Phát triển thư viện, phòng đọc sách cơ sở - Bài 2: Triển khai thư viện điện tử, tìm phương án xã hội hóa

.

Để thư viện, phòng đọc cơ sở phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, ngoài việc tích cực kêu gọi xã hội hóa theo mô hình cà-phê sách, thư viện tư nhân, các đơn vị liên quan cần nhanh chóng triển khai phần mềm thư viện điện tử (TVĐT), tăng cường công tác giám sát, bổ sung nguồn sách mới, luân chuyển nguồn sách và có cơ chế hỗ trợ phù hợp đối với những người trực tiếp quản lý, vận hành hệ thống này...

Bạn đọc nước ngoài thích thú với phòng đọc sách tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao Mỹ An.  							          Ảnh: HUỲNH LÊ
Bạn đọc nước ngoài thích thú với phòng đọc sách tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao Mỹ An. Ảnh: HUỲNH LÊ

Tháng 8-2017, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Kế hoạch số 6366/KH-UBND về việc thực hiện thẻ thư viện liên thông cho hệ thống thư viện công cộng, trong đó chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, nối mạng cho các thư viện quận, huyện (Sơn Trà, Cẩm Lệ, Hòa Vang) với TVĐT của Thư viện Khoa học Tổng hợp (KHTH) Đà Nẵng.

Đến tháng 11-2019, Thư viện KHTH mới triển khai phần mềm TVĐT liên thông cho các quận, huyện. Thư viện KHTH đang hỗ trợ hồi cố dữ liệu, in nhãn và tổ chức kho giá cho các thư viện quận, huyện để áp dụng thẻ thư viện liên thông trong năm 2020. Tính đến thời điểm hiện tại, đã hoàn thiện dữ liệu thư viện Thanh Khê, Cẩm Lệ, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Hải Châu và đang triển khai dữ liệu cho thư viện huyện Hòa Vang.

Sở Văn hóa-Thể thao (VH-TT) yêu cầu Thư viện KHTH tiếp tục đẩy mạnh phát triển TVĐT, trong đó tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, dữ liệu điện tử. Hiện thư viện này có 2 máy chủ, hệ thống mạng LAN với hơn 70 máy tính kết nối internet, 1 thiết bị NAS, 5 máy scan, 13 máy in các loại, 3 máy chiếu và 8 máy quét mã vạch.

Thư viện điện tử: nhiều ưu việt

Vấn đề đặt ra hiện nay là phải chăng đã đến lúc phải chuyển từ thư viện truyền thống sang TVĐT. Qua khảo sát của chúng tôi, nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai phần mềm hệ thống TVĐT phù hợp với xu hướng hiện nay của đông đảo người dân.

Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Thư viện KHTH cho biết, đến thời điểm hiện tại, có 5/5 thư viện quận, huyện được bồi dưỡng tập huấn về phần mềm Ilib web (phần mềm thư viện liên thông). Theo ông Thái, việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện TVĐT sẽ góp phần hỗ trợ bạn đọc tiếp cận nguồn sách, hoặc nguồn tài liệu phong phú.

Trong đó, chỉ cần trang bị thẻ thư viện (được cấp miễn phí tại Thư viện KHTH), thông qua mã số thẻ, bạn đọc có thể ngồi bất cứ đâu cũng có thể truy cập thuvien.danang.gov.vn để đọc sách, tìm kiếm nguồn tài liệu. Thẻ được làm liên tục các ngày trong tuần và bạn đọc lấy thẻ sau 15 phút đăng ký.

Đặc biệt, khi các thư viện tuyến quận/huyện được trang bị dữ liệu TVĐT sẽ góp phần gia tăng lượng bạn đọc tại mỗi địa phương, kéo gần khoảng cách giữa thư viện tuyến quận/huyện với thư viện thành phố, thông qua nguồn sách điện tử mà thư viện thành phố trang bị lên hệ thống.

Ông Thái cho biết thêm, một trong những điểm ưu việt của TVĐT là tính kết nối. Bên cạnh nguồn sách, tài liệu phong phú, người quản lý, điều hành cũng dễ dàng nắm được thông tin nguồn tài liệu mà bạn đọc tìm kiếm nhiều nhất, để từ đó có hướng bổ sung, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.

“Sau vài tháng triển khai, đã có hơn 253.000 lượt bạn đọc truy cập sách điện tử, hơn 6.100 lượt bạn đọc truy cập tài liệu số, gần 190.000 lượt bạn đọc truy cập trang web của thư viện. Chúng tôi tiếp tục duy trì phục vụ không gian chia sẻ S.HUB, tuyên truyền sách mới, đưa phòng S.HUB vào hoạt động với mô hình thân thiện, lịch sự, thu hút ngày càng đông bạn đọc đến tham gia. Hiện tổng lượt phục vụ tại S.HUB hơn 44.000 lượt”, ông Thái dẫn chứng.   

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học-Nghệ thuật thành phố cho biết: “Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, đang có xu hướng đẩy mạnh mô hình thư viện số, Đà Nẵng cũng không ngoại lệ. Đây là yêu cầu nêu trong Luật Thư viện 2019.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc xu hướng này bởi trên thế giới đang có xu hướng ngược lại: từ mô hình thư viện số quay trở lại phong trào đọc sách in trong các thư viện truyền thống. Theo tôi, không hề có mâu thuẫn giữa hai xu hướng này, bởi vấn đề cốt lõi là thư viện số hay thư viện truyền thống đều cần ngày càng nhiều người có nhu cầu đọc sách - cả sách dạng số hay dạng in, không chỉ là sách học nhằm đáp ứng việc mở mang tri thức, mà còn là sách đọc để tâm hồn có thể thăng hoa trong thế giới nghệ thuật của nhà văn, để di dưỡng tinh thần hướng đến chân - thiện - mỹ”.   

Tuy nhiên, ở cấp độ địa phương, không phải đơn vị nào cũng đáp ứng cơ sở hạ tầng, máy móc để tiếp nhận nguồn tài liệu số. Cụ thể, tính đến nay, chỉ có 2 thư viện tại quận Sơn Trà và Thanh Khê được đầu tư máy tính kết nối internet, máy quét mã vạch, máy in, máy photocopy.

Ông Lê Đinh Minh Hải, Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Hòa Vang cho biết, thư viện huyện có tổng diện tích 300m2, bao gồm kho sách, phòng đọc, chứa 16.230 bản sách, tạp chí. Tuy nhiên, ngoài 1 máy tính kết nối internet, đơn vị chưa được bổ sung nguồn kinh phí để mua máy móc, cơ sở vật chất phù hợp cho việc triển khai phần mềm TVĐT.

Trong khi đó, ông Trương Công Hiếu, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Liên Chiểu cho biết, quận vẫn đang trong giai đoạn xây dựng mới nhà thư viện quận, dự kiến hoàn thành, đi vào hoạt động giữa năm 2020. “Phòng Văn hóa-Thông tin sẽ tiếp tục tham mưu UBND quận đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu phát triển TVĐT; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng và xã hội về tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc bằng nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương”, ông Hiếu nói.

Mô hình cà-phê sách

Từ năm 2017, để lấp dần khoảng trống về không gian đọc cho người dân, UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với thành phố Deagu (Hàn Quốc) xây dựng mô hình cà-phê sách có tên Daegu tại 31 Lê Bá Trinh (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu). Nằm giữa công viên công cộng, nhiều cây xanh, Daegu có cơ sở vật chất khang trang, đầu sách mới, chất lượng, thu hút khá nhiều bạn đọc. Tại đường Ngô Chi Lan (phường Thuận Phước, quận Hải Châu), không gian công viên - cà-phê sách Daegu Đầm Rong 2 cũng ra đời vào năm 2019, hoạt động dưới hình thức phòng đọc sách.

Trong khi đó, với khẩu hiệu “Sách hay cũng như bạn tốt, ít và được chọn lựa, chọn lựa càng nhiều, thưởng thức càng nhiều”, The Books Library & Coffee tại 12 Cao Thắng (quận Hải Châu) như một thư viện hấp dẫn bạn trẻ với hơn 7.000 tựa sách mới, được sắp đặt trong không gian rộng, thoáng, đầy đủ thư mục... Bạn đọc có thể đăng ký mượn sách theo các gói, thấp nhất 100.000 đồng/năm và cao nhất 1 triệu đồng/năm, có thể giao dịch trên ứng dụng cài đặt và có nhân viên giao sách tại nhà. Địa chỉ này mỗi ngày đón hàng trăm lượt bạn đọc, phần lớn là người trẻ, học sinh đến học bài, tìm kiếm tài liệu, làm bài tập nhóm.

Tại Đà Nẵng, hiện có trên 30 địa chỉ cà-phê sách hiệu quả, chủ yếu tại quận Hải Châu, chẳng hạn 3 địa chỉ nói trên. Những năm gần đây, Đà Nẵng liên tục triển khai những đề án quan trọng liên quan văn hóa đọc như: “Xây dựng thư viện công cộng đến năm 2020”, “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, “Khuyến khích văn hóa đọc hướng đến đối tượng chính là học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.

Song, theo đánh giá của Sở VH-TT, tính đến thời điểm này, việc triển khai các nội dung theo lộ trình từng năm ở hệ thống thư viện cơ sở còn chậm, một số nội dung chưa được triển khai như cơ sở vật chất, nguồn sách chưa tương xứng với nhu cầu thực tế, thiếu tính đồng bộ; 3/4 số thư viện quận, huyện chưa có trụ sở riêng, trung bình mỗi thư viện chỉ có 1-2 cán bộ, số cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tỷ lệ rất ít. Đối với thư viện, phòng đọc sách báo tuyến phường/xã, tình hình còn ảm đạm hơn nhiều khi hầu như không có kinh phí hoạt động nên việc bổ sung nguồn tài liệu mới không thực hiện được; không gian, diện tích chật hẹp, mang tính tạm bợ, không đạt chuẩn tối thiểu của một phòng đọc sách theo quy định.

Nâng cấp phần mềm quản trị thư viện

Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng đã nâng cấp phần mềm quản trị tích hợp thư viện điện tử lên Ilib 8.0; bổ sung tổng số 6.653 bản/3.426 tên sách điện tử; sử dụng dịch vụ tra cứu tài liệu số trực tuyến với hơn 550.000 tài liệu; đồng thời tham gia Liên hợp thư viện thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia để mua quyền truy cập sử dụng chung các cơ sở dữ liệu như tài liệu khoa học và công nghệ Việt Nam cũng như cập nhật nguồn tài liệu số hóa nội sinh vào thư viện điện tử hơn 2.000 tài liệu... Chưa kể, đơn vị này đang từng bước số hóa nguồn tài liệu địa chí, tài liệu quý hiếm, các công trình nghiên cứu khoa học tại chỗ 2.140 tài liệu, tương đương hơn 629.000 trang sách...

* Ông Nguyễn Trọng Khải, chủ đầu tư Trung tâm Văn hóa - Thể thao Mỹ An: Xã hội hóa theo hướng “3 nhà cùng có lợi”

Để thúc đẩy các mô hình văn hóa công cộng, hướng về cộng đồng, Đà Nẵng cần đưa ra những cơ chế khuyến khích cụ thể về xã hội hóa, làm thế nào hướng đến mục tiêu “3 nhà cùng có lợi”, trong đó Nhà nước không phải bỏ tiền đầu tư cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp tổ chức vận hành, tạo việc làm cho người lao động, còn người dân được hưởng lợi từ những giá trị đó...

* Ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà: Tìm phương án xã hội hóa hiệu quả

Hiện nay, trên địa bàn phường Nại Hiên Đông chưa có thư viện, phòng đọc sách, báo cơ sở, đây là thiệt thòi lớn cho người dân trong khu vực. Chúng tôi đang suy nghĩ phương án xã hội hóa, kêu gọi tài trợ tốt nhất, hướng tới mô hình cà-phê sách cũng như sắp đặt một số không gian đọc, trưng bày sách tại nhà sinh hoạt cộng đồng.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.