Nỗ lực bảo tồn văn hóa dân gian

.

Hội Văn nghệ dân gian thành phố nỗ lực sưu tầm, thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian của địa phương và dân tộc.

Hội Văn nghệ dân gian thành phố làm việc với đồng bào dân tộc Cơ tu tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam trong chuyến đi điền dã vào tháng 4-2021. Ảnh: P.V
Hội Văn nghệ dân gian thành phố làm việc với đồng bào dân tộc Cơ tu tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam trong chuyến đi điền dã vào tháng 4-2021. Ảnh: P.V

Hội Văn nghệ dân gian thành phố được thành lập năm 2002, là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp tự nguyện của những người hoạt động trên lĩnh vực văn nghệ dân gian ở Đà Nẵng. Nhiều năm qua, các hội viên tích cực sưu tầm vốn văn hóa, văn nghệ dân gian và công bố hàng trăm công trình nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực: ngữ văn, nghệ thuật, kiến trúc dân gian; tín ngưỡng, phong tục và lễ hội.

Các đầu sách nghiên cứu sau khi xuất bản được giới chuyên môn đánh giá cao và công chúng đón nhận rộng rãi. Đơn cử như: Lễ hội và văn hóa dân gian đất Quảng (2010), Đình làng Đà Nẵng (2012), Văn hóa dân gian miền biển Đà Nẵng (2018), Bảo tồn văn hóa dân gian Cơ tu tại huyện Hòa Vang (2019), Văn hóa dân gian Đà Nẵng (từ 2008 đến nay)… Bên cạnh đó, nhằm giáo dục thế hệ trẻ, hội còn tích cực phối hợp ngành văn hóa, giáo dục đưa một số làn điệu dân ca Khu 5, nghệ thuật hô hát bài chòi và nhiều tri thức văn hóa dân gian đất Quảng vào trường học.

Năm nay, Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến công tác chung, song mọi kế hoạch mà Hội Văn nghệ dân gian thành phố đề ra cơ bản hoàn thành. Theo đó, tháng 4-2021, hội tổ chức cho hội viên đi điền dã sưu tầm văn hóa dân gian về dân tộc Cơ tu tại huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam). Qua đó, thu thập khối lượng tư liệu đáng kể, thực hiện 8 chuyên đề nghiên cứu khoa học. Đến nay, hội hoàn thành đặc san “Văn hóa dân gian Đà Nẵng” chào mừng Xuân Nhâm Dần 2022. Đây là tập sách tổng hợp các bài nghiên cứu mới của hội viên thực hiện trong năm, phát hành mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chung của hội, các hội viên cũng tích cực nghiên cứu, hoàn thiện những công trình có nội dung được đánh giá cao. Trong đó, nổi bật là tập sách “219 trò chơi dân gian dành cho trẻ mầm non” của nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh sưu tầm và biên soạn. Theo nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh, khi công nghệ thông tin bùng nổ, trẻ em bị lôi cuốn bởi các trò chơi điện tử, trong đó có trò chơi bạo lực gây nhiều hậu quả về sức khỏe, tinh thần, việc cha mẹ, người thân chơi trò chơi dân gian với trẻ là hoạt động cần thiết để góp phần giáo dục các em phát triển toàn diện. “Nhu cầu được vui chơi thông qua các trò chơi dân gian, đồng dao của các em ngày càng có tín hiệu tích cực. Vì vậy, việc sưu tầm, quảng bá, truyền dạy các trò chơi dân gian cho thế hệ sau là cần thiết, góp phần gìn giữ tinh hoa của cha ông để lại”, nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh bày tỏ.

Đặc biệt, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Văn nghệ dân gian thành phố (2002-2022) và chào mừng kỷ niệm 25 năm thành phố trực thuộc Trung ương (1997-2022), hội vừa hoàn thành tuyển tập “Đà Nẵng 25 năm sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian”. Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đinh Thị Hựu cho biết, tập sách có 70 bài viết tuyển chọn của các hội viên và nhà nghiên cứu trên địa bàn thành phố. Đây là tuyển tập mang tính học thuật, hàm chứa tâm huyết và kỷ niệm chặng đường 25 năm sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian vùng đất Đà Nẵng - Quảng Nam.

Theo bà Hựu, văn hóa dân gian Đà Nẵng ngày nay là bộ phận không thể tách rời của văn hóa dân gian xứ Quảng. Vì vậy, tuyển tập trên có nhiều bài theo hướng mở rộng sưu tầm, nghiên cứu thêm tại Quảng Nam. “Trong năm 2022, hội dự định tổ chức đi điền dã tại huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) hoặc các huyện miền núi của Quảng Nam - Đà Nẵng để nghiên cứu về văn hóa của các tộc người. Đồng thời, triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học Địa chí văn hóa dân gian Đà Nẵng”, bà Hựu thông tin.

Theo Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Bùi Văn Tiếng, việc tổng hợp, tuyển chọn, ấn hành tập sách “Đà Nẵng 25 năm sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian” là công trình ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 25 năm thành phố trực thuộc Trung ương - một sự kiện lịch sử mang tính động lực góp phần thúc đẩy Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung và văn nghệ dân gian nói riêng.

Đã là Hội Văn nghệ dân gian thành phố, đương nhiên ưu tiên sưu tầm, nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian bản địa Đà Nẵng theo địa giới hành chính ngày nay. Vì thế, nổi lên và chiếm vị trí chủ đạo trong tập sách này là chùm bài về văn hóa văn nghệ dân gian Đà Nẵng. Mong rằng, thời gian tới, Hội Văn nghệ dân gian thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian địa phương. Đặc biệt, chú trọng sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian các dân tộc ít người ở miền núi Đà Nẵng - Quảng Nam. Đồng thời, quan tâm hơn nữa việc nghiên cứu văn hóa và phát triển du lịch, biến di sản thành tài sản quảng bá hình ảnh Đà Nẵng đến bạn bè trong nước và thế giới.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.