KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH VĂN HÓA VIỆT NAM (28-8-1945 - 28-8-2020)

Ấm lòng và tin tưởng

.

Khi tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa gắn bó với nhau, tác động lẫn nhau thì xã hội sẽ phát triển một cách hài hòa, bền vững. Cũng như con người, nếu cả hai chân cùng cất bước một cách nhịp nhàng thì sẽ đi được xa, còn ngược lại, nếu nảy lò cò một chân thì sẽ nhọc người, mất sức, chẳng đi đến đâu.

Chương trình nghệ thuật tuồng Hồn Việt biểu diễn tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiễn Dĩnh. (Ảnh chụp tháng 10-2019)Ảnh: XUÂN SƠN
Chương trình nghệ thuật tuồng Hồn Việt biểu diễn tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiễn Dĩnh. (Ảnh chụp tháng 10-2019). Ảnh: XUÂN SƠN

Từ khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (1997), Đà Nẵng đạt được nhiều thành tựu ấn tượng về xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế.

Không chỉ du khách bốn phương mà ngay cả người dân Đà Nẵng nhiều lúc cũng cảm thấy ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của quê hương mình! Chỉ tiếc rằng, có một khoảng thời gian, trong lúc tập trung phát triển kinh tế, thành phố chưa chú trọng đúng mức đến lĩnh vực văn hóa. Các di tích lịch sử gắn liền với quá trình chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của cha ông bị xâm phạm nghiêm trọng từ vùng đệm đến vùng lõi…

Rất đáng mừng là những năm gần đây, nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Tình trạng xem nhẹ văn hóa, coi thường văn hóa, nói văn hóa là “bánh xe thứ 5” cơ bản được khắc phục. Với sự tham mưu kịp thời, trách nhiệm của ngành Văn hóa - Thể thao, lãnh đạo thành phố đã có nhiều quyết sách mạnh mẽ để đầu tư và phát triển văn hóa. Năm 2020 này, trong lúc dịch Covid-19 đang hoành hành, toàn thành phố phải gồng mình chống đỡ, HĐND thành phố vẫn thông qua Nghị quyết chuyên đề về quy hoạch, xây dựng các công trình, thiết chế văn hóa đến năm 2025.

Các dự án Cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng làm Bảo tàng thành phố; tôn tạo, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải (giai đoạn 2); xây dựng Công viên lịch sử - văn hóa tại di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn; tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia Hải Vân Quan; mở rộng không gian tưởng niệm tại các di tích quốc gia Nghĩa trủng Phước Ninh, Nghĩa trủng Hòa Vang… đang được khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục để khởi công vào cuối năm 2020, đầu năm 2021. Có thể nói, người dân thành phố rất hoan nghênh và đồng tình với các chủ trương thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” này.

Cũng trong những tháng ngày toàn thành phố nỗ lực phòng, chống dịch bệnh Covid-19, từ phía góc nhìn văn hóa, nổi lên những điểm sáng làm ấm áp lòng người. Tuyệt đại đa số người dân, dù thành phần xã hội thế nào, đời sống vật chất ra sao, đều chấp hành một cách rất nghiêm túc mọi quy định của chính quyền, bảo đảm an ninh trật tự tại hầu khắp các địa bàn dân cư. Trong hoạn nạn càng thấy rõ tình người. Rất nhiều tổ chức, rất nhiều cá nhân, kể cả những người lao động bình thường, đã có những việc làm cụ thể, thiết thực nhằm hỗ trợ, động viên cả vật chất lẫn tinh thần cho các bệnh nhân, cho những người bị cách ly, đặc biệt là động viên những người trên tuyến đầu phòng chống dịch là đội ngũ các thầy thuốc.

Chúng ta không khỏi chạnh lòng khi nhìn những hình ảnh y, bác sĩ ngất xỉu ngay tại nơi làm việc, một số nữ bác sĩ cắt tóc cho nhau để tiện điều trị bệnh nhân… Có lẽ đây là dịp thể hiện rất rõ y đức cùng lời thề Hippocrates của các thầy thuốc Việt Nam nói chung, thành phố nói riêng. Khi thành phố gặp khó khăn, cụ thể ở đây là dịch bệnh, cũng là lúc ta thấy rõ tấm lòng của những người con xa xứ. Ở đâu, làm gì, họ vẫn đau đáu hướng về quê hương, nguồn cội, như lời bài thơ xuất thần “Quảng Nam” của nghệ sĩ hài Hoài Linh:

“Tôi không sinh ra trên mảnh đất quê cha
Lại sống bôn ba nơi quê người đất khách
Nhưng dòng máu Quảng vẫn chảy trong huyết mạch
Giọng nói tiếng cười vẫn đậm chất
quê hương…”

Đa số những nghệ sĩ nổi tiếng quê ở Quảng Nam - Đà Nẵng cùng bạn bè của họ đã qui tụ trong chương trình nghệ thuật “Đà Nẵng, Quảng Nam - Triệu trái tim hướng về” do vợ chồng nghệ sĩ quê Đà Nẵng Hoàng Hữu Nhật Nam tổ chức, ai cũng rưng rưng xúc động hướng về quê hương với tất cả tấm lòng.
Khi Đà Nẵng trên tuyến đầu chống giặc trước đây hoặc chống dịch hiện nay, đều nhận được sự chi viện, hỗ trợ đầy hào hiệp của nhiều địa phương bạn.

Riêng thành phố Hải Phòng kết nghĩa, trong kháng chiến đã thành lập cả một Tiểu đoàn lấy tên là “Tiểu đoàn Hải Đà” vào chiến đấu bên cạnh quân dân Đà Nẵng. Nay Hải Phòng lại cử một đoàn cán bộ y tế vào giúp Đà Nẵng chống dịch. Sự hiện diện của các thầy thuốc Hải Phòng, Bình Định, Thừa Thiên Huế, Phú Thọ…bên cạnh các thầy thuốc Đà Nẵng trong lúc này nói lên tình anh em, nghĩa đồng bào, “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng” - giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam mình.

HUỲNH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích