LẤY VĂN HÓA LÀM NỀN TẢNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Bài cuối: Huy động nguồn lực kết hợp phát triển văn hóa và du lịch

.

Vừa bảo tồn các di sản, không gian văn hóa vốn có, vừa khai thác di sản để phát triển du lịch bền vững là bài toán không đơn giản với ngành chức năng của thành phố. Nhiều ý kiến cho rằng, yếu tố mấu chốt cần thực hiện là đầu tư hơn vào nguồn nhân lực cũng như kêu gọi nguồn xã hội hóa…

Đầu tư nguồn nhân lực cho văn hóa là việc làm cần thiết để kết hợp với phát triển du lịch. Trong ảnh: Cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng thuyết minh cho khách tham quan (Ảnh chụp tháng 2-2021).  Ảnh: NGỌC HÀ
Đầu tư nguồn nhân lực cho văn hóa là việc làm cần thiết để kết hợp với phát triển du lịch. TRONG ẢNH: Cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng thuyết minh cho khách tham quan. (Ảnh chụp tháng 2-2021). Ảnh: NGỌC HÀ

Chú trọng đội ngũ làm văn hóa

Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý và sử dụng các công trình, thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2020 của HĐND thành phố cho thấy, nguồn nhân lực ngành văn hóa vẫn còn bất cập. Số lượng và chất lượng cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với vị trí việc làm. Số cán bộ có chuyên ngành đào tạo không phù hợp (kinh tế, kế toán, ngoại ngữ…) chiếm 71,5%.

Bà Cao Thị Huyền Trân, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố cho biết, vấn đề nguồn nhân lực cho ngành văn hóa được đề cập tại Nghị quyết số 303/NQ-HĐND ngày 8-7-2020 của HĐND thành phố về kết quả giám sát chuyên đề “Công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý và sử dụng các công trình, thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Theo đó, trong nghị quyết nêu vấn đề cần sắp xếp, củng cố, hoàn thiện bộ máy, nguồn nhân lực của hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao các cấp tinh gọn, hiệu quả; có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại đội ngũ công chức, viên chức ngành văn hóa đạt chuẩn về chuyên môn theo quy định.

“Hiện nay, UBND thành phố đang triển khai kế hoạch thực hiện nghị quyết này. Ngoài ra, thời gian tới, thành phố tập trung đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trên các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố, trong đó quan tâm đến nguồn nhân lực cho ngành văn hóa, hướng đến mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội thành phố”, bà Trân nêu ý kiến.

Nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hoàng Long cho rằng, văn hóa là một ngành có vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Do đó, ngành văn hóa cần có đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp trình độ cao, không chỉ hiểu những lĩnh vực của ngành văn hóa mà còn am hiểu sâu sắc lĩnh vực du lịch.

“Khi có đội ngũ cán bộ văn hóa am hiểu về du lịch và khi có những người làm công tác du lịch biết phát huy vai trò, khai thác những thế mạnh của văn hóa trong hoạt động du lịch thì nhất định lúc ấy văn hóa sẽ trở thành động lực phát triển du lịch, tạo cho Đà Nẵng sức mạnh và diện mạo mới đầy sức hấp dẫn”, ông Long nói.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng cũng khẳng định, tìm những người am hiểu, yêu thích văn hóa, gắn liền cuộc đời mình với văn hóa rất khó và hiếm. Do đó, thành phố phải tìm kiếm nguồn nhân lực này nếu xem văn hóa là động lực, là nguồn lực nội sinh để phát triển kinh tế. Thành phố cần tính toán đầu tư nguồn lực cho Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật, xem đây là cái nôi đào tạo nhân lực văn hóa cho địa phương, đồng thời có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.

“Với kiến thức, nhiệt tâm dành cho văn hóa, họ sẽ gửi tâm hồn, trí tuệ của mình vào từng di sản, từng công trình văn hóa, từ đó mới nghĩ ra những cách làm hay để khai thác các giá trị văn hóa. Khi đó văn hóa không chỉ là động lực cho du lịch mà còn là nguồn lực nội sinh phát triển kinh tế thành phố”, ông Tuấn phân tích.

Về chuẩn bị nguồn nhân lực quản lý, vận hành và khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa đã, đang và sắp được triển khai, Sở Văn hóa - Thể thao thành phố cho biết đã ban hành kế hoạch củng cố, hoàn thiện bộ máy tổ chức và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức ngành văn hóa thành phố giai đoạn 2021-2025. Theo đó, phát hiện và bổ sung vào quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý của sở giai đoạn 2021-2025 những cán bộ trẻ có năng lực để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp; tiếp tục tuyển chọn và cử công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn đi đào tạo, bồi dưỡng trong nước và nước ngoài theo chuyên ngành: quản lý văn hóa, tổ chức sự kiện, bảo tồn, bảo tàng, thư viện, công nghiệp văn hóa, nghệ thuật biểu diễn.

Huy động nguồn lực từ xã hội

Thời gian qua, việc kêu gọi các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động văn hóa của thành phố mang lại hiệu quả nhất định. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng dẫn chứng, một số sự kiện diễn ra tại Bảo tàng Đà Nẵng có sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức như: triển lãm sưu tập “Đồ gốm sứ theo những con tàu khai quật ở biển Việt Nam” của nhà sưu tập Lâm Dũ Xênh (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), Chợ phiên “Đồ xưa Đà Thành”…

“Nhiều bộ sưu tập giá trị, ngân sách không thể sưu tầm được thì việc kêu gọi xã hội hóa là cần thiết. Trong tương lai, bảo tàng tại vị trí mới có không gian trưng bày, triển lãm chuyên đề các tác phẩm, hiện vật do tổ chức, cá nhân hiến tặng, chúng tôi sẽ tính toán đến việc kêu gọi xã hội hóa hoạt động triển lãm tại đây”, ông Thiện nói.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch thành phố cho rằng, để phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa trên địa bàn thành phố nên xem xét cơ chế cụ thể cho phép các tổ chức/cá nhân được tham gia quản lý, bảo tồn và khai thác quản lý, phục vụ đối với một số di tích văn hóa, lịch sử trong điều kiện thành phố không có đủ kinh phí. Đối với hoạt động văn hóa, lễ hội, cần cơ chế xã hội hóa trong đăng cai tổ chức các sự kiện, huy động các doanh nghiệp tham gia, nhất là các sự kiện mang tầm quốc tế...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kêu gọi xã hội hóa đối với các dự án văn hóa lớn còn nhiều khó khăn. Trong giai đoạn 2016-2018, thành phố có chính sách khuyến khích xã hội hóa với 18 danh mục dự án kêu gọi đầu tư (2 lĩnh vực thuộc văn hóa, 2 lĩnh vực thuộc thể thao). Kết quả đạt thấp: chỉ có 6 dự án lựa chọn được nhà đầu tư, trong đó 5 dự án lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất do vướng quy định nên không được hưởng chính sách miễn, giảm tiền thuê đất.

Nghị quyết số 303/NQ-HĐND của HĐND thành phố cũng chỉ rõ kết quả thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa đầu tư vào văn hóa, thể thao còn hạn chế; việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết, cho thuê, kinh doanh còn nhiều vướng mắc, bất cập. Nguyên nhân là các văn bản quy định, hướng dẫn còn thiếu tính đồng bộ, chưa cụ thể, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn nên khó áp dụng.

Để khuyến khích xã hội hóa đầu tư vào văn hóa, HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố xây dựng, bổ sung chính sách miễn, giảm tiền thuê đất vào Quyết định số 06/2020/QĐ-UBND ngày 20-3-2020 về danh mục lĩnh vực, địa bàn ưu đãi và chính sách xã hội hóa giai đoạn 2020-2022 sau khi các bộ, ngành ban hành quy định về lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án xã hội hóa, bổ sung danh mục dự án kêu gọi đầu tư. Đồng thời, UBND thành phố căn cứ vào các quy định, nghị định liên quan Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết, cho thuê, kinh doanh để các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện bảo đảm quy định nhằm phát huy hiệu quả của công trình đã đầu tư.

Tại buổi làm việc với Đảng ủy Sở Văn hóa và thể thao thành phố ngày 16-4, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho rằng, đầu tư cho văn hóa, sự phát triển của văn hóa vẫn chưa tương xứng với kinh tế. Do đó, các sở, ban, ngành cần thúc đẩy đầu tư các công trình văn hóa trọng điểm, rà soát mạng lưới thiết chế văn hóa cấp cơ sở đã phê duyệt cũng như đề án “Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” phù hợp với Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hoàng Long:

Văn hóa tạo sự phát triển lớn mạnh cho thành phố

Trong chiến lược phát triển, không nên xem phát triển văn hóa chỉ làm động lực phát triển du lịch mà đó chính là tạo ra tiềm lực, sức mạnh vật chất, tinh thần nói chung và cho sự phát triển kinh tế nói riêng. Đà Nẵng có những giá trị quý báu về văn hóa đồng thời có tiềm năng to lớn về du lịch. Thành phố xem du lịch là thế mạnh và là mũi nhọn trong phát triển nói chung thì phát triển văn hóa càng có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, không chỉ cho ngành du lịch mà còn cho sự phát triển của Đà Nẵng.

 NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.