Ấn tượng màn đại xoè 5.000 người tham gia trong Lễ hội văn hóa du lịch Mường Lò

.

Chứng kiến màn đại xoè với hơn 5.000 nghệ nhân dân gian và người dân trong trang phục phụ nữ Thái tham gia trình diễn trong đêm khai mạc Lễ hội văn hoá du lịch Mường Lò, Yên Bái, người ta không chỉ thấy một sự hội tụ văn hoá các dân tộc, mà còn thấy màn xoè là biểu thị rõ rệt cho sự gắn kết cộng đồng, bày tỏ tình yêu thương và niềm vui sống. Màn đại xoè năm 2019 được đánh giá là lớn nhất từ trước tới nay…

Màn đại xòe nhìn từ trên cao. Ảnh: Tuấn Đào
Màn đại xòe nhìn từ trên cao. Ảnh: Tuấn Đào

Đêm khai mạc “Lễ hội văn hoá du lịch Mường Lò và khám phá danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải” với tên gọi “Tinh hoa từ huyền thoại” diễn ra tại sân vận động thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) tối 20-9-2019 được đánh giá là hoành tráng, công phu, đậm đà bản sắc dân tộc với sự tham dự của gần 20.000 người tham dự.

Trên sân khấu, những tinh hoa văn hoá đặc sắc nhất của Yên Bái với 30 dân tộc sống xen kẽ và giao thoa với nhau trên mảnh đất Yên Bái, đã được tái hiện qua âm nhạc và nghệ thuật, giúp người xem hình dung đầy đủ trọn vẹn về một Yên Bái huyền thoại từ ngàn xưa đến hôm nay. Trong khuôn khổ chưa đầy 2 tiếng đồng hồ diễn ra, để viết nên một “huyền thoại” như những gì chương trình đã làm không hề dễ dàng, nhưng “Tinh hoa từ huyền thoại” đã giúp người xem khám phá văn hoá du lịch Yên Bái một cách cuốn hút và mê say….

Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội Mường Lò “Tinh hoa từ huyền thoại” được chia thành 3 chương (Cuộc thiên di huyền thoại; Hội tụ và giao thoa; Xoè Thái và tinh hoa dân tộc), viết nên một câu chuyện kể bằng âm nhạc, nghệ thuật mang tính huyền thoại, thấm đẫm những nét văn hoá đặc sắc về Yên Bái- một trong những cái nôi của người Việt cổ, với dày đặc các di chỉ và hiện vật khảo cổ thời tiền sử. Giữa miền Tây Bắc hùng vĩ núi rừng, với thiên nhiên diễm lệ say đắm hồn người, Yên Bái ẩn chứa biết bao huyền thoại, huyền tích của một vùng đất lịch sử và tâm linh với những di sản văn hóa vật thể & phi vật thể từ ngàn đời nay.

Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội đã hấp dẫn khán giả ngay từ những hình ảnh đầu tiên qua màn diễu hành của 30 dân tộc anh em ở Yên Bái cùng những nét văn hoá riêng của từng dân tộc. Người xem có thể thấy được từng nét đẹp văn hoá, phong tục tập quán… được người dân gìn giữ, lưu truyền đến ngày hôm nay.

Màn đại xoè với hơn 5.000 nghệ nhân dân gian và người dân trong trang phục phụ nữ Thái tham gia trình diễn.Ảnh: Tuấn Đào
Màn đại xoè với hơn 5.000 nghệ nhân dân gian và người dân trong trang phục phụ nữ Thái tham gia trình diễn.Ảnh: Tuấn Đào

Trong đó, gây ấn tượng sâu sắc với người xem là màn đại Xoè của hơn 5.000 nghệ nhân dân gian và người dân phủ kín cả sân vận động Mường Lò.

Là xứ sở của những lễ hội cổ truyền, với đời sống văn hóa phong phú, ngôn ngữ và nghệ thuật dân ca dân vũ đa dạng, Yên Bái còn vô cùng quyến rũ bởi những điệu Xòe uyển chuyển qua nhiều thế kỷ, những vũ khúc Xòe Thái vẫn hiển hiện sinh động biểu trưng cho nhịp điệu tâm hồn đằm thắm và trái tim nồng nhiệt thiết tha yêu bản sắc dân tộc. Xòe sinh ra từ người Thái, sống cùng người Thái và lớn lên cùng người Thái. Với đồng bào Thái, trải qua bao biến thiên, mai một, vẫn còn lại vạn trang chữ Thái cổ và những điệu Xòe cổ là báu vật của chính dân tộc Thái, của Tây Bắc và của đất nước.

Hơn 5.000 nghệ nhân dân gian và người dân là những phụ nữ trong trang phục duyên dáng của người phụ nữ Thái đủ màu sắc cùng những chiếc khăn thổ cẩm đặc trưng cùng vòng xoè khổng lồ đã tạo nên một không khí thật khó quên đối với những ai có mặt tại sự kiện.

Mở đầu, nghệ nhân Lò Văn Biến trong vai Già làng trưởng bản thực hiện nghi lễ châm đuốc, mời gọi các trai làng gái bản bằng tiếng Thải cổ để tham gia vào Đêm hội Xòe. Dàn nhạc dân tộc bắt đầu chơi, các chàng trai cô gái cùng hòa vào giai điệu Xòe, giới thiệu cùng quan khách và du khách 6 điệu xòe cổ.

Trên sân vận động, 5.000 nghệ nhân dân gian và diễn viên quần chúng vừa Xoè, vừa liên tục di chuyển tạo thành những hình ảnh nổi bật của đất Yên Bái như những cánh hoa ban rực rỡ, những hoa văn thổ cẩm đặc trưng… Màn xoè đã thu hút tất cả các quan khách cùng phải đưa điện thoại lên để ghi lại những hình ảnh khó quên này.

Sự gắn kết cộng đồng, tình đoàn kết, lòng yêu thương… đều đã được thể hiện qua Xoè. Sự gắn kết ấy đã thể hiện rõ nét khi các quan khách đã cùng hoà vào dòng xoè, từ già trẻ lớn bé, trai gái, vòng xoè cuối cùng được quy tụ xoay tròn bên đống lửa, người với người cùng nắm tay nhau, cùng cười hân hoan, hạnh phúc. Cho đến khi chương trình đã kết thúc, nhiều người vẫn không ngừng xoè, cùng nắm tay nhau để tiếp tục xoè. Những hình ảnh ấy cho người ta thêm yêu mảnh đất Yên Bái nồng hậu, mến khách và giàu bản sắc dân tộc.

Sự gắn kết cộng đồng, tình đoàn kết, lòng yêu thương… đều đã được thể hiện qua Xoè. Ảnh: Tuấn Đào
Sự gắn kết cộng đồng, tình đoàn kết, lòng yêu thương… đều đã được thể hiện qua Xoè. Ảnh: Tuấn Đào

Tổng đạo diễn chương trình đêm khai mạc- nữ đạo diễn Lê Hải Yến tiết lộ, ekip đã mất 6 tháng để có thể thực hiện được một đêm khai mạc công phu và hội tụ được tất cả những nét văn hoá đặc sắc của Yên Bái nhất như vậy: “Để khai thác tối đa chất liệu dân gian, ekip tổ chức và các đạo diễn đã dành nhiều thời gian đi thực địa và “nằm vùng” tại các bản làng, đến với các vùng sâu vùng xa để tìm hiểu về đời sống, văn hóa của các dân tộc tại Yên Bái mà điển hình là các dân tộc: Tày, Mông, Thái, Mường, Dao, Khơ Mú, Sán Chay… Ngay như phần âm nhạc cũng được các nhạc sĩ tham gia chương trình, đặc biệt là nhạc sĩ Mạnh Tiến dày công tìm hiểu, nghiên cứu, thậm chí trong hàng tháng trời qua, đã đến từng bản làng để thu lại những câu nói bằng tiếng Thái cổ, những nhạc cụ dân gian và âm thanh từ cuộc sống để đưa vào trong tác phẩm. Trong thời gian chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã thực sự tự hào khi giới thiệu được khá đầy đủ, trọn vẹn vẻ đẹp toàn diện của Yên Bái, từ những tinh hoa văn hoá đến thiên nhiên tuyệt mỹ và đời sống sôi động của ngày hôm nay”.

Xuyên suốt nội dung chương trình, các yếu tố dân gian, truyền thống và bản địa đã được tái hiện mới lạ, công phu và ứng dụng nhiều công nghệ trình diễn hiện đại lần đầu áp dụng trên sân khấu Lễ hội.

Nữ đạo diễn Lê Hải Yến - Tổng đạo diễn của chương trình (phải) và NSƯT Huyền Thanh trong vai trò chỉ đạo nghệ thuật. Ảnh: Tuấn Đào
Nữ đạo diễn Lê Hải Yến - Tổng đạo diễn của chương trình (phải) và NSƯT Huyền Thanh trong vai trò chỉ đạo nghệ thuật. Ảnh: Tuấn Đào

Xúc động khi chương trình khiến người xem hân hoan, lưu luyến mãi không muốn rời, Tổng đạo diễn Lê Hải Yến chia sẻ: “Đây là một chương trình có thể nói là kỷ lục trong sự nghiệp của tôi. Kỷ lục cả về số lượng nhân sự tham gia, nhân sự biểu diễn, kỷ lục cả về không gian về thời gian. Chương trình được chuẩn bị từ nhiều tháng trời nhưng vẫn thay đổi đến phút cuối cùng trước khi lên sóng. Chưa có 1 sự kiện hay lễ hội nào mà mọi thứ lại chuyển động nhiều đến thế. Sân khấu chuyển động, tất cả các thiết bị trên sân chuyển động, và toàn bộ bàn ghế, đại biểu, và cả hệ thống ánh sáng cũng phải đi chuyển theo chương trình. Thực sự với chúng tôi đây là một nỗ lực vô cùng lớn, một kỷ lục của chính mình và kỷ niệm khó quên”.

“Từng ấy những khó khăn và thử thách khiến tôi mất ăn mất ngủ nhiều ngày, thay đổi nhiều Phương án để có thể thực hiện được chương trình. Tôi may mắn có được sự đồng hành giúp đỡ của nhiều đàn anh, đàn chị trong nghề, đặc biệt là người chị - NSƯT Huyền Thanh, luôn đồng hành và chia sẻ, truyền dạy nhiều kinh nghiệm. Tôi may mắn được sự ủng hộ của các nghệ sỹ, nhạc sỹ, văn sỹ lớn đã giúp tôi tạo nên những tác phẩm tuyệt vời. Phút cuối với những thay đổi tôi vẫn có sự trợ giúp của chị Quách Nga đã giúp tôi thực hiện màn Đại Xoè thành công. Tôi thấy cảm ơn và biết ơn tất cả những may mắn và cả thử thách ấy để chúng tôi có được một tác phẩm dù chưa thực sự hoàn hảo nhưng cũng chinh phục được mọi khán giả”- Tổng đạo diễn Lê Hải Yến bộc bạch.

Theo Baotintuc.vn

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.