Đà Nẵng cuối tuần

Thành phố của chúng tôi!

20:25, 08/01/2022 (GMT+7)

1. Tôi là người miền Nam tập kết ra Bắc. Miền Nam giải phóng rồi, ai ai cũng mong muốn được trở về quê hương sớm nhất.

Cầu Rồng là tuyến đường ngắn nhất nối Sân bay quốc tế Đà Nẵng với các khu du lịch cao cấp ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc. Ảnh: PHÚC AN
Cầu Rồng là tuyến đường ngắn nhất nối Sân bay quốc tế Đà Nẵng với các khu du lịch cao cấp ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc. Ảnh: PHÚC AN

Tôi may mắn được đi nhờ tàu Hải quân chở Đoàn văn công Hải quân vào Sài Gòn biểu diễn hồi tháng 7-1975. Lộ trình của chúng tôi là Hải Phòng - Đà Nẵng - Quy Nhơn - Nha Trang - Vũng Tàu và kết thúc ở Bến Nhà Rồng. Đà Nẵng là điểm đến đầu tiên.

Chiều tà ngày 15-7-1975, tàu vào bến sông Hàn - Đà Nẵng (xưa gọi là Bến Mía) để cho một số người về Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… lên bờ. Tôi ngỡ ngàng, Đà Nẵng đấy ư? Thành phố chưa lên đèn, nhìn vào con phố trước mặt, thấy tối đen hun hút. Khi tàu vội vã rời bến, tôi thấy một cô bé bán nước trà với tay cầm ấm nước, tay cắp mẹt kẹo và tiếng rao lạc lõng giữa màn đêm: “Ai trà đá đây? Trà đá lạnh tê lạnh tái đây?”. Tôi thoáng chút chạnh lòng, thương cảm.

Hơn một tháng sau, trên đường ra Bắc, tôi lại ghé Đà Nẵng, lần này đi bằng đường bộ. Xe đò vào Đà Nẵng theo đường Hội An - sân bay Nước Mặn, cầu Trịnh Minh Thế rồi vào Bến xe Trung tâm, chợ Cồn. Đoạn đường đi qua trước khi xe vào bến là mênh mông cát trắng. Trung tâm chợ Cồn và bến xe khá ồn ào, đông đúc, phố xá đầy rác, mang lại cảm giác ngột ngạt.

Tôi chỉ ở lại Đà Nẵng 2 ngày để đăng ký lấy vé xe ra Bắc nên không đi đâu, không khám phá gì hơn. Ngày rời Đà Nẵng, từ trung tâm, tôi ngồi xe ôm vượt đoạn đường dài hơn 10km để ra Nam Ô lấy vé đi tiếp. Một lần nữa tôi đi băng qua quãng đường mênh mông cát trắng. Nhìn lại về phía Đà Nẵng, tôi tự hỏi: Đà Nẵng đây ư? Nơi mà mình được nghe nói là đô thị lớn thứ hai của miền Nam đây ư? Nhìn từ xa, thành phố chỉ như một khu dân cư có một phần giáp sông giáp biển, phần còn lại vây quanh là cát trắng mênh mông.

2. Giữa năm 1986, tôi chuyển công tác vào Đà Nẵng, gia đình ở tạm ở cơ quan chồng tôi vài tháng trên đường Bạch Đằng, ngay bến phà phía Tây sông Hàn. Nét đậm của bức tranh về Đà Nẵng trong tôi chính là ở đây. Chỉ cách một con sông, vậy mà bên bờ Đông - gọi là quận Ba - sao mà cách trở và khác biệt đến thế so với bờ Tây. Người Đà Nẵng thường nói vui: “Con gái quận Ba không bằng bà già quận Nhất” có lẽ là do vậy.

Hằng ngày đi làm bên quận Ba, tôi phải đi qua phà. Thật là ám ảnh! Ảm ảnh mỗi khi phải chờ phà đến, ám ảnh vì bị trễ chuyến phà; ám ảnh những khi trời mưa bão; ám ảnh việc lên xuống phà khi nước triều, nước sông lên. Tôi không quên ngay ngày đầu tiên đi làm, để lên được phà, tôi đã gửi lại sông một chiếc guốc. Bờ Đông sông Hàn ngày ấy nhếch nhác một dãy nhà chồ kéo dài ra gần tận cửa biển.

Nhưng Đà Nẵng ngày ấy là một trong những địa phương đi đầu, phá rào cản quan liêu bao cấp. Tháng 1-1987, bỏ sổ gạo, bỏ tem phiếu, bỏ việc ngăn sông cấm chợ… Tuy nhiên, nhịp sống của thành phố được cho là năng động này vẫn thế, vẫn là những chuyến phà qua lại sông Hàn ngày đêm; vẫn những con đường chật hẹp, xuống cấp; vẫn những dãy phố nhỏ bé, thấp lè tè. Đà Nẵng dường như bị bó mình trong một chiếc áo quá chật chội và cũ kỹ.

3. Ngày 1-1-1997, Đà Nẵng đã được tách ra khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đến nay, Đà Nẵng đã trải qua 25 năm xây dựng và phát triển.

Trong tôi, bức tranh Đà Nẵng ngày nay hiện ra với điểm nhấn là ngày 29-3-2000 - ngày khánh thành chiếc cầu quay hiện đại, xinh đẹp bắc qua sông Hàn đã chấm dứt những chuyến phà bấp bênh, chấm dứt sự cách biệt về mọi mặt giữa đôi bờ sông Hàn.

Sau cầu sông Hàn, Đà Nẵng có thêm cầu Thuận Phước, cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng… Mỗi chiếc cầu đều mang dáng vẻ khác nhau. Từ đó, Đà Nẵng được mệnh danh là “thành phố của những cây cầu”.

Tôi đã gắn bó với Đà Nẵng gần 40 năm. Nếu phải so sánh, tôi không biết thành phố của tôi ngày nay và ngày tôi mới biết, mới đến đã phát triển hơn, rộng lớn hơn, hiện đại hơn, tươi đẹp hơn gấp bao nhiêu lần.

Đà Nẵng sẽ phát triển, bức tranh Đà Nẵng trong tôi còn không ngừng mở rộng, đổi thay và chiếc áo mới chắc hẳn lung linh hơn nữa. Để tạo nên điều đó, tất cả người dân Đà Nẵng sẽ đồng lòng, nhất trí, góp phần mình để xây dựng nên một Đà Nẵng ngày càng tươi đẹp. Chúng tôi vẫn dành tình yêu trọn vẹn cho Đà Nẵng - thành phố của chúng tôi!

LÊ THỊ MAI NGỮ

.