Gánh rau của má

.

Nhớ cái thời nhỏ xíu, sáng sáng con lại lẽo đẽo theo má ra những phiên chợ sớm. Một gánh rau vườn nhỏ nhưng chất chứa bao kỳ vọng…

Có hôm, chợ vắng, má lại thủ thỉ: “Út à! Chợ sáng ni răng mà vắng như ri, đã 10 giờ trưa rồi... Chắc lát ký tạm cô Tám ít bún về ăn thôi. Chờ mai chợ đông nhà mình lại có thịt, có cá.... Lời má như là trăn trở.
Và hôm đó chợ ế. Gánh rau chưa ngớt, má lại biếu bác Năm, cô Tám, bà Tư. “Cô lấy con cá về cho các con”, “Vài lạng thịt mà nấu chị Quý (tên gọi thân thương má tôi)”, “Thiếu lấy thêm ký bún nề chị”, “Chị cứ lấy đi khi nào có gửi lại chúng tôi”. Và cứ thế, ngày qua ngày... Sáu anh em con lớn lên bằng lòng thương và sự cảm thông của những người bán buôn ở chợ và bà con quanh xóm.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Sau này mỗi lần về quê ghé chợ, mấy người bạn má vẫn nhớ, vẫn nhắc. Cô Tám còn nói vui: “Con má mi cũng còn mắc nợ cô mười mấy ký bún đó nghen”, “À! còn dì bán thịt nữa... Nghĩ mà thương con Quý nhà dù có nghèo khó mà không để con thèm khát”, “Trời quơi! Cô chú nói vui thôi! Chứ chị Quý cho rau ăn miết mà. Nội cái tình thôi đã hơn rồi... Con ơi”.

Con sao mà quên những ngày mưa gió bão bùng hay khô hạn cháy lưng đám rau ba má vun trồng cũng tàn lụi, khan hiếm. Gánh chợ rau sớm cũng thưa, và bữa cơm mằn mặn cũng nhạt nhòa theo... Bao khó khăn, bao lo toan đều oằn nặng lên đôi vai của má.

Rau không còn, nhưng má vẫn quẩy gánh sáng sáng chiều chiều đều đặn ngoài đường. Thay vì ra chợ, má đèo thằng út là tôi ra đồng mót từng củ khoai, bụi sắn còn sót lại. Tuổi thơ con lớn lên cùng với củ khoai, bụi sắn má mót ngày ngày. Củ khoai nhỏ, bụi sắn bé nhưng chất chứa bao kỳ vọng lớn. Tất cả má đều hy vọng vào tương lai của những đứa con bé bỏng của má. Má làm quên ngày đêm, bởi nếu ngày nào nghỉ ở nhà là hôm sau mâm cơm thiêu thiếu ngay. Nhà đông con, chạy ăn chừng ấy miệng người không phải là chuyện đơn giản.

Ngày đó con nhỏ có biết chi là khổ. Sáng chỉ biết ngồi lọt thỏm vào gánh cho má gánh ra đồng, đến chiều lại về. Má cặm cụi đưa tay dúi xuống những rãnh đất mò mò. Con cũng bắt chước làm theo. Nhưng chỉ là bắt dế, còn má moi “bát cơm” từ niềm tin. Móng tay nhầy nhụa đất cát. Mồ hôi nhễ nhại rơi. Mệt, má lại lấy trong quang gánh cái bình đông nước chè uống đỡ. Đến trưa má lại mượn bóng cây làm mái che ăn tạm cà mèn cơm nguội cùng con, rồi ngả lưng.

Chiều chiều, mặt trời khuất, hai vai đòn gánh trĩu nặng. Một đầu con ngồi, đầu còn lại là mớ khoai sắn. Mỗi bước chân má bước trải dài theo bóng người. Nắng hiu hắt tắt dần và bước chân cũng ngắn và chậm.

Năm con lên 10 tuổi, khoai sắn giá bọt bèo. Nhà nhà phá những luống khoai, rẫy sắn để trồng dương liễu. Và cũng từ ấy, khoai sắn khan hiếm. Mủng má mót mỗi ngày thưa dần...

Rồi con lớn lên đi học. Những ngày lẽo đẽo theo má cũng không còn nữa. Má vẫn kiên nhẫn, lủi thủi, cần mẫn, đi đi, về về mỗi ngày. Khoai sắn hết, má chuyển sang hái rau, mót củi. Đôi vai gầy còm ấy của má giờ phải cõng nhiều hơn và nặng hơn mỗi ngày.

Một gánh củi chỉ được vài đồng bạc lẻ đủ cho một ngày tằn tiện qua ngày của cả nhà. Nhưng đó là niềm hạnh phúc của má. “Trời! mi lo mà học đi còn ít bữa lo lại cho tau”, má nói bằng cái giọng khẳng khái chân chất người Quảng.

Nghe má nói mà lòng thấy nhoi nhói. “Má ơi! con sẽ cố gắng...”. Con chỉ biết dặn lòng là cố gắng mà thôi chứ đâu dám nói sẽ làm được. Vì con biết con thời ấy học có giỏi đâu. Lên lớp 3 rồi có môn chính tả mà viết thiếu trước sai sau. Nhưng rồi, ngày tháng vẫn trôi... Gánh củi mỗi ngày vẫn đều đặn. Bữa cơm vẫn đấy niềm khắc khoải!

Mới đấy mà đã ngót 10 năm qua đi, tất cả giờ chỉ còn trong miền ký ức xa xăm. Bao cơm áo, nhọc nhằn khổ ải, bao hy sinh của đời má cho những đứa con. Ấy vậy mà má cũng chưa được hưởng những tháng ngày “no đủ”, nhàn hạ bên cháu con thì đã về với trời xanh mây trắng. Để rồi trong tâm can con lúc nào cũng thấy mình có lỗi nhiều với má. Bao dự định đền đáp cho má, những điều đơn giản nhất như mua cho má cái áo len ấm mùa đông hay giản đơn là nấu cho má món ăn mà má thích,… nhưng cũng không thực hiện được.

Cái ước ao của má cho chúng con được ăn học và có công ăn việc làm ổn định đã trở thành hiện thực. Chừng ấy, có lẽ ở bên kia thế giới má cảm thấy an lòng. Nhưng con vẫn luôn day dứt vì chưa kịp đáp đền gì cho má.

Má ơi! Giờ con đang làm ở nơi phố thị, giờ con đã khôn lớn, giờ con đã có cuộc sống đủ đầy hơn nhiều so với những tháng ngày thơ bé. Vậy mà con cảm thấy thiêu thiếu một điều gì không thể bù đắp được. Hình bóng má, gánh rau của má, bữa cơm của má luôn làm con nhớ da diết khôn nguôi…

Hà Kiều
 

;
;
.
.
.
.
.