ bằng cách tăng cường vũ khí và các bốt ven biển. Đặc biệt tại Đà Nẵng, vua nhà Nguyễn đã trang bị cho pháo đài Điện Hải 30 ụ súng thần công cỡ lớn. Số lượng súng thần công trang bị cho thành Điện Hải được ghi trong Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ (quyển 254) gồm: 4 khẩu đại luân xa thảo nghịch đại tướng quân, 22 súng gang Hồng y, 1 súng đồng Vũ công phá địch đại tướng quân... Do đó, súng thần công bằng đồng vừa phát hiện có khả năng là súng dành cho cấp chỉ huy.

Vì vậy, khẩu súng thần công này sẽ tôn thêm giá trị của bộ sưu tập súng thần công thành Điện Hải - gồm 13 khẩu súng thần công được đúc bằng chất liệu gang - sắt được phát hiện trong khuôn viên và xung quanh thành Điện Hải, cửa biển Đà Nẵng (nay là Vùng 3 Hải quân), bên hữu ngạn sông Hàn (thành An Hải thời Nguyễn); đồng thời góp phần khẳng định, làm rõ thêm về ý nghĩa của cuộc chiến 1858-1860 của quân và dân Đà Nẵng cũng như vai trò của nhà Nguyễn với mặt trận này. Sắp tới, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ mời các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong ngành để làm sáng tỏ giá trị của hệ thống súng thần công đang lưu giữ tại bảo tàng và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.