UBND thành phố ban hành Quyết định số 5009/QĐ-UBND ngày 22-12-2020 về Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố. Đây là cơ sở để các cấp, ngành liên quan và địa phương cùng phối hợp khắc phục những tồn tại trong bảo tồn di tích.
Đình làng Túy Loan (huyện Hòa Vang) là một trong những đình làng được các vị cao niên quan tâm, phát huy giá trị. TRONG ẢNH: Nghi lễ truyền thống tại đình làng. Ảnh: NGỌC HÀ |
Thời gian qua, thành phố luôn quan tâm đến công tác di sản, đặc biệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc ở thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020 là cơ sở để đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích. Theo Phòng Quản lý di sản (Bảo tàng Đà Nẵng), trong 5 năm triển khai đề án, có 39 di tích (nằm trong đề án là 18 di tích và nằm ngoài đề án là 21 di tích) được trùng tu, tôn tạo với tổng kinh phí 257,953 tỷ đồng. Trong giai đoạn này, thực hiện chủ trương tăng đầu tư cho văn hóa nên nguồn kinh phí dành cho việc trùng tu di tích được bảo đảm. Các công trình được đầu tư trong giai đoạn này gần như hoàn chỉnh, khang trang, từ công trình ngoại vi đến công trình chính trung tâm, làm nổi bật lên được giá trị và tạo cảnh quan hài hòa cho di tích. Nguồn vốn ngân sách thành phố bố trí để trùng tu di tích là 254,813 tỷ đồng, còn lại là ngân sách từ nguồn vốn chương trình mục tiêu phát triển văn hóa và ngân sách của quận, huyện.
Việc trùng tu, xây mới các di tích không chỉ giúp người dân có cơ ngơi khang trang để thờ cúng tiền hiền, hậu hiền, thực hành tín ngưỡng dân gian, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ… mà còn khôi phục phong tục và giữ gìn văn hóa truyền thống trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, theo các nhà quản lý văn hóa, một trong những hạn chế trong công tác bảo tồn di sản văn hóa là các ban quản lý/tổ bảo vệ di tích hoạt động chưa hiệu quả, một số di tích chưa thành lập ban quản lý. Ngoài ra, thành viên các tổ chức quản lý trực tiếp di tích này chủ yếu là người cao tuổi của địa phương, hoạt động theo hình thức tự nguyện và không được hưởng cơ chế hỗ trợ, đãi ngộ nào. Vì vậy rất hạn chế trong việc ràng buộc trách nhiệm khi xảy ra thất thoát.
Để khắc phục tồn tại trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, UBND thành phố ban hành Quyết định số 5009/QĐ-UBND. Trong đó, xác định rõ vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý di tích gồm Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT), UBND các quận, huyện, phường, xã và các cá nhân, tập thể là chủ sở hữu hợp pháp di tích.
Ngày 22-1-2021, Sở VH&TT thành phố có Công văn số 224/SVHTT-QLDS triển khai cụ thể Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử- văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố. Theo đó, Sở yêu cầu Phòng Văn hóa - Thông tin các quận, huyện tham mưu UBND các quận, huyện thực hiện nhiệm vụ được giao trong việc phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trong đó, lưu ý về cơ chế hoạt động của ban quản lý/tổ bảo vệ di tích. Đối với các ban quản lý di tích đã được UBND quận, huyện trực tiếp thành lập thì tiếp tục rà soát, kiện toàn.
Ngoài ra, UBND phường/xã tiếp tục nhiệm vụ này hoặc thành lập tổ bảo vệ di tích với sự tham gia của lãnh đạo phường/xã, Ủy ban MTTQ địa phương, hội người cao tuổi, đại diện dòng họ, người trông coi trực tiếp di tích và có phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Đồng thời, chủ động cân đối ngân sách, kinh phí giao hằng năm để chi trả cho người trông coi trực tiếp di tích và hỗ trợ cho các hoạt động thường xuyên của ban quản lý/ tổ bảo vệ di tích trong trường hợp cần thiết.
Thông tin trên được ban khánh tiết các đình làng hưởng ứng và bày tỏ vui mừng. Ông Hồ Văn Thiện, Trưởng ban Khánh tiết đình làng Mỹ Khê (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) chia sẻ, ban khánh tiết đình làng là những người được dân làng tin tưởng bầu lên, lo việc chung của làng, trong đó có đình làng. Để chăm sóc, bảo vệ đình làng (chủ yếu mở cửa thắp hương mỗi ngày), ban khánh tiết nhờ một người chuyên trách và có bồi dưỡng tượng trưng vì không có nguồn kinh phí. “Công việc ở đình làng cứ thế truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chúng tôi làm trên tinh thần tự nguyện. Tuy nhiên, theo quy chế mới được ban hành, chúng tôi hy vọng sẽ được chính quyền quan tâm hỗ trợ kinh phí để động viên, cổ vũ tinh thần cũng như tổ chức các hoạt động nhằm gắn kết tộc họ, tình làng nghĩa xóm...”, ông Thiện nói.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của thành phố và Sở VH&TT, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên địa bàn thành phố được Bảo tàng Đà Nẵng chú trọng thực hiện. Việc thành phố ban hành quyết định về Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố là cơ sở để các cấp, ngành liên quan và địa phương cùng phối hợp khắc phục những tồn tại trong bảo tồn di tích. “Thành phố đầu tư khá nhiều cho công tác bảo tồn di tích, trong đó có di tích đình làng. Thực tế cho thấy, nhiều đình làng được người dân địa phương quan tâm chăm sóc, nhưng cũng có một số đình làng chưa được bảo quản đúng mức, dẫn đến tình trạng xuống cấp. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu Sở VH&TT triển khai các nội dung liên quan trong quy chế, đặc biệt công tác kiểm kê, xếp hạng di tích, quản lý hiện vật, phát huy giá trị di tích”, ông Thiện chia sẻ.
Đến nay, thành phố Đà Nẵng có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích quốc gia, 57 di tích thành phố và 39 di tích trong danh mục kiểm kê. |
NGỌC HÀ