Văn hóa - Giải trí
Hoàn thành nhiều công trình văn hóa - lịch sử
Thời điểm cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ngành văn hóa thành phố khẩn trương hoàn thành việc nâng cấp, trùng tu, tôn tạo nhiều công trình văn hóa - lịch sử giá trị để phục vụ nhu cầu văn hóa, tâm linh của nhân dân.
Ngành văn hóa thành phố tích cực phối hợp các đơn vị, địa phương trùng tu, cải tạo, nâng cấp nhiều công trình văn hóa - lịch sử quan trọng trong năm 2021. TRONG ẢNH: Khu di tích làng Mân Quang được thi công trùng tu, cải tạo. Ảnh: XUÂN DŨNG |
Nhiều di tích được tu bổ, tôn tạo
Năm 2021, ngành văn hóa tích cực phối hợp các đơn vị, địa phương triển khai trùng tu, cải tạo, nâng cấp nhiều công trình văn hóa - lịch sử quan trọng, có dấu hiệu xuống cấp. Triển khai trong điều kiện ảnh hưởng dịch bệnh và thời tiết mưa bão nhưng các công trình đều bảo đảm hoàn thành trước Tết Nguyên đán.
Đến nay, một số di tích hoàn thành trùng tu, đưa vào sử dụng. Đơn cử, đầu tháng 1 vừa qua, sau hơn 6 tháng khởi công, ngành văn hóa bàn giao hai công trình tại quận Liên Chiểu gồm: miếu Tam Vị và miếu bà Liễu Hạnh cho địa phương quản lý. Đây là các di tích được xếp hạng cấp thành phố, có ý nghĩa với đời sống tín ngưỡng của nhân dân địa phương.
Trong đó, miếu Tam Vị là di tích được hình thành cách đây hơn 400 năm, gắn với văn hóa làng xã và tín ngưỡng dân gian, quá trình mở cõi, khai khẩn đất xứ Đàng Trong. Còn đối với miếu bà Liễu Hạnh nằm trong cụm di tích lịch sử Nam Ô, mang nhiều dấu ấn và giá trị văn hóa, lịch sử, là sự tiếp biến giữa hai nền văn hóa Chăm - Việt với những tập tục sinh hoạt, các lớp trầm tích văn hóa đan xen. Chính vì vậy, người dân rất vui mừng, ủng hộ khi dự án tu bổ, phục hồi di tích được triển khai.
Trước đó, trong tháng 12-2021, ngành văn hóa hoàn thành trùng tu mộ Đô thống chế Chưởng phủ Lê Văn Hoan (huyện Hòa Vang). Đây là mộ của thống chế thời Tây Sơn và triều Nguyễn, có niên đại gần 200 năm, bị xuống cấp trầm trọng, cây cối vây bủa đến mất lối vào. Với sự ngưỡng vọng dành cho bậc tiền nhân lịch sử, Thống chế Lê Văn Hoan được nhân dân trong làng truy tôn là bậc hậu hiền của làng. Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và ý nghĩa lịch sử của di tích này, ngành văn hóa khẩn trương lập hồ sơ xếp hạng và trùng tu công trình kịp thời, tránh bị xâm hại.
Cũng trong tháng 12-2021, ngành văn hóa và UBND quận Hải Châu nghiệm thu công trình “Cải tạo, mở rộng Nghĩa trủng Phước Ninh” (phường Nam Dương) đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật để đưa vào sử dụng. Đây là di tích được xếp hạng cấp quốc gia, nơi quy tụ hài cốt các chiến sĩ và đồng bào hy sinh trong buổi đầu chống Pháp (1858-1860). Đến nay, sau trùng tu, di tích được mở rộng 1.616m2 với nhiều hạng mục như cải tạo, tu bổ chống xuống cấp nhà bia di tích hiện trạng; hạ giải toàn bộ con giống và bờ mái; thay mái ngói lợp âm dương và hệ thống rui, mè, sơn sửa lại toàn bộ bề mặt, xoay hướng bia hiện trạng về hướng tây…
Ông Nguyễn Phi, Ban quản lý di tích Nghĩa trủng Phước Ninh chia sẻ: “Được thành phố đầu tư cải tạo, mở rộng nghĩa trủng, bản thân tôi và người dân rất phấn khởi. Đây là việc làm có ý nghĩa lâu dài, mang đậm giá trị văn hóa tinh thần không chỉ bây giờ mà còn mãi về sau. Vì vậy, sau khi dự án hoàn thành, người dân sẽ cố gắng gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích”.
Bảo đảm giá trị gốc
Hiện nay, các đơn vị thi công đang tích cực hoàn thành các di tích: đình Cổ Mân, khu di tích làng Mân Quang (quận Sơn Trà); đình Nam Ô, Nghĩa trủng Nam Ô, miếu bà Bô Bô, Lăng Ông, miếu Âm linh, Giếng Lăng (thuộc cụm di tích lịch sử Nam Ô, quận Liên Chiểu) và đình Đà Sơn (quận Liên Chiểu). Trong các di tích kể trên, khu di tích làng Mân Quang có kinh phí đầu tư lớn với gần 13 tỷ đồng, trên quần thể di tích rộng hơn 2.600m2. Thời điểm này, đơn vị thầu dự án đang thi công gia cố những hạng mục chính bị hư hỏng; xây trát mới ở một số công trình phụ trợ…
Trưởng ban khánh tiết đình làng Mân Quang Nguyễn Văn Có cho biết, trước lần đại trùng tu này, khu di tích bị xuống cấp nặng nề, nhiều hạng mục bị bong tróc, gãy, đổ. 10 năm trở lại đây, khu di tích được trùng tu 2 lần nhưng chỉ tu bổ nhỏ như quét vôi, lát sân nên tình trạng xuống cấp vẫn còn.
“Năm nay dịch bệnh phức tạp nhưng các đơn vị vẫn nỗ lực phối hợp, bảo đảm thi công cải tạo khu di tích đúng tiến độ. Một số hạng mục phải xây mới, bê-tông hóa nhưng cơ bản, việc thi công vẫn bảo đảm theo kiến trúc nguyên mẫu, đúng với nguyện vọng của người dân. Chúng tôi vui mừng, phấn khởi vì thành phố quan tâm, đầu tư cho khu di tích này. Khi đưa vào sử dụng, người dân sẽ cố gắng phát huy giá trị di tích, trước mắt là kế hoạch tổ chức tốt hội làng, lễ cầu an tại đây vào 16-3 Âm lịch”, ông Nguyễn Văn Có chia sẻ.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phạm Tấn Xử, bên cạnh triển khai một số dự án lớn như: tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải giai đoạn 2; nâng cấp, cải tạo cơ sở 42 Bạch Đằng làm bảo tàng; bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan…, năm 2021, sở khởi công trùng tu, tôn tạo 13 di tích văn hóa - lịch sử bị xuống cấp trên địa bàn với tổng kinh phí 60 tỷ đồng. Tính đến nay, sở triển khai và hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 4 công trình, gồm: di tích miếu bà Liễu Hạnh; miếu Tam Vị; mộ Thống chế Lê Văn Hoan; cải tạo, mở rộng Nghĩa trủng Phước Ninh. Các công trình còn lại dự kiến bàn giao, đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Qua theo dõi, giám sát, công tác trùng tu, tôn tạo đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng công trình, tuân thủ các quan điểm, nguyên tắc về bảo tồn, không làm sai lệch biến dạng, đặc điểm vốn có và các yếu tố gốc cấu thành di tích.
“Thời gian tới, khi các công trình hoàn thành tu bổ, đưa vào sử dụng, ngành văn hóa tích cực phối hợp địa phương quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục, tuyền truyền thay đổi và nâng cao nhận thức người dân đối với di tích, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên bằng các chương trình ngoại khóa, giáo dục tại di tích hoặc đưa giáo dục di tích vào trường học. Các di tích sau khi được trùng tu sẽ được nghiên cứu và đánh giá khả năng phát huy giá trị để phát triển du lịch. Đây cũng là hướng đi cho thời gian sắp tới nhằm hướng đến việc phát triển bền vững”, ông Phạm Tấn Xử khẳng định.
XUÂN DŨNG