Những năm gần đây, các cơ quan của thành phố tiến hành tổng kết và có các đề tài nghiên cứu để chuẩn bị cho chiến lược văn hóa trong giai đoạn mới sau 2020. Có thể do áp lực về tính toàn diện, các bản tổng kết và các đề tài khoa học đều gồm các chương mục về định nghĩa khái niệm văn hóa, từ nghĩa rộng đến nghĩa hẹp và các mục tiêu, giải pháp là những nội dung từ đào tạo nhân lực đến đầu tư cơ sở vật chất, từ các thiết chế văn hóa đến các chương trình mục tiêu quốc gia… rất đầy đủ, rất đúng quan điểm, đường lối. Song, cũng vì vậy mà thường thiếu các điểm nhấn, thiếu những cách suy nghĩ có tính riêng biệt.
Thật ra, những đường lối, mục tiêu chung về xây dựng con người và văn hóa đều giống nhau ở cả nước và đều đã được thể hiện đầy đủ trong các văn bản cấp Nhà nước; các địa phương, các ngành cứ theo đó mà thực hiện cũng đã tạo nên được những kết quả hết sức cơ bản cho đời sống văn hóa của nhân dân. Tuy nhiên, cái mà Đà Nẵng - cũng như nhiều địa phương khác - mong muốn là ngoài những nội dung chung còn xây dựng những nét đặc trưng của địa phương mình, như một thương hiệu riêng.
Trên cơ sở những thành công trong thời gian qua, thiết nghĩ, Đà Nẵng cần có chiến lược tận dụng những đặc điểm thiên nhiên riêng có của mình để tạo những điểm nhấn; tổ chức những hoạt động văn hóa phù hợp với ba khu vực sông, núi, biển đáng tự hào.
Ở khu vực ven sông, nên chăng, cần tiếp tục khuyến khích duy trì, nâng cao các sân khấu ca nhạc, vũ hội đường phố định kỳ để tạo sân chơi cho công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Khi có các tụ điểm ca nhạc ven sông ắt sẽ dẫn theo các loại hàng quán phục vụ, các phố đêm, các phố đi bộ. Những không gian dành cho việc thư giãn, thể dục, ngắm cảnh như cảnh quan sông nước, các cây cầu đa phong cách hiện có cần được sử dụng phục vụ người dân. Các lễ hội đua thuyền, pháo hoa, triển lãm tại các địa điểm gắn liền với sông nước cũng đã và sẽ là những đặc trưng thương hiệu của thành phố cần quan tâm tổ chức.
Ở khu vực ven biển, cần duy trì và tổ chức tốt hơn nữa việc bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ biển xanh, sạch, đẹp để xứng đáng với một số lời khen tặng lâu nay về các bãi biển “đẹp nhất hành tinh”.
Ở khu vực miền núi, cần tăng cuờng tổ chức quản lý các cảnh quan thiên nhiên yên bình với các đồng cỏ xanh mướt, những dòng sông phẳng lặng hiện nay đã và đang được các cá nhân và địa phương khai thác phục vụ du lịch.
Ngoài một Bà Nà đã được tổ chức theo kiểu “công nghiệp giải trí”, cần giữ khu sinh thái núi Sơn Trà như một không gian giữ lại tất cả các vẻ đẹp của tự nhiên. Ở các khu rừng Bà Nà, Núi Chúa và Sơn Trà cũng có thể quy hoạch những khu vực phù hợp cho việc cắm trại, dã ngoại, nơi đó có các tiện ích công cộng như nhà vệ sinh, nước sạch và các loại chỗ ngồi, chỗ nghỉ thoáng mát... Đây sẽ là nơi để người dân hưởng thụ lợi thế thiên nhiên, tạo dựng nét văn hóa thân thiện với môi trường.
Nếu tổ chức tốt được các hoạt động ở ba khu vực địa hình như trên, kèm theo những thiết chế văn hóa sẵn có trong lòng thành phố như: Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bảo tàng Quân khu 5, các di tích khảo cổ, chùa, đình, nhà thờ cổ…, Đà Nẵng không chỉ là một không gian “đáng sống” của người Đà Nẵng mà sẽ là điểm dừng chân đầy thích thú của mọi du khách đến Việt Nam.
Các địa phương đang đưa ra các cụm từ để quảng bá cho đặc trưng của mình, như “Thành phố Hồ Chí Minh - Văn minh, Hiện đại, Nghĩa tình”; “Hội An - Nhân tình, Thuần hậu”. Kế thừa những thành tựu hơn 20 năm qua, sau những chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”, “Thành phố 4 an”, xin mạnh dạn đề xuất một cụm từ bao quát cho giai đoạn mới: “Đà Nẵng, thành phố Văn minh - An toàn - Thân thiện”.
Trên cơ sở chủ trương của Thành ủy, các ngành, các địa phương, các tổ chức và cá nhân sẽ vạch ra những nội dung phù hợp để thực hiện thế nào là văn minh, an toàn, thân thiện ở đơn vị mình. Sẽ không dễ để ngày một ngày hai biến mục tiêu đẹp đẽ trên đi vào thực tế, song vẫn tin rằng, không có gì là không thể nếu chúng ta có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị.
Không thể có một đặc trưng, một truyền thống, một thương hiệu nếu không có một sự bắt đầu và quyết tâm duy trì theo thời gian. Thậm chí, nếu chưa có đặc trưng, vẫn có thể sáng tạo đặc trưng; chưa thành truyền thống, có thể làm nên truyền thống. Những lễ hội pháo hoa Đà Nẵng trong những năm qua cũng là một cách vươn lên trời để sáng tạo đặc trưng.
Những cuộc khai quật khảo cổ di tích ở Phong Lệ, Cấm Mít là một cách đào xuống lòng đất để làm rõ truyền thống. Do Covid-19, lễ hội pháo hoa năm nay không tổ chức được. Do một số nguyên nhân, đến nay quy hoạch bảo tồn phát huy di tích Phong Lệ đã duyệt vẫn chưa triển khai… Sẽ rất tiếc nếu những điều tốt đẹp đã và đang hiện hữu lại không được duy trì, nuôi dưỡng để trở thành truyền thống và đặc trưng. Mong muốn rằng Đại hội Đảng bộ thành phố sắp tới sẽ là một dấu mốc cho một giai đoạn phát triển mới của văn hóa Đà Nẵng.
VÕ VĂN THẮNG