Nhân lên giá trị văn hóa gia đình

.

Gia đình là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Mặc khác, việc coi trọng các giá trị văn hóa gia đình sẽ góp phần giữ vững ổn định xã hội và lan tỏa những giá trị tích cực trong đời sống.

Gia đình anh Nguyễn Sơn Triều và chị Trương Thị Trinh cùng nhau làm sữa chua để tăng thêm thu nhập. Ảnh: XUÂN DŨNG
Gia đình anh Nguyễn Sơn Triều và chị Trương Thị Trinh cùng nhau làm sữa chua để tăng thêm thu nhập. Ảnh: XUÂN DŨNG

Gia đình là quan trọng nhất

Gần 2 năm qua, Covid-19 xuất hiện gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống. Nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội, các gia đình dần quen với cuộc sống trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, vì ảnh hưởng của Covid-19 mà các thành viên trong gia đình có thêm nhiều thời gian gần gũi, quây quần bên nhau hơn.

Gia đình anh Nguyễn Sơn Triều và chị Trương Thị Trinh (trú 130 đường Thanh Thủy, phường Thanh Bình, quận Hải Châu) là một minh chứng. Với đồng lương công nhân ít ỏi, anh chị không ngừng cố gắng, nỗ lực làm việc từ sáng đến tối để có thu nhập phụng dưỡng 2 mẹ già (nội, ngoại) đang nằm liệt giường và nuôi dạy 2 con đang tuổi ăn học. Do đó, các thành viên trong gia đình ít có thời gian trò chuyện, vui chơi cùng nhau. Covid-19 ập đến, kinh tế gia đình bị ảnh hưởng nhưng các thành viên lại đoàn kết, thân thiết với nhau hơn.

Đặc biệt, trong những ngày nghỉ ở nhà vì Covid-19, gia đình anh Triều, chị Trinh tranh thủ cùng nhau làm thêm một số món ăn để bán online. Đây vừa là cách để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, vừa giúp các con có thêm kỹ năng, kinh nghiệm tính toán, giới thiệu sản phẩm từ việc trải nghiệm bán hàng online cùng gia đình.

Đến nay, dù hoàn cảnh, công việc gặp nhiều khó khăn nhưng gia đình chị Trinh vẫn luôn êm ấm, chưa khi nào xảy ra xung đột, cãi vã. Các con chăm ngoan, học giỏi, hiếu thuận với cha mẹ, ông bà và lễ phép, hòa đồng với mọi người xung quanh. Nhiều năm liên tục, gia đình chị được công nhận là “Gia đình văn hóa”. Vừa qua, gia đình của anh, chị vinh dự là 1 trong 50 gia đình được Liên đoàn Lao động thành phố tôn vinh những tấm gương sáng trong lao động sản xuất, nuôi dạy con, gia đình hạnh phúc.

Để có được hạnh phúc này, họ luôn tâm niệm về sự đồng thuận và sẻ chia. Chị Trinh tâm sự: “Hơn 20 năm lập gia đình, quãng thời gian đủ dài để tôi hiểu được rằng, chỉ có gia đình là quan trọng nhất. Đối với tôi, gia đình hạnh phúc không nhất thiết cứ phải sống trong một ngôi nhà to, đẹp, mà là ngôi nhà đầy ắp tiếng cười, tình thương và sự tin tưởng tuyệt đối”.

Đối xử với nhau bằng tình thương và sự tử tế

Cũng là 1 trong 50 gia đình tiêu biểu được Liên đoàn Lao động thành phố tôn vinh, gia đình anh Hoàng Văn Võ và chị Vũ Thị Hương (trú nhà 504, Chung cư số 3, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) luôn xem văn hóa gia đình là giá trị quan trọng trong cuộc sống. Cùng làm việc trong ngành giáo dục, anh chị có nhiều điểm tương đồng trong công việc, thời gian và cả lối sống. Anh Võ cho biết, trong các đợt Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng, vợ chồng anh đều phải ở nhà, không thể đi dạy.

Đây là khoảng thời gian mà anh chị trân trọng vì có thể ở bên các con nhiều hơn. Tận dụng thời gian nghỉ, ngoài việc cùng chơi, học với con, anh chị còn dạy thêm cho các con biết làm việc nhà và tập một số môn thể thao như: cầu lông, cờ vua, bơi lội... Vào bữa cơm gia đình, anh chị luôn tìm cách lồng ghép, kể những nét đẹp văn hóa gia đình truyền thống để định hướng, khơi gợi cho các con về tình yêu quê hương, đất nước, gia đình và lối sống của con người Việt Nam.

Bên cạnh đó, anh Võ, chị Hương xác định tiêu chí của 2 vợ chồng là bình đẳng, sẻ chia và tôn trọng lẫn nhau. Do đó, trong cuộc sống gia đình, cả hai đều sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ nhau làm mọi công việc nhà và công việc ở trường. Đây cũng là cách để anh chị hướng dẫn, làm gương cho con biết giúp đỡ người khác và quý trọng sức lao động.

Chị Hương chia sẻ: “Để giáo dục con ngoan, chính cha mẹ phải là tấm gương sáng từ tư duy, đạo đức, lời nói đến hành động. Vì gia đình là trường học đầu đời hình thành nhân cách và tri thức ban đầu cho mỗi người. Đặc biệt, cha mẹ cần hạn chế tối đa việc dùng bạo lực để dạy dỗ con. Từ đó, các con sẽ cảm nhận được mình đang sống trong một gia đình đầy ắp tình thương và sự tử tế. Khi gia đình được xây dựng trên nền tảng của tình yêu thương và sự hy sinh, sẻ chia thì có thể vượt qua được mọi khó khăn trong cuộc sống”.

Theo chị Nguyễn Thị Nga, Phó trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố, mặc dù chưa có một cuộc khảo sát xã hội học nào về văn hóa gia đình trong thời gian gần đây, nhưng nhìn chung, Covid-19 đã khiến các gia đình “sống chậm” lại, những thành viên có nhiều thời gian bên nhau, gắn kết với nhau hơn. Các bữa cơm gia đình cũng trở nên đầy đủ, xum vầy, đầm ấm hơn.

Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) năm nay, ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng tại các phường, xã, cán bộ phụ trách công tác gia đình có nhiều hình thức tuyên truyền, cổ động đa dạng, sáng tạo. Đặc biệt, tổ chức nhiều hội thi trực tuyến như: dựng clip “Gia đình yêu thương”, cuộc thi ảnh gia đình “Khoảnh khắc yêu thương”… thu hút nhiều gia đình tham gia.

“Các gia đình văn hóa tiêu biểu là những tấm gương sáng, khẳng định trên thực tiễn mô hình gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, vượt khó đi lên, nhiều thế hệ chung sống mẫu mực. Gia đình văn hóa là “tổ ấm” của mỗi người, là môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần vào sự ổn định, phát triển của xã hội và thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, chị Nga khẳng định.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích