Cảm ơn những "pho sử" sống

.

Người xưa từng đúc kết: “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Câu thành ngữ bao hàm nhiều ý nghĩa sâu sắc ấy, tựu chung là đề cao vai trò của người cao tuổi trong cuộc sống. Với người làm báo, khi viết đề tài văn hóa-lịch sử được gặp những già làng am hiểu, nặng lòng với quê hương xứ sở thì coi như bài đã thành công hơn một nửa.

Được gặp những người già  am hiểu địa thế, lịch sử của làng là may mắn của người làm báo. TRONG ẢNH: Tác giả và ông Trần Lự (phường Thọ Quang). Ảnh: Q.T
Được gặp những người già am hiểu địa thế, lịch sử của làng là may mắn của người làm báo. TRONG ẢNH: Tác giả và ông Trần Lự (phường Thọ Quang). Ảnh: Q.T

1. Khi ngồi gõ những dòng chữ này, hình ảnh những người già mà tôi đã gặp những năm qua lần lượt hiện lên thật rõ nét. Rưng rưng trong tôi là những mái đầu bạc trắng, những đôi bàn tay chi chít vết đồi mồi của ông Trần Lự (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), ông Huỳnh Trung (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ), ông Đặng Khôi (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), ông Phạm Văn Nhì (khối phố An Cư 3, phường An Hải Đông, Sơn Trà), ông Võ Văn Đức (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu)… Từng gương mặt gắn với từng câu chuyện đầy sống động. Những câu chuyện ấy hẳn chỉ những “pho sử sống” của làng mới lưu giữ chứ không sách vở nào ghi chép lại.

Còn nhớ năm 2014, khi tôi mới về Báo Đà Nẵng, đúng dịp lễ hội Cầu ngư ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà diễn ra. Trưởng phòng của tôi khi ấy chỉ đạo: Đi viết bài chứ không viết tin! Vậy là sau khi tham dự lễ hội, tôi nấn ná ở lại đợi gặp ông Trần Lự - một lão ngư ở tuổi thất thập lai hy, nhiều năm liền đứng ra tổ chức lễ hội Cầu ngư để trò chuyện.

Những trải nghiệm của người đi trước là nguồn tư liệu quý để người trẻ tìm hiểu, học hỏi.Ảnh: Q.T
Những trải nghiệm của người đi trước là nguồn tư liệu quý để người trẻ tìm hiểu, học hỏi.Ảnh: Q.T

Tôi nhớ như in khuôn mặt đỏ gay, thấm mệt của ông khi đó. Cái nắng chang chang buổi sáng tháng Hai âm lịch cộng với việc mặc bộ đồ lễ từ sáng sớm khiến ông Lự mồ hôi nhễ nhại, vừa nói vừa dừng lại thở. Có điều, ông nói một cách say sưa như không biết mệt, không cần người đối diện hỏi. Rằng là “chim có tổ, người có tông, con cháu của làng chúng tôi dù cuộc sống hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng với lòng thành kính, tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân đã khuất, nhất là để cho muôn đời sau hiểu biết về cội nguồn nên dù trải qua bao nhiêu thay đổi, chúng tôi vẫn phải giữ được tinh thần trong đời sống tâm linh”. Những lời tự sự của ông bỗng đi vào bài báo thật dễ dàng. Từ đó về sau, hễ “đụng” đề tài văn hóa-lịch sử là tôi đi tìm những người già của khu vực đó.

Có lần, về làng Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) để viết bài về lễ hội Mục đồng. Đi chầm chậm trên con đường làng để tìm người hỏi thì mấy trẻ chơi quanh cây đa đầu làng nhanh nhảu nói: “Cô muốn biết gốc tích hay bất cứ điều gì về làng này, cứ hỏi ông Nghĩa”. Ông Ngô Văn Nghĩa là nguyên Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phong Nam. Trong căn nhà đơn sơ của người đảng viên cao tuổi mẫn cán, điều quý giá nhất chính là nơi ông cất giữ những tư liệu về làng.

Khách du lịch, người nghiên cứu sử hay sinh viên muốn tìm hiểu về mảnh đất có bề dày văn hóa bậc nhất nhì Quảng Nam - Đà Nẵng một thời này tìm đến nhà ông sẽ được tường tận. Và có lẽ, đã thành thói quen, cứ hễ gặp khách, ông Nghĩa khó lòng kiểm soát được niềm tự hào về nơi đã sinh ra. Không chỉ lưu giữ những dấu xưa tích cũ, ông Nghĩa còn viết nhật ký về những sự kiện trọng đại, đáng nhớ của làng ngày nay để những thế hệ sau ông, những người yêu nguồn cội có thể dựa vào đó tìm hiểu về làng…

2. Hồi tôi còn nhỏ, ông ngoại tôi là tổ trưởng dân phố kiêm trưởng ban trợ tang ở khu phố. Tôi đã quen với hình ảnh ông khăn áo chỉnh tề, túc trực tại nhà có tang để đánh trống, đánh chiêng. Khi nhận đề tài viết về Ban Trợ tang, nhớ đến nụ cười móm mém, làm cái gì cũng chậm chạp của ông, thương quá đỗi.
Tôi đến nhà ông Phạm Văn Nhì (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà), một người bạn rất thân của ông lúc sinh thời. Ông Nhì đã ở tuổi 80, tai nghễnh ngãng, nhớ nhớ quên quên nhưng khi nghe tôi gọi to: “Con là cháu ngoại ông Trọng đây”, ông lật đật ra mở cửa, nắm tay tôi run run xúc động: “Ôi, cháu anh Trọng, con lớn rứa rồi na”. Cùng thời với ông tôi, ông Phạm Văn Nhì có hơn 20 năm gắn bó với công việc trợ tang ở khu dân cư An Cư 3.

Ông trở thành “người nhà” của bà con làng trên xóm dưới bởi nhà ai có việc tang, ông đều đến trước tiên. Tháng năm qua vội để những người cùng thời với ông thưa vắng đi nhiều, lớp già sinh những năm 30 giờ chỉ còn ông và ông Trần Văn Điền (người giữ kho, nay đã bị điếc) còn lừng khừng trên cõi đời này. Biết bao nhiêu câu chuyện trong suốt cuộc đời đi làm công việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” được ông kể lại mà nghe rưng rưng. Những năm gần đây, khi dịch vụ mai táng thịnh hành, công việc của các ông ở Ban Trợ tang có giảm đi ít nhiều nhưng hễ nghe nhà nào có đám, ông vẫn quần áo chỉnh tề có mặt trước tiên, hỏi thăm tận tình và chung tay giúp việc, dù không còn đóng “vai chính” nữa.

3. Có những người già dành cả cuộc đời mình để sưu tầm, ghi chép lại lịch sử vùng đất nơi mình sống. Ông Huỳnh Trung ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ là một trong những người nặng lòng với quê hương như thế. Nhiều người dân coi ông như là “từ điển bách khoa” về lịch sử của làng, không biết điều gì lại đến gõ cửa nhà ông, nhất là về Nghĩa trủng Hòa Vang (còn gọi là Nghĩa trủng Khuê Trung). Hỏi ông về bất kỳ một dấu tích nào trong khuôn viên rộng gần 3.000m2 ấy, ông đều trả lời cặn kẽ. Từ nhà thờ tiền hiền Khuê Trung, am Bà, giếng Chăm, cây mù u... Cứ đang kể chuyện, ông lại xen vào nhắc đi nhắc lại rằng: “Nghĩa trủng Hòa Vang là nơi yên nghỉ của hàng ngàn nghĩa sĩ ngã xuống trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm.

Tri ân những người đã kiên cường chiến đấu vì quê hương, dân làng Khuê Trung đã đóng góp công điền để chôn cất, xây dựng mồ mả của các tử sĩ. Xưa bày nay bắt chước, ông bà ta làm sao thì con cháu cũng phải làm theo như vậy. Ấy là đạo “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc”. Ông bảo, không biết từ bao giờ, những phong tục, tập quán, lề lối của dân tộc ngấm dần, ăn sâu vào máu thịt của mình. Từng bước tìm hiểu, học hỏi, ông ngày càng đam mê. Sự đam mê ấy đã thôi thúc ông phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Nặng lòng với quê hương, tâm huyết với bản sắc dân tộc, ông luôn nỗ lực chia sẻ thông tin mình biết cho mọi người...

Chợt nghĩ, một ngày, những người già trong khu phố, thôn làng lần lượt không còn, lớp trẻ biết nương tựa vào ai? Còn với chúng tôi, những người làm báo, biết tìm câu chuyện thực tế từ nơi nào? Những người già, họ có mặt bên cạnh chúng ta như những cây cổ thụ vững chãi với thời gian - những điểm tựa vô hình mà hữu hình, nắm giữ biết bao nhiêu ẩn giấu của cuộc sống...

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.