Từ xa xưa, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt và đến nay trở thành ngày Giỗ Tổ của cả nước. Vì vậy, dù làm gì, ở đâu, mỗi người con đất Việt đều hướng về cội nguồn, tổ tiên với tấm lòng thành kính, tri ân như câu ca: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba...”.
Lễ hội đình làng Thạc gián những năm qua vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên, năm nay do tình hình dịch bệnh nên không tổ chức. Ảnh: Ngọc Hà |
Ngọc phả Hùng Vương (1470) đã chép: “Từ đời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến triều đại ta bây giờ là Hậu Lê (1418-1527) vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa (nay là làng cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Ở đây, nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công lao của các đấng Thánh Tổ xưa”.
Thời nhà Nguyễn tiếp tục tôn vinh các Vua Hùng với chủ trương quốc thống, giao các địa phương kê khai thần tích; rước linh vị Đền Hùng vào thờ tại miếu Lịch đại đế vương ở Kinh thành Huế. Đồng thời, triều đình cấp tiền tu sửa, tôn tạo các đền: Đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, đền Giếng... Các vua nhà Nguyễn theo lệ cứ 5 năm (vào các năm tròn, năm chẵn), Nhà nước đứng ra tổ chức lễ giỗ Tổ (Quốc lễ) tại Đền Hùng, còn các năm lẻ do địa phương tổ chức. Vào năm Khải Định thứ 2 (1917), quan tuần phủ Lê Trung Ngọc đã xin Bộ Lễ “ấn định ngày quốc lễ vào 10-3 âm lịch hằng năm làm ngày cả nước làm lễ tế Vua Hùng”. Bộ Lễ đã thẩm xét và quy định cụ thể các phẩm phục, lễ phẩm, lễ nghi trong những ngày Giỗ Tổ một cách chặt chẽ. Phần lễ được diễn ra trang nghiêm trong các ngôi đền trên núi Hùng, phần hội gồm nhiều trò diễn dân gian diễn ra xung quanh chân núi Hùng. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm được chính thức hóa bằng luật pháp, sau đó đi vào thơ ca dân gian cho đến ngày nay.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Võ Văn Hòe (Đà Nẵng), câu ca dao dân gian: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba” đã đi vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người Việt Nam, một hình thức truyền khẩu cho truyền thống thờ cúng để mỗi người dân đất Việt từ bao đời nay coi ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là sự tưởng nhớ, là sự trở về với cội nguồn của dân tộc. Hiện cả nước có khoảng 1.417 di tích có thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật thời Vua Hùng, riêng tỉnh Phú Thọ có gần 330 cơ sở thờ cúng Hùng Vương. “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có sức lan tỏa ở khắp mọi miền đất nước và cả nước ngoài, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và cả ý chí của cả dân tộc; tạo thành sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trường tồn và phát triển”, ông Hòe nói.
Tại Đà Nẵng, đã thành thông lệ, hằng năm vào ngày Quốc giỗ, hầu hết các đình làng trên địa bàn thành phố tổ chức lễ dâng hương để tưởng nhớ Vua Hùng, tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công khai hoang lập nghiệp và nhắc nhở con cháu đạo lý uống nước nhớ nguồn, như: đình làng Hải Châu (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu), đình làng Hòa An (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ), đình làng Thạc Gián (phường Chính Gián, quận Thanh Khê)... Năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19, các lễ hội tại một số đình làng đều dừng. Tuy nhiên, đại diện Ban Quản lý đình làng, đại diện các tộc họ dâng hương tưởng nhớ các vị tiền hiền, hậu hiền để tỏ lòng biết ơn.
Ông Nguyễn Ngọc Bích, trưởng tộc Nguyễn Ngọc, Nhà thờ tộc Nguyễn Ngọc, trong khuôn viên đình làng Thạc Gián chia sẻ, năm nay không có tổ chức lễ hội và thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của UBND thành phố, chính quyền địa phương nên đại diện nhà thờ tộc Nguyễn Ngọc chỉ thắp hương bày tỏ lòng thành đối với các bậc tiền hiền tạo dựng làng ấp; với tổ tiên. “Giỗ Tổ Hùng Vương là nét đẹp của đạo lý uống nước nhớ nguồn. Trong tâm khảm mỗi người dân Việt, đến ngày mồng 10 tháng 3 sẽ hướng về đền Hùng tưởng nhớ các vị vua Hùng có công dựng nước; mỗi đình làng, mỗi nhà thờ tộc cũng thành kính dâng hương tưởng nhớ tổ tiên. Nét đẹp này cần được bảo tồn, phát huy”, ông Nguyễn Ngọc Bích bày tỏ.
Tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng có công văn hướng dẫn tuyên truyền Giỗ Tổ Hùng Vương. Theo đó, các ban, ngành, đơn vị, địa phương tập trung tuyên truyền về truyền thống lịch sử thời đại Hùng Vương, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Ðền Hùng; giáo dục các thế hệ người Việt Nam thấu hiểu các giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của đất nước, nhất là thế hệ trẻ hướng về cội nguồn, tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân có công lao to lớn trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời, giới thiệu các giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của đất nước và con người Việt Nam; tuyên truyền đường lối, chủ trương của Ðảng, tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc… |
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2020 chỉ 3 lễ chính Theo kế hoạch điều chỉnh của UBND tỉnh Phú Thọ, Giỗ Tổ Hùng Vương năm Canh Tý 2020 chỉ tổ chức 3 hoạt động lễ chính gồm: Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ. Song song với tổ chức các hoạt động phần lễ, tỉnh Phú Thọ đồng thời tổ chức khánh thành cầu đi bộ qua hồ Mai An Tiêm thuộc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. |
NGỌC HÀ
(bài viết có sử dụng tư liệu của Báo Phú Thọ)