Tôn trọng yếu tố gốc của di tích lịch sử

.

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt nghiên cứu lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, hài hòa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, dịch vụ du lịch. Hiện nay, thành phố đang hoàn thiện đồ án quy hoạch danh thắng này; trong đó, chú trọng bảo vệ không gian di tích, giữ lại yếu tố văn hóa, lịch sử, tâm linh của quần thể Ngũ Hành Sơn cho thế hệ mai sau.

Đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn có quy mô gần 105ha, được xác định theo bản đồ khoanh vùng khu vực bảo vệ 1 và 2 của di tích.  Ảnh: KIM LIÊN
Đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn có quy mô gần 105ha, được xác định theo bản đồ khoanh vùng khu vực bảo vệ 1 và 2 của di tích. Ảnh: KIM LIÊN

Kỹ lưỡng trong quy hoạch

Theo quyết định phê duyệt nghiên cứu lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn của Thủ tướng Chính phủ, quy mô lập quy hoạch danh thắng được xác định gần 105ha theo bản đồ khoanh vùng khu vực bảo vệ 1 và 2 của di tích. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành phố nghiên cứu lập quy hoạch phải dựa trên việc bảo tồn di sản, tôn trọng, bảo tồn tối đa các yếu tố cấu thành đặc trưng của di tích; đề xuất phương án phát huy giá trị, quảng bá di tích trên cơ sở hạn chế tác động tiêu cực đến không gian cảnh quan, cấu trúc của khu danh thắng. Quyết định trên nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và người dân.

Theo đó, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trên địa bàn thành phố đều nhất quán với việc phải bảo tồn, giữ gìn tối đa vẻ đẹp tự nhiên của không gian sẵn có. PGS.TS Ngô Văn Minh, Hội Di sản thành phố cho rằng, quy hoạch phải quan tâm đến sự hài hòa đối với cảnh quan “sơn kỳ thủy tú” của khu danh thắng. Trong đó, hạn chế tối đa việc nhựa hóa, bê-tông hóa, phố hóa khu vực này. “Có thể thay tráng nhựa mặt đường bằng sử dụng đá chẻ lát nền. Ngoài ra, cần tăng thêm mật độ cây trồng và thảm thực vật, công viên để tạo cảnh quan”, PGS.TS Ngô Văn Minh kiến nghị.

Bên cạnh đó, yếu tố dân cư cũng cần đặc biệt quan tâm nhằm tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống. Trong hơn 10 năm trở lại đây, các công trình trong khu vực danh thắng không được cấp phép xây dựng mới, phần lớn trong tình trạng xuống cấp, đặc biệt là nhà cổ. Hiện nay, khu danh thắng có 3 kiểu nhà phổ biến, gồm: nhà ở kết hợp làm nơi buôn bán mặt hàng đá mỹ nghệ, tồn tại dưới dạng phố nghề; nhà vườn, nơi được xác định là vùng dân cư lâu đời nhất trong khu vực quy hoạch; nhà ở, đa số là nhà tạm, tự phát và ảnh hưởng đến không gian cảnh quan chung.

Theo Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố Huỳnh Văn Phương, đồ án không nên giải tỏa trắng khu dân cư mà chỉ giải tỏa các khu vực sát chân núi. Bởi lẽ, dân cư chính là hồn cốt văn hóa mang hơi thở cuộc sống, làm “sống động” thêm di tích. Do vậy, có thể ưu tiên cho các hộ dân có nguyện vọng ở lại, bảo đảm 2 yếu tố không gian và con người nhằm tạo điều kiện cho người dân tham gia các hoạt động phát triển du lịch trong tương lai.

Giữ gìn yếu tố gốc của di tích

Theo Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Bùi Văn Tiếng, đồ án không chỉ đặt vấn đề quy hoạch mà còn phải đối diện với việc bảo tồn, phục hồi cảnh quan thiên nhiên của danh thắng Ngũ Hành Sơn. Phương án quy hoạch cần gìn giữ các di sản văn hóa, kiến trúc cổ trong quá trình bảo tồn, không làm mất yếu tố gốc của hiện vật, tránh tình trạng sau trùng tu phục hồi không còn nhận diện là di vật có liên quan lịch sử hình thành của vùng đất Ngũ Hành Sơn từng tồn tại trăm năm qua.

Những cổ vật dưới lòng đất trong các khu di chỉ khảo cổ học ở Ngũ Hành Sơn là di chỉ nam hòn Thổ Sơn và vườn đình Khuê Bắc, cần được tính toán mở rộng diện tích khai quật, bởi đây là nơi phát tích quan trọng của cư dân bản địa Đà Nẵng, liên quan tới văn hóa tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh. “Con đường ven sông Cổ Cò vẫn giữ nguyên là đường làng, không nên xác định là đường phố. Di tích trong khu vực ven Cổ Cò đề nghị có hướng tiến hành khảo cổ để xác định vị trí Bến Ngự thời Minh Mạng; ngôi mộ Trần Đình Nam cũng cần được tôn tạo để trở thành điểm nhấn về tham quan du lịch và giáo dục truyền thống”, ông Bùi Văn Tiếng đề xuất.

Để đạt được mục tiêu giữ gìn, phát huy giá trị di tích, di sản, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học - Kỹ thuật thành phố Nguyễn Đình Phúc cho rằng, cần xem xét chọn một số dãy phố trọng điểm để cải tạo thành các dãy phố có kiến trúc mặt đứng hấp dẫn theo xu hướng gần gũi thiên nhiên và truyền thống làng nghề, tạo sự hấp dẫn cho du khách. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ cải tạo mặt đứng kiến trúc chung cho các hộ dân để tạo sự đồng bộ.

Ngoài ra, có biện pháp xử lý các công trình ảnh hưởng đến cảnh quan di tích, tăng cường quản lý kiến trúc, nhất là về độ lớn và chiều cao của công trình trong vùng dự án. Hiện nay, nhiều công trình xây dựng trong khu vực có hiện tượng cơi nới so với diện tích được cấp phép. Do vậy, việc cắm mốc giới trên thực địa khoanh khu vực bảo vệ 1, ranh giới các công trình di tích, tôn giáo là nhiệm vụ cấp bách để nhằm hạn chế việc tiếp tục mở rộng trong tương lai. Đối với các khu vực nằm trong khu vực bảo vệ 2, cần xác định phù hợp dựa trên nhu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di tích và dân cư hiện hữu trong khu vực.

THIÊN DUYÊN

;
;
.
.
.
.
.