Văn hóa - Giải trí

Bộ phim cảnh sát hình sự 'Bão ngầm' chuẩn bị lên sóng truyền hình

15:10, 13/01/2022 (GMT+7)

Bộ phim "Bão ngầm" dài 75 tập, khởi quay ngày 16-6-2019 và hoàn thành sản xuất hậu kỳ tháng 12-2021; dự kiến sẽ phát sóng trên VTV1 vào tháng 2-2022. Phim do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Hoàng Trà My làm chủ đầu tư sản xuất.

Lễ ra mắt đoàn làm phim
Lễ ra mắt đoàn làm phim "Bão ngầm".

“Bão ngầm” dựa theo tiểu thuyết trinh thám hình sự  cùng tên của TS. Đào Trung Hiếu (Nhà văn, Nhà báo, Chuyên gia tội phạm học, Cục Truyền thông Công an nhân dân, Bộ Công an) với nội dung ngợi ca, tôn vinh những chiến công hào hùng cùng sự hy sinh thầm lặng của lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh bài trừ ma túy và tội phạm hình sự, bảo vệ bình yên cuộc sống.

Nội dung bộ phim là câu chuyện về hành trình điều tra bóc gỡ đường dây, tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia, vạch trần mặt thật của tên trùm mafia ẩn dưới vỏ bọc chủ tịch một tập đoàn kinh tế lớn.

Từ thực tiễn gần 20 năm trực tiếp cầm súng chiến đấu với tội phạm về ma tuý, điều tra trọng án, phòng chống tội phạm công nghệ cao, trong vai trò trinh sát hình sự, điều tra viên tại các đơn vị: Phòng Cảnh sát điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Yên Bái; Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP. Hà Nội, với tình yêu nghề nghiệp và nặng lòng tri ân quê hương, đồng đội, TS. Đào Trung Hiếu đã viết tiểu thuyết trinh thám và chuyển thể thành phim “Bão ngầm”.

Tại cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện ký về đề tài: “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, do Bộ Công an và Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, giai đoạn 2012-2015, tiểu thuyết “Bão ngầm” đã vượt qua hơn 600 tác phẩm và đoạt giải cao nhất. 

Điều đặc biệt, tác giả Đào Trung Hiếu là học sinh lớp chuyên văn, do Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh làm chủ nhiệm lớp 6 ở Thị xã Nghĩa Lộ Yên Bái). Bộ phim này, đích thân "cô giáo" - Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh, đã đứng ra làm cố vấn văn học.

Theo TS. Đào Trung Hiếu chia sẻ, anh đã mất gần 2 năm để chuyển thể câu chuyện đó thành kịch bản phim truyền hình. Bộ phim có sự tham gia của các diễn viên: Đại tá CAND, NSND Nguyễn Hải; Đại tá CAND, NSND Trần Nhượng; NSƯT Nguyễn Trọng Hải; diễn viên - người mẫu Hà Việt Dũng; diễn viên Cao Thái Hà; Nguyễn Xuân Hiệp... cùng nhiều diễn viên khác ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Đồng thời, trong phim còn có sự góp mặt hùng hậu của lực lượng CAND và QĐND trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố trong cả nước (gồm tỉnh Yên Bái, Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Dương).

Theo chia sẻ của ê kíp sản xuất, bộ phim có tiết tấu nhanh, với những tuyến truyện đan bện vào nhau một cách lô gic và chặt chẽ. Những cuộc đấu trí, đấu mưu đầy ly kỳ, những trận đánh gay cấn, dữ dội, cùng sự ác hiểm trong thế giới tội phạm… đã được tái hiện và phản ánh sinh động, chân thực, gần gũi với đời sống xã hội.

Bộ phim bám sát và cổ vũ chủ trương của Đảng và lãnh đạo ngành Công an trong đấu tranh bài trừ tiêu cực để làm trong sạch bộ máy, không có vùng cấm trong xử lý vi phạm. Xuyên suốt bộ phim là tư tưởng nhân văn: Nhấn mạnh những gì là giả tạo và lạc hậu sẽ bị nghiền nát trong vòng quay luật đời. Mọi tráo trở, lừa lọc và bội phản, sẽ bị quy luật đào thải làm văng ra khỏi quỹ đạo vận động của xã hội. Đồng thời tôn vinh những giá trị chân - thiện - mỹ, những mầm thiện trồi lên từ thực địa cuộc xung đột chính - tà. 

Lồng ghép trong những trường đoạn phim xoay quanh câu chuyện phá án, là đời sống thường nhật của cán bộ chiến sĩ Công an, được miêu tả dung dị, mộc mạc, ở những góc khuất ít người biết tới. Qua đó, để người dân thêm tin yêu, ủng hộ những người lính trinh sát trên mặt trận thầm lặng. 

Bộ phim còn truyền tải, quảng bá vẻ đẹp đất nước, con người ở nhiều miền quê Việt Nam, góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch của các địa phương; tôn vinh vẻ đẹp và giá trị của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc, góp phần vào việc quảng bá, bảo tồn và phát huy những giá trị nhân bản của con người Việt Nam.

Theo Báo Tin tức 

.