Từ trang báo đến... trang sách

.

Trong nghề báo, đôi khi cũng có những sự tình cờ thú vị và bất ngờ mà tôi gọi đó là cái duyên. Có những bài báo khi tôi viết ra cũng chỉ để đăng theo yêu cầu công việc chuyên môn hằng ngày, nhưng bẵng một thời gian dài, thậm chí tôi đã quên luôn tiêu đề và nội dung bài báo đó, thì Nhà Xuất bản Đà Nẵng lại gọi điện liên hệ tôi để lấy bài in sách.

Bìa hai cuốn sách Bà Nà danh sơn và 45 năm hải chiến Hoàng Sa. Ảnh: Đ.H.L
Bìa hai cuốn sách Bà Nà danh sơn và 45 năm hải chiến Hoàng Sa. Ảnh: Đ.H.L

Tôi còn nhớ bài báo đầu tiên được in sách là bài viết về hoa đào chuông. Hồi đó mới về công tác ở Báo Đà Nẵng, tôi được phân công phụ trách theo dõi ngành du lịch. Lúc đó, khu du lịch Bà Nà-Suối Mơ còn hoang sơ hơn bây giờ. Những lúc lên Bà Nà tác nghiệp, tôi được chứng kiến và chiêm ngưỡng vẻ đẹp quyến rũ của hoa đào chuông e ấp trong nắng sớm. Từ đó, tôi có dịp tìm hiểu và viết bài giới thiệu vẻ đẹp cũng như công tác bảo tồn và phát triển loài hoa đặc trưng riêng có ở Bà Nà này trên Báo Đà Nẵng. May mắn là tại thời điểm đó, khoa Sinh học-Môi trường, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cũng thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học về bảo tồn đa dạng sinh học thiên nhiên núi chúa Bà Nà, trong đó có nghiên cứu kỹ về loài hoa đào chuông. Nhờ đó, tôi có tư liệu khá phong phú và đầy đủ để tiếp cận và viết bài sâu hơn về hoa đào chuông.

Bẵng một thời gian dài sau khi báo đăng, tôi bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại từ một người đàn ông lạ gọi đến hỏi tôi về bài báo đó. Lúc đầu, tôi không nhớ bài báo nào nên cứ ấp úng cho tới khi anh ấy gợi ý cho tôi về những chi tiết nội dung trong bài. Khi nhớ ra, như thói quen phản xạ nghề nghiệp, tôi lại đâm lo lắng vì cứ nghĩ rằng “liệu bài báo của mình có gì sai sót để dẫn đến ý kiến phản hồi từ bạn đọc hay bị kiện tụng?!”. Từ cảm giác băn khoăn tôi lại vỡ òa cảm xúc tự hào khi anh ấy cho biết là Nhà Xuất bản Đà Nẵng muốn xin phép tôi được lấy bài báo “Phát triển cây đào chuông ở Bà Nà” để in trong cuốn sách Bà Nà danh sơn (Nhà Xuất bản Đà Nẵng, 4-2006). Dẫu vậy, tôi cũng không quan tâm lắm đến cuốn sách này vì không thấy nhà xuất bản liên hệ lại để biếu sách.

Khoảng gần 15 năm sau, tình cờ ghé Nhà sách Đà Nẵng ở đường Bạch Đằng, tôi thấy bài viết của mình nằm trong cuốn sách Bà Nà danh sơn đang được bày bán trên kệ sách. Từ một khu du lịch còn hoang sơ và bắt đầu manh nha đầu tư khai thác khi UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt dự án đầu tư tuyến đường lên Bà Nà vào ngày 11-10-1997, mở đầu cho sự hồi sinh của một khu nghỉ mát và du lịch sinh thái đầy tiềm năng nơi đây, giờ đây Khu du lịch Bà Nà Hills đã trở thành một địa chỉ du lịch quen thuộc không chỉ của du khách trong nước mà còn của bạn bè quốc tế. Và cuốn sách Bà Nà danh sơn trở thành một nguồn tư liệu quý khi bạn đọc muốn tìm hiểu về lịch sử quá trình hình thành và phát triển của khu du lịch này từ khi sơ khai cho đến lúc vượt qua những giai đoạn khó khăn để phát triển như ngày nay.

Trong phần giới thiệu về cuốn sách, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch lúc đó viết: “Cuốn sách Bà Nà danh sơn là kết quả của sự hợp tác giữa Nhà Xuất bản Đà Nẵng và Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng nhằm giới thiệu với bạn đọc những thông tin cần thiết và cập nhật về một khu du lịch mới của thành phố; qua đó giúp các bạn chọn được cho mình một chuyến du lịch sinh thái thú vị và bổ ích”.

Dịp khác, cũng tình cờ vào một quán cà phê sách trên đường Hải Phòng, tôi cũng bắt gặp một bài báo khác của mình viết về những cây cầu trên sông Hàn nhân kỷ niệm 20 năm thành phố trực thuộc Trung ương, lúc đó đọc lại bài mình với một tâm trạng lâng lâng khó tả. Cũng đâu đó thỉnh thoảng gặp người quen, tôi vẫn hay nhận được những điều bất ngờ khi bạn bè, người thân khoe có đọc bài mình trên cuốn sách nào đó rồi tặng cho những lời ca có cánh như “không học báo chí ra mà viết hay ghê”, tự dưng tôi thấy tự hào với nghề chọn mình.

Cho đến bây giờ, tôi không nhớ rõ mình đã có bao nhiêu bài báo được in sách nhưng tác phẩm mới nhất hiện nay là bài viết “Trách nhiệm với Hoàng Sa” in trong tập sách 45 năm hải chiến Hoàng Sa (Nhà Xuất bản Đà Nẵng, 5-2020). Bài báo này, tôi viết dường như cách đây khoảng 2 năm về một nhân vật khá đặc biệt: ông Đặng Công Ngữ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa. Ông Ngữ là chủ tịch đầu tiên của UBND huyện đảo Hoàng Sa vào năm 2009 khi Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm 10 địa phương không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường. Trong suốt nhiệm kỳ, ông đã sưu tầm, tập hợp và hệ thống nhiều tư liệu, kể cả những tài liệu gốc trong lịch sử đất nước và quốc tế, phục vụ công tác thông tin tuyên truyền. Đặc biệt, để thực hiện kỷ yếu về Hoàng Sa, ngay từ khi mới nhậm chức Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, ông đã tổ chức hàng trăm chuyến đi đến nhiều vùng đất để gặp gỡ các nhân chứng sống, tiếp cận những hiện vật quý giá và tập hợp nhiều câu chuyện xúc động về Hoàng Sa; đồng thời có mặt ở hầu hết các cuộc triễn lãm, buổi nói chuyện về Trường Sa-Hoàng Sa để giúp nhân dân, thế hệ trẻ và bạn bè quốc tế hiểu rõ và đúng đắn về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa.

Khi cuốn sách 45 năm hải chiến Hoàng Sa ra đời, điều bất ngờ với tôi là làm sao Nhà Xuất bản Đà Nẵng nhớ đến bài báo này để chọn đưa vào tập sách. Khi liên hệ với tôi, tôi còn không nhớ đến nhan đề bài viết. Cuốn sách này cũng đã được giới thiệu trên nhiều báo như Tuổi Trẻ, Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng, Công an thành phố Đà Nẵng, Đà Nẵng cuối tuần... và được bạn đọc đánh giá cao.
Giới thiệu về cuốn sách 45 năm hải chiến Hoàng Sa, nhà nghiên cứu lịch sử Bùi Văn Tiếng nhận xét: Đọc cuốn sách này, độc giả cuốn sách 45 năm Hải chiến Hoàng Sa hoàn toàn đồng cảm và tâm đắc với ý kiến của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại lễ khánh thành Nhà Trưng bày Hoàng Sa vào cuối tháng 3-2018: “Được tận mắt chứng kiến Nhà Trưng bày Hoàng Sa bấy lâu mong đợi sắp bước vào hoạt động phục vụ người dân Đà Nẵng và du khách thập phương ngay trong những ngày cuối tháng ba lịch sử này, chắc hẳn lòng chúng ta đang trào lên nhiều cảm xúc. Hoàng Sa là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc nên Nhà Trưng bày Hoàng Sa - một bảo tàng chuyên đề - có thể được xây dựng ở bất kỳ địa phương nào trong cả nước.

Nhưng có thể nói rằng không có nơi nào trên đất nước này phù hợp hơn thành phố Đà Nẵng trong việc xây dựng Nhà Trưng bày Hoàng Sa, bởi khi lịch sử đã giao cho Đà Nẵng thay mặt cả nước liên tục quản lý toàn bộ quần đảo Hoàng Sa gần sáu chục năm qua thì xây dựng Nhà Trưng bày Hoàng Sa ngay trên đường Hoàng Sa bên bờ Biển Đông của Đà Nẵng là hợp tình hợp lý”.

Mỗi bài báo sau khi phát hành sẽ trở thành những bài báo cũ và rất dễ bị lãng quên vì ít ai lưu trữ hay đọc đến nó nữa. Nhưng khi được in sách, bài báo đó như được tái sinh và giúp bạn đọc dễ lưu trữ trong thư viện hay trong tủ sách gia đình. Chính điều này càng làm cho tác giả cảm thấy bài báo và công sức của mình được trân trọng; từ đó càng tự hào và gắn bó với công việc mình làm.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG
 

;
;
.
.
.
.
.