Tàu chợ

.

Nhà tôi ở gần ga khoảng chừng cây số, suốt thời niên thiếu của tôi gắn với những chuyến tàu, còn trường cấp 2 tôi học chỉ cách nhà ga một con đường. Âm vang trong tâm tưởng, là tiếng kẻng bán vé vang lên mỗi ngày hai đợt sáng chiều; là tiếng xình xịch nặng nề của đoàn tàu ra vào ga cùng những hồi còi tu tu kéo dài…

Ở tuổi hồn nhiên, chúng tôi nào biết được, ẩn sâu dưới lớp đường ray chạy song song tưởng chừng như vô tận ấy, là một dòng lịch sử của đất nước. Chúng tôi chưa đủ hiểu đường sắt với con tàu đi ngang qua nhà ga mỗi ngày, là công cuộc “khai hóa” văn minh phương Tây mà người Pháp mang qua xứ sở nhiệt đới xa xôi cằn cỗi này, hay chỉ phục vụ cho mục đích cai trị và khai thác thuộc địa theo kiểu thực dân. Sau này tìm hiểu thêm mới rõ, từ năm 1881, người Pháp đã mở tuyến đường sắt đầu tiên tại Đông Dương, nối Sài Gòn với Mỹ Tho, dài 70km và từ đó mở rộng ra chủ yếu ở Nam kỳ và Bắc kỳ.

Mãi gần 20 năm sau, vào dịp Giáng sinh năm 1898, người Pháp mở bán công trái và thu được 200 triệu Franc để đầu tư cho đoạn đường gian khó nhất trải qua dặm dài miền Trung, từ Quảng Trị đi Nha Trang. Năm 1906 đánh dấu sự thành công của người Pháp khi mở đường sắt xuyên đèo Hải Vân, nối Đà Nẵng - Huế và kéo dài đến tận Đông Hà (Quảng Trị). Nhưng phải 30 năm sau - năm 1936, người Pháp mới hoàn thành xây dựng đoạn đường sắt dài 532km từ Đà Nẵng tới Nha Trang, khớp nối toàn tuyến Bắc - Nam.

Để rồi nửa thế kỷ sau, niềm vui lớn nhất của tôi là háo hức chờ đợi được theo mẹ đi trên những chuyến tàu chợ để về quê nội mỗi dịp hè. Thời bao cấp với ngồn ngộn khó khăn, phương tiện vận chuyển không có nhiều lựa chọn, thì đi tàu chợ cũng là niềm vui xa xỉ.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu sao gọi là tàu chợ. Phải chăng đó là chuyến tàu dừng ở những ga nhỏ, giống như những cái chợ dọc đường trên mỗi làng quê Việt Nam mà ai cũng có thể ghé ngang, mua bó rau con cá hoặc chỉ ngắm nhìn rồi đi. Và trong cảm thức của mỗi người, có thể rồi nhớ thật lâu hoặc quên thật mau cũng là lẽ thường tình. Riêng với tôi, những chuyến tàu chợ trên tuyến Phú Cang - Nông Sơn chỉ dài chừng 30 cây số nhưng thường phải dừng lại ở những “ga nhỏ dọc đường” như Trà Kiệu, Gò Nổi…, để nhường đường cho những chuyến tàu suốt Bắc - Nam; mà mỗi lần nhìn tàu suốt đi qua, tôi mang nỗi thèm thuồng của đứa trẻ đói khát nhìn miếng ngon thơm lừng vụt qua...

Hay phải chăng thời đó, mỗi chuyến tàu như một cái chợ - rất ồn ào, xô bồ, hỗn độn? Bởi những ngày tháng cơm cao gạo kém của thời bao cấp ấy, mọi người đều phải bươn chải để duy trì cuộc sống với đủ thứ ngành nghề trái tay; thông qua những chuyến tàu chợ để mang hàng đi bán khắp nơi, kiếm miếng ăn đắp đổi qua ngày. Trên những chuyến tàu chợ ngày ấy, đọng lại trong tôi là ngồn ngộn những vật dụng, thực phẩm thiết yếu như muối, đường, gạo, chén, dĩa… Nhà tôi đem nong, nia, thúng, mủng, giần, sàng…, những thứ cha tôi tranh thủ làm lúc nông nhàn, mang đi bán hoặc đổi gạo với bà con nông dân vùng Điện Phước, Điện Hồng, Điện Thọ… (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Vì thế, đọng lại trong tôi dù qua bao năm tháng, là sự chờ đợi và cái mùi đặc trưng của những chuyến tàu chợ năm ấy. Đó là những khi tàu đến trễ hoặc đỗ chờ ở ga lẻ, nhường đường cho những chuyến tàu suốt Bắc - Nam. Hành khách nằm ngồi vạ vật trên ga hàng giờ đồng hồ, trong cái nóng như nung và gió Lào rát rạt. Đó là mùi hỗn tạp của mồ hôi người lẫn với mùi dầu máy, mùi đường bát, đường cát, của muối, của gia súc gia cầm và cả mùi của nhà vệ sinh … . Hỗn tạp là vậy, nhưng không thể thiếu những bữa ăn vội trên tàu, mà dân buôn chuyến thường hay nhắc, đó là “ăn cơm dĩa, ngủ bao tời”. Cơm được bán trên tàu thường nguội lạnh và đựng trong dĩa, bởi thời đó chưa có hộp nhựa hay xốp như bây giờ; hành khách xúc ăn vội giữa cái nóng như thiêu và mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Còn “ngủ bao tời” là tranh thủ những khoảng trống trên toa hay trên đống hàng hóa cao ngất, người ta trải bao tời để dỗ giấc ngủ giữa những âm thanh hỗn tạp, ồn ào như… chợ.

Cùng với biến thiên thời cuộc, hình ảnh những chuyến tàu chợ đã lùi xa vào dĩ vãng. Nhưng ký ức thì vẫn còn mãi đó, để khi ta quay nhìn lại, thấy thương những tháng ngày…

ANH QUÂN

;
;
.
.
.
.
.