Đến thời điểm hiện tại, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, bao gồm các lễ hội, sự kiện văn hóa, giải trí trên địa bàn thành phố.
Bài chòi là món ăn tinh thần không thể thiếu trong các lễ hội. Đây cũng là dịp các nghệ sĩ, nghệ nhân sống với đam mê hô hát bài chòi. Trong ảnh: Hô hát bài chòi tại lễ hội đình làng Túy Loan. Ảnh: HÀ THU |
Trò chuyện với phóng viên Báo Đà Nẵng, nghệ sĩ Huyền Tân, Chủ nhiệm CLB Bài chòi Sông Hàn (Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh) cho biết, tháng Giêng - tháng của những sự kiện văn hóa, lễ hội và cũng là tháng “đắt sô” của giới nghệ sĩ; tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh nCoV đã khiến mọi hoạt động văn hóa, giải trí, lễ hội bị dừng, kéo theo nghệ sĩ… mất sô.
Đơn cử như CLB Bài chòi Sông Hàn mới biểu diễn khai trương tối mồng 7 tháng Giêng, dù không rơi vào ngày thứ bảy và chủ nhật nhưng bà con, du khách đến chơi rất đông và hẹn trở lại vào cuối tuần nhưng nay phải dừng. Không chỉ vậy, trong tháng Giêng này, các đình làng tổ chức lễ hội, một số quận ven biển có lễ hội cầu ngư, mà thường những sự kiện này không thể thiếu hô hát bài chòi. “Đây là dịp nghệ sĩ làm trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống như bài chòi có đất diễn nhưng tình hình hiện nay thì đành chịu. Riêng tôi hủy lịch diễn từ tối mồng 10 đến 15 âm lịch”, nghệ sĩ Huyền Tân nói.
Nghệ sĩ Thái Văn Nga (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh) cũng thừa nhận, việc dừng các lễ hội, hoạt động giải trí ảnh hưởng ít nhiều đến nghệ sĩ nhà hát. Mỗi năm, đến mùa lễ hội, anh em nghệ sĩ lại rộn ràng với nghề như: biểu diễn màn chúc Phúc-Lộc-Thọ; múa trình tường, diễn tuồng… “Nhưng năm nay, ngoài diễn ở nhà hát 2 đêm, diễn ở một làng biển của tỉnh Thừa Thiên Huế, diễn 2 đêm ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) thì lễ hội không còn diễn ra. Chương trình Hồn Việt tại nhà hát cũng dừng. Anh em nhà hát vẫn hằng ngày luyện tập các vở tuồng, chương trình “Trầm tích sông Hàn” sắp ra mắt. Nói chung, nghệ sĩ vẫn hoạt động nghệ thuật đều đặn nhưng nhớ khán giả, nhất là những đêm về với bà con vùng ven trong dịp lễ hội vì họ còn yêu tuồng nhiều lắm. Nghệ thuật truyền thống có mấy khi được như thế”, nghệ sĩ Thái Văn Nga bày tỏ.
Nói về chuyện “mất sô” trong dịp này, chị Thu Trinh (Đoàn Tuồng Sông Thu) không khỏi bùi ngùi. Là đoàn tuồng tư nhân nên nhiều năm qua, 9 anh chị em của chị sống bằng nhiều công việc khác nhau như: đi làm tổng đám ma, dán vàng mã, chạy xe ôm, bán tạp hóa, giày dép...; và hễ đến dịp Tết, lễ hội tháng Giêng thì mọi người tạm gác lại cuộc sống thường nhật để sống trọn đam mê với tuồng. Nhưng năm nay họ chưa có được một đêm diễn nào. “Nhớ sân khấu, nhớ bà con, nhớ tiếng trống tuồng quay quắt. Lại phải đợi cơ hội nào đó chứ đoàn tuồng tư nhân chúng tôi chủ yếu diễn để thỏa đam mê chứ có sống được với nghề hát tuồng đâu”, chị Thu Trinh tâm sự.
Nhiều lễ hội, sự kiện văn hóa, giải trí tạm dừng - Hoạt động văn hóa, giải trí hai bờ sông Hàn vào tối thứ bảy và chủ nhật hằng tuần: bài chòi, vũ hội đường phố, âm nhạc đường phố… - Chương trình Hồn Việt của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. - Lễ hội cầu ngư cấp quận tại Thanh Khê và Sơn Trà chỉ có phần lễ (không có phần hội). |
HÀ THU