Bảo tàng hướng đến cộng đồng

.

Gắn kết cộng đồng vào hoạt động của bảo tàng là hình thức phổ biến ở phương Tây nhưng tại Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, thời gian qua, Bảo tàng Đà Nẵng đã từng bước thực hiện và tạo hiệu ứng tích cực.

Gắn kết cộng đồng vào hoạt động của bảo tàng không chỉ tạo sức hút với công chúng mà còn tăng vai trò của các bảo tàng địa phương trong việc bảo tồn và gìn giữ các giá trị truyền thống.  Trong ảnh: Nghệ nhân làng nghề nước mắm Nam Ô có những giây phút vui vẻ khi hướng dẫn các bước làm mắm cho sinh viên. Ảnh: NGỌC HÀ
Gắn kết cộng đồng vào hoạt động của bảo tàng không chỉ tạo sức hút với công chúng mà còn tăng vai trò của các bảo tàng địa phương trong việc bảo tồn và gìn giữ các giá trị truyền thống. Trong ảnh: Nghệ nhân làng nghề nước mắm Nam Ô có những giây phút vui vẻ khi hướng dẫn các bước làm mắm cho sinh viên.

Để nhân chứng “sống” kể chuyện

Mới đây, tại triển lãm “Câu chuyện bên bờ sông” do Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức, nhìn thấy bức hình của mình được trưng bày, bà Phan Thị Cương (một cư dân trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, trước ở khu nhà chồ ven sông) không khỏi xúc động.

Bà Cương tâm sự, khi được mời đến bảo tàng tham quan, nhìn những ngư cụ trưng bày tại đây, ký ức ùa về, rất nhiều cảm xúc. Tại đây, bà Cương được gợi ý chọn một hiện vật gắn liền với cuộc sống khi xưa và chụp hình cùng hiện vật đó.

“Thời gian sống ở nhà chồ chỉ cần ra khỏi nhà, bước xuống thuyền là có thể đi đánh cá, bắt cua. Gần 10 năm nay tôi ở nhà nội trợ, không còn làm công việc này nữa. Nhìn những hiện vật tôi rất nhớ công việc cũ của mình. Đó cũng là một phần của ký ức”, bà Phan Thị Cương chia sẻ.

Tương tự, nghệ nhân Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô trong một lần tham gia chương trình “Nghệ nhân trao truyền” tại Bảo tàng Đà Nẵng cũng rưng rưng nỗi niềm. Theo nghệ nhân Trần Ngọc Vinh, trải qua hàng trăm năm với bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, người dân làng Nam Ô vẫn gìn giữ và lưu truyền những kinh nghiệm, bí quyết để làm nên nước mắm Nam Ô.

Với hơn 40 năm kinh nghiệm làm nghề, đây là lần đầu tiên ông giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển của làng nghề nước mắm Nam Ô, hướng dẫn từng công đoạn làm nghề đến đông đảo bạn trẻ của thành phố.

Cô Trần Thị Tú Nhi, giảng viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Duy Tân cho biết, đây là lần thứ 4 cô đưa sinh viên đến trải nghiệm hoạt động tại bảo tàng. Cô Tú Nhi nhìn nhận, những chương trình với sự tham gia của các nhân chứng “sống” làm tăng thêm sức hút cũng như truyền cảm hứng đến người tham gia.

Hướng đi mới

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết, trong hai năm 2015, 2016, Bảo tàng Đà Nẵng đã có cơ hội làm việc với Giáo sư Graeme Were, Trưởng khoa Nhân học, Đại học Bristol (Vương quốc Anh) trong các chương trình nghiên cứu thực địa tại Việt Nam dành cho sinh viên ngành bảo tàng học.

“Qua những lần hợp tác đó, chúng tôi nhận thấy Giáo sư Graeme Were là một nhà nghiên cứu nhân học giàu kinh nghiệm và rất quan tâm đến hoạt động của các bảo tàng ở Việt Nam. Đặc biệt, hướng nghiên cứu của giáo sư chú trọng gắn kết bảo tàng với cộng đồng, là một xu hướng quan trọng của bảo tàng học thế giới và cũng là một vấn đề mà bảo tàng chúng tôi rất quan tâm. Chính vì vậy, khi giáo sư liên hệ với Bảo tàng Đà Nẵng và đặt vấn đề về hợp tác thực hiện dự án “Di sản nghề chài và cuộc sống mưu sinh tại Đà Nẵng”, chúng tôi đã đồng ý hợp tác và trở thành một trong ba đối tác của dự án này”, ông Quốc Thiện cho hay.

“Tại triển lãm “Câu chuyện bên bờ sông”, nhìn những gương mặt hạnh phúc và xúc động của người dân chài khi tham quan không gian trưng bày về nhà chồ ngày xưa của họ trong bảo tàng, chúng tôi hiểu được sự khác biệt trong phương pháp tiếp cận sẽ mang lại sự khác biệt như thế nào trong hiệu ứng của một trưng bày. Thông điệp gắn kết bảo tàng với cộng đồng thông qua hiện vật, mang tiếng nói của cộng đồng vào trưng bày bảo tàng chính là điều khiến cho triển lãm lần này thực sự mới mẻ, hấp dẫn và giàu tính nhân văn”, ông Thiện nói.

Gắn kết cộng đồng vào hoạt động của bảo tàng không chỉ tạo sức hút với công chúng mà còn tăng vai trò của các bảo tàng địa phương trong việc bảo tồn và gìn giữ các giá trị truyền thống. TRONG ẢNH: Người trẻ hiểu thêm về cuộc sống những người dân khu vực nhà chồ trước đây tại triển lãm “Câu chuyện bên bờ sông”.
Gắn kết cộng đồng vào hoạt động của bảo tàng không chỉ tạo sức hút với công chúng mà còn tăng vai trò của các bảo tàng địa phương trong việc bảo tồn và gìn giữ các giá trị truyền thống. TRONG ẢNH: Người trẻ hiểu thêm về cuộc sống những người dân khu vực nhà chồ trước đây tại triển lãm “Câu chuyện bên bờ sông”.

Giáo sư Graeme Were chia sẻ thêm, khi đến Bảo tàng Đà Nẵng, không gian trưng bày về đời sống người dân làng chài, đặc biệt khung cảnh nhà chồ được phục dựng lại đã lập tức thu hút ông. Qua tìm hiểu, ông được biết trong những năm từ 2000 đến 2005, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã di dời những hộ dân sống trong khu nhà chồ ven bờ đông sông Hàn đến những khu nhà ở hiện đại ở vùng Nại Hiên Đông, vùng ven đô thuộc quận Sơn Trà. Điều này đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của thành phố, đưa Đà Nẵng trở thành một trong những thành phố phát triển nhanh nhất châu Á hiện nay.

“Tôi bắt đầu đặt câu hỏi về di sản còn lại của người dân làng chài này, về cuộc sống mưu sinh của họ bây giờ như thế nào? Tôi muốn có cơ hội nghe được những câu chuyện đầy xúc cảm từ những người dân tại làng chồ -  những người trực tiếp chứng kiến sự thay đổi của thành phố Đà Nẵng. Tôi cũng nghĩ đến việc sử dụng phương pháp tiếp cận và xây dựng trưng bày dựa vào cộng đồng đã và đang thực hiện tại nhiều bảo tàng trên thế giới nhưng Việt Nam thì chưa nhiều.

Phương pháp này không chỉ tăng sức hút của bảo tàng đối với công chúng mà còn tăng vai trò của các bảo tàng địa phương trong việc bảo tồn và gìn giữ các giá trị truyền thống, trong đó có các ngành nghề truyền thống, trong bối cảnh hiện nay. Rất tiếc thời gian nghiên cứu không nhiều nên tôi vẫn chưa khám phá hết giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất này. Có cơ hội tôi sẽ tiếp tục quay lại Đà Nẵng tìm hiểu thêm”, Giáo sư Graeme Were cho biết.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.