Gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống

.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, nhiều giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn quận Hải Châu được giữ gìn và phát huy hiệu quả.

Hội sách Hải Châu được duy trì và tổ chức thường niên với quy mô năm sau lớn hơn năm trước.
Hội sách Hải Châu được duy trì và tổ chức thường niên với quy mô năm sau lớn hơn năm trước.

Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Anh cho biết, kết quả rõ nét nhất đó là quận Hải Châu đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn quận với tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật là các dự án đầu tư xây dựng mới Trung tâm văn hóa-thể thao quận; thành lập và duy trì hoạt động bộ máy tổ chức 13 Trung tâm văn hóa-thể thao và học tập cộng đồng, 66 nhà sinh hoạt cộng đồng, 13 công viên vườn dạo, khu vui chơi, giải trí ở các phường.

Song song với đầu tư nâng cấp các thiết chế văn hóa, quận Hải Châu luôn quan tâm duy trì và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân về vai trò của văn hóa đọc và phát triển nền tri thức. Ông Lê Anh cho biết, liên tục 5 năm liền, quận tổ chức thành công Hội sách Hải Châu với quy mô năm sau lớn hơn năm trước. “Đây không chỉ là sự kiện mà là nét đẹp văn hóa của quận trung tâm thành phố. Về lâu dài, việc tổ chức Hội sách Hải Châu sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu của người đam mê đọc sách mà còn là địa chỉ văn hóa, du lịch để thu hút du khách nhiều hơn”, ông Lê Anh nhấn mạnh.

Hiện nay, toàn quận Hải Châu có 28 điểm cà-phê sách trải đều ở 13 phường được quận hỗ trợ đầu tư, trong đó có Công viên cà-phê sách tại phường Hòa Cường Bắc do thành phố Daegu (Hàn Quốc) tài trợ hoạt động rất có hiệu quả. UBND quận chỉ đạo Phòng Giáo dục-Đào tạo tổ chức hội thi kể chuyện “Từ trong trang sách”, thu hút hàng trăm em học sinh tham gia; chỉ đạo các trường xây dựng Thư viện điện tử, các phường xây dựng phòng đọc sách, huy động sách từ nhiều nguồn... nhằm đáp ứng nhu cầu đọc sách của cán bộ, nhân dân trên địa bàn quận.

Hằng năm, quận Hải Châu duy trì chuỗi các hoạt động văn hóa, văn nghệ trọng tâm như: “Tết trồng cây”, “Đêm thơ Nguyên tiêu”, Lễ hội đình làng Hải Châu nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch...; thường xuyên đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn quận, như khuyến khích các phường thành lập CLB thơ, CLB hát dân ca; mở lớp dạy dân ca cho đội ngũ cán bộ văn hóa các phường; đưa nghệ thuật tuồng, múa rối nước, thi hát dân ca bài chòi và các trò chơi dân gian vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa cho các em học sinh trên địa bàn quận.

Trong 5 năm trở lại đây, quận Hải Châu quan tâm tu bổ, tôn tạo, nâng cấp các di tích, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trên địa bàn quận. Các hoạt động trên đã tạo nên điểm nhấn rất riêng, những nét văn hóa đặc trưng cho một quận trung tâm thành phố hiện đại nhưng cũng lưu giữ những giá trị truyền thống; đồng thời, đem lại không khí phấn khởi, phong trào thi đua sôi nổi, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của địa phương.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hải Châu Lê Tự Gia Thạnh cho biết: Trong suốt quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Ban Thường vụ Quận ủy luôn xác định trọng tâm để xây dựng nền tảng văn hóa trong đời sống cộng đồng là lấy cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh đô thị theo tinh thần Chỉ thị 43-CT/TU của Thành ủy, chương trình “Thành phố 4 an”, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Qua đó, đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các hội, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn quận trong việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới.

Theo ông Lê Tự Gia Thạnh, từ kinh nghiệm thực tế ở Hải Châu cho thấy, cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người, xử lý tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa; xác định xây dựng và phát triển văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là sự nghiệp của toàn dân, trong đó xác định rõ nhân dân là chủ thể và cần phát huy vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo, sự tham gia tích cực của nhân dân trong việc phát triển văn hóa. Ngoài ra, cần kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng về giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.  

Bài và ảnh: ĐẶNG NỞ
 

;
;
.
.
.
.
.