Số lượng người dân Cơ tu ở huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng biết hát múa và sử dụng nhạc cụ truyền thống chỉ đếm trên đầu ngón tay và độ tuổi đã trên 65. Các sinh hoạt văn hóa dân gian hầu như thưa thớt dần, mỗi lần chúng tôi lên vùng cao này lại vắng đi nhiều nghệ nhân; lớp trẻ hát dân ca Cơ tu cũng đi làm ăn xa, lãng quên câu ca xưa vì mãi đắm chìm theo việc mưu sinh.
Nghệ nhân Bùi Văn Tám – Alăng Nhiếp. |
Chúng tôi đã nghe một vài làn điệu dân ca mà khi các cụ hát lên thì câu được, câu mất. Đến thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, khi được mời hát thì cụ bà Bly, 81 tuổi, vóc dáng nhỏ bé, tuổi già sức yếu nên chỉ hát đôi câu trong điệu ru con A dơng cacoon với ánh mắt xa xăm; rồi cụ bà Bnhôm, 79 tuổi cũng lắng lòng trong phút giây lùi về hồi ức tuổi xuân, chỉ cất lên vài thanh âm chắp nối của điệu chchăp. Đó là đôi câu dân ca Cơ tu còn rơi rớt lại trong quãng đời xế chiều của hai cụ.
Trước đó, trong đợt điền dã vào tháng 5 năm 2018, tôi được nghe cô gái trẻ Cơ tu Bùi Thị Hạnh, 30 tuổi - Trưởng thôn Giàn Bí hát lời mới theo làn điệu hát giao duyên chchăp. Như vậy câu ca nguyên gốc chỉ còn trong tiềm thức các bậc cao niên, thi thoảng mới ngân vang khi các cụ già làng trầm ngâm hoài niệm về quá khứ. Còn đối với lớp trẻ thì vẫn thích hát dân ca được đặt lời mới hơn là lời cổ nguyên gốc. Đáng buồn là trong các liên hoan - hội diễn hay các dịp lễ hội, cưới hỏi, nam nữ thanh niên Cơ tu lại thích hát các ca khúc mới. Hỏi vì sao không hát dân ca Cơ tu, họ trả lời rằng: Hát nhạc mới thì thể hiện được đẳng cấp, phù hợp trào lưu hiện đại không bị coi là quê mùa, thiếu thức thời.
Ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, hơn 10 năm trước có một số bậc cao niên diễn tấu được các loại đàn truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ tu do già làng Alăng Cần là người chế tác. Ông cũng sử dụng các loại nhac cụ này rất thuần thục và điêu luyện. Theo già làng Alăng Cần, ông có thể diễn tấu nhiều nhạc cụ như: đàn Tapeh, kèn Cabluôc, sáo Rahêm, đàn Hroa... Đó là các loại nhạc cụ rất độc đáo, gắn liền với truyền thống văn hóa lâu đời của bà con.
Trong đợt điền dã, sưu tầm mới đây vào hai năm 2018, 2019 theo kế hoạch công tác của Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng, chúng tôi lại đến thôn Phú Túc và 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí tìm gặp các nghệ nhân, thì đáng buồn là hiện nay tại thôn Tà Lang chỉ có đôi ba nghệ nhân già yếu còn cất lên giọng hát dân ca rời rạc. Duy nhất nghệ nhân Alăng Mỹ còn lưu giữ một vài nhạc cụ, do ông tự chế tác và biểu diễn thuần thục. Riêng già làng Alăng Cần cũng còn nhớ vài làn điệu dân ca Cơ tu.
Ông cùng nghệ nhân Alăng Mỹ đã nhiều lần tham gia biểu diễn và đoạt huy chương vàng trong các Liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn thành phố Đà Nẵng. Điều chúng tôi mong mỏi là gặp được đội ngũ những người Cơ tu trẻ để sưu tầm thì hầu như trống vắng. Những thanh niên Cơ tu từng hát cho chúng tôi nghe một vài làn điệu dân ca quen thuộc vào giữa năm 2018, đến đầu năm 2019 đã xa xứ, rời làng đi làm ăn nơi khác. Đó là một thực trạng đáng báo động trong tiến trình bảo tồn và phát huy vốn âm nhạc dân gian Cơ tu trong giai đoạn hiện nay.
Khi đến thôn Tà Lang, may mắn là chúng tôi gặp được vợ chồng nghệ nhân Bùi Văn Tám - Alăng Nhiếp cùng 65 tuổi, họ cùng hát điệu chchăp, lời cổ thật hòa quyện, trân trọng, tạo được không khí vui tươi, đầy ân tình nơi núi rừng miền cao Hòa Bắc. Ngoài ra còn gặp lại ông Alăng Mỹ, 63 tuổi, trẻ nhất trong số các nghệ nhân ở huyện Hòa Vang. Ông đã từng chế tác các loại nhạc cụ, các vật dụng làm nương rẫy. Vậy mà hiện nay trong nhà chỉ còn cây đàn Abel cũ kỹ cùng một vài chiếc gùi, cái nia cất giữ làm kỷ niệm vì đã lâu không sử dụng.
Văn hóa dân gian của tộc người Cơ tu ở thành phố Đà Nẵng đang phai nhạt dần. Lớp trẻ Cơ tu không mặn mà với việc kế thừa. Thanh niên vì mưu sinh phải đi làm ăn xa, chỉ còn lại người già và con trẻ nên việc trao truyền cũng vô cùng khó khăn.
Cây đàn Abel của nghệ nhân Alăng Mỹ. |
Theo các già làng ở vùng cao Hòa Vang, hiện nay lễ hội ngày càng mai một. Việc phục dựng các lễ hội này không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ tu mà còn tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tìm hiểu, sưu tầm, nghiên cứu để làm phong phú thêm giá trị truyền thống của dân tộc mình. Đề án phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với bảo tồn văn hóa truyền thống người Cơ tu tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí được huyện Hòa Vang xây dựng để tiếp tục kế hoạch lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể như nói lý, hát lý, diễn tấu cồng chiêng, múa tung tung dá dá, đan lát mây tre... để phục vụ du lịch.
Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang cho hay, Hòa Vang đang trong giai đoạn hội nhập đô thị hóa mạnh mẽ. Những yếu tố giữa truyền thống và hiện đại, cái cũ và cái mới, nông thôn và thành thị, các yếu tố nội sinh lẫn ngoại sinh đang tạo ra những đan xen, cọ xát nên văn hóa truyền thống ở xã Hòa Bắc và Hòa Phú nói riêng, huyện Hòa Vang nói chung đang không ngừng tiếp biến, loại trừ, bổ sung, tiếp nhận và tự tìm hướng phát triển. Tuy không sôi nổi, ồn ào như lĩnh vực kinh tế, quy hoạch đô thị, nhưng cùng với đó, văn hóa và truyền thống ở Hòa Vang đã và đang có sự biến đổi to lớn. Cần nhìn thấy trước điều này và tìm cho nó những trợ lực phù hợp để phát triển.
Mới đây, trong tháng 5 năm 2019, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng phối hợp với UBND huyện Hòa Vang tổ chức đợt sáng tác về Hòa Vang, thu hút khá nhiều hội viên hưởng ứng. Sau đó, một cuộc triển lãm các tác phẩm mỹ thuật, nghệ thuật nhiếp ảnh và công diễn chương trình ca, múa, nhạc, kịch, dân ca... khá quy mô, sôi nổi thu hút đông đảo người dân vùng quê Hòa Vang thưởng ngoạn. Cũng trong năm nay, trại sáng tác điêu khắc tượng gỗ người Cơ tu do UBND huyện Hòa Vang tổ chức tại khu du lịch sinh thái Suối Hoa (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú), với sự tham gia của 15 nghệ nhân là người Cơ tu ở các thôn Tà Lang, Giàn Bí, Phú Túc và các huyện Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang (tỉnh Quảng Nam). Kết quả có 45 tác phẩm điêu khắc gỗ được hoàn thành đáp ứng mong đợi của người dân bấy lâu.
Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang cũng thường xuyên đưa hoạt động âm nhạc truyền thống của vùng cao Hòa Vang đến với du khách và công chúng Đà Nẵng, khi các đội múa cồng chiêng Cơ tu của thôn Giàn Bí thường xuyên được mời biểu diễn trong các khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng, được khách du lịch gần xa hoan nghênh. Mỗi chúng ta đều có thể chung tay để giữ gìn văn hóa truyền thống của người Cơ tu thông qua những việc làm cụ thể. Chúng ta đang nỗ lực bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống cha ông để lại. Song, bảo tồn, lưu giữ trong quá trình hội nhập để phát huy tốt các giá trị văn hóa mới là mục đích hướng tới.
Văn Thu Bích