Đầu tư, phát triển văn hóa xứng tầm

.

Thời gian qua, Đà Nẵng từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, tạo điều kiện để các địa phương thực hiện các hoạt động văn hóa, thể thao. Qua đó, khắc phục tình trạng đầu tư chênh lệch và đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của nhân dân trên địa bàn.

Những năm qua, chính quyền thành phố triển khai nhiều giải pháp cụ thể để bảo vệ, phục hồi các di tích trên địa bàn, nổi bật là khởi công trùng tu, cải tạo Thành Điện Hải.  Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng cung cấp
Những năm qua, chính quyền thành phố triển khai nhiều giải pháp cụ thể để bảo vệ, phục hồi các di tích trên địa bàn, nổi bật là khởi công trùng tu, cải tạo Thành Điện Hải. Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng cung cấp

Đầu tư có trọng tâm cho văn hóa

Bên cạnh tập trung phát triển kinh tế, thành phố dành nguồn lực đầu tư cho văn hóa. Các thiết chế văn hóa mới, mang tính động lực được xây dựng, cải tạo, nâng cấp như: Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Mỹ thuật Ðà Nẵng hoạt động hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, du khách.

Năm 2019, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đón 310.000 lượt khách, Bảo tàng Đà Nẵng đón 330.000 lượt khách. Riêng Bảo tàng Điêu khắc Chăm - đơn vị tự chủ hoàn toàn duy nhất của ngành văn hóa, hằng năm đóng góp ngân sách thành phố hàng chục tỷ đồng từ nguồn thu bán vé. Đặc biệt, Đà Nẵng là một trong các địa phương đầu tiên trên cả nước sớm xây dựng kế hoạch, ban hành đề án xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

Theo đó, ngày 11-5-2017, UBND thành phố ban hành Quyết định số 2558/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó, thành phố phê duyệt quy hoạch mạng lưới thiết chế văn hóa thể thao quận, huyện, bảo đảm diện tích và các hạng mục theo quy định. Đến nay, các quận, huyện đều được đầu tư, xây dựng trung tâm văn hóa - thể thao.

Trong đó, hầu hết trung tâm văn hóa quận, huyện đều được đầu tư nhà văn hóa, thư viện, bể bơi…, tạo điều kiện để địa phương thực hiện các hoạt động văn hóa, thể thao. Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Ngũ Hành Sơn Huỳnh Bá Dương cho biết, từ khi quận được đầu tư thiết chế thư viện, người dân rất phấn khởi, thường xuyên đến đọc sách, nhất là vào dịp cuối tuần. “Cùng với thiết chế văn hóa cấp quận, một số thiết chế văn hóa cấp phường được đầu tư theo hình thức xã hội hóa hoạt động hiệu quả, thu hút sự tham gia sinh hoạt, vui chơi, giải trí của đông đảo người dân”, ông Dương chia sẻ.

Những năm qua, chính quyền thành phố triển khai nhiều giải pháp cụ thể để bảo vệ, tu bổ, phục hồi các di tích trên địa bàn. Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, thành phố đầu tư hơn 300 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo và phục dựng các di tích lịch sử. Nổi bật là khởi công trùng tu, cải tạo Thành Điện Hải, di dời Bảo tàng Đà Nẵng và các hộ dân ra khỏi khuôn viên di tích.

Để bảo đảm tiến độ triển khai tu bổ, phục hồi và tôn tạo Thành Điện Hải - giai đoạn 2, vừa qua, thành phố khởi công cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng làm Bảo tàng Đà Nẵng với kinh phí hơn 320 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung nguồn lực đầu cho các dự án, công trình văn hóa mang dấu ấn như: xây dựng, mở rộng Công viên APEC với tổng mức đầu tư gần 760 tỷ đồng; xây dựng, cải tạo cảnh quan Công viên Thanh Niên với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng...

Ngoài ra, những thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi của thiếu nhi cũng luôn được thành phố quan tâm đầu tư. Trong đó, nổi bật là Cung Thiếu nhi Đà Nẵng, được xây dựng và đưa vào hoạt động năm 2016 với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng.

Đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân

Để nhanh chóng hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, năm 2020, nhiều đề án, kế hoạch liên quan đến văn hóa và thể thao được thành phố ban hành. Trong đó, đáng chú ý là đề án phát triển hệ thống văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn Đà Nẵng đến năm 2025; kế hoạch đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, giải trí xứng tầm với vị thế thành phố.

Đặc biệt, Nghị quyết 303/NQ-HĐND ngày 8-7-2020 của HĐND thành phố về kết quả giám sát chuyên đề “Công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý và sử dụng các công trình, thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn Đà Nẵng” được xem là nghị quyết mang tính tổng thể, động lực, căn cứ pháp lý quan trọng cho việc tăng cường đầu tư hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn.

Trong giai đoạn này, thành phố ưu tiên bố trí đất xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao thuận lợi cho hoạt động vui chơi giải trí của nhân dân. Song song đó, tập trung nguồn lực và kêu gọi đầu tư các thiết chế văn hóa quan trọng còn thiếu như: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, Nhà văn hóa Thiếu nhi phía tây thành phố...

Bên cạnh các công trình văn hóa, thể thao trọng điểm, thành phố cũng quan tâm quy hoạch không gian đô thị theo định hướng hình thành các quảng trường, khu bảo tàng sống làm điểm nhấn đô thị. Theo Quyết định số 359/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quy hoạch “Bảo tàng sống” được lựa chọn nằm trong khu vực đô thị rộng 11ha ở quận Hải Châu, lấy di tích quốc gia đình làng Hải Châu làm trung tâm; Quảng trường Trung tâm với điểm nhấn là khu di tích Thành Điện Hải có diện tích khoảng 4,4ha.

Cung Thiếu nhi Đà Nẵng phát huy được vai trò của thiết chế văn hóa, thể thao dành cho thiếu nhi toàn thành phố. TRONG ẢNH: Thiếu niên chơi bóng rổ tại Cung Thiếu nhi Đà Nẵng. (Ảnh chụp ngày 5-4-2021) Ảnh: NGỌC HÀ
Cung Thiếu nhi Đà Nẵng phát huy được vai trò của thiết chế văn hóa, thể thao dành cho thiếu nhi toàn thành phố. TRONG ẢNH: Thiếu niên chơi bóng rổ tại Cung Thiếu nhi Đà Nẵng. (Ảnh chụp ngày 5-4-2021) Ảnh: NGỌC HÀ

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phạm Tấn Xử cho biết, để thực hiện hiệu quả các nội dung nêu trên, sở thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đặc biệt là công tác tham mưu, kiểm tra, giám sát; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển ngành; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao hiệu quả các hoạt động văn hóa phục vụ người dân và khách tham quan, du lịch.

Thời gian đến, sở tiếp tục triển khai các nghị quyết, chủ trương của Trung ương và thành phố về phát triển văn hóa, thể thao. Trong đó, bám sát chỉ đạo của thành phố hoàn thành các hạng mục đầu tư và cơ sở theo đúng quy hoạch và tiến độ. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động tại các thiết chế văn hóa cơ sở, tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao quận, huyện, phường, xã để tránh lãng phí đầu tư, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân. “Với sự cố gắng nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hóa - thể thao, sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố và sự phối hợp, đồng hành của các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, hy vọng sở tiếp tục tham mưu nhiều chủ trương, chính sách, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân và góp phần xây dựng, phát triển thành phố”, ông Phạm Tấn Xử bày tỏ.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.