Văn hóa - Giải trí

Trường Sa 1988 - Hồ sơ một sự kiện lịch sử

09:31, 05/03/2022 (GMT+7)

Tập sách “Trường Sa 1988- Hồ sơ một sự kiện lịch sử” (Phanbook và Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành, 2021) là công trình nghiên cứu lịch sử do Võ Hà, hội viên Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng, dày công sưu tầm, biên soạn. Tập sách hơn 500 trang in, được soạn giả chia thành năm phần.

Trong đó, phần I: Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép một bộ phận quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988; phần II: Căn cứ lịch sử, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa năm 1988; phần III: Dư luận thế giới về sự kiện Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa - 1988; phần IV: Vì Trường Sa thân yêu - 1988 và phần V: Nơi tuyến đầu Trường Sa - 1988. Đây không phải là công trình đầu tiên nghiên cứu về sự kiện Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa vào năm 1988, nhưng vẫn có thể tạo nên một số khác biệt rất đáng trân trọng.

Bìa cuốn Trường Sa 1988 - Hồ sơ một sự kiện lịch sử. Ảnh: Phanbook
Bìa cuốn Trường Sa 1988 - Hồ sơ một sự kiện lịch sử. Ảnh: Phanbook

Đặc điểm nổi bật của “Trường Sa 1988 - Hồ sơ một sự kiện lịch sử” là để làm sáng tỏ nội dung chủ yếu của tập sách, soạn giả tập trung sưu tầm từ hai nguồn tư liệu chính thống thể hiện rõ quan điểm, lập trường, quyết tâm chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng là của toàn thể dân tộc Việt Nam: Báo Nhân dân và Báo Quân đội nhân dân. Đối với Báo Nhân dân, soạn giả sưu tầm tuyển chọn 37 bài báo cho phần II, 38 bài báo cho phần III, 34 bài báo cho phần IV và 15 bài báo cho phần V; còn đối với Báo Quân đội nhân dân, soạn giả cũng đã sưu tầm tuyển chọn 4 bài báo cho phần II, 2 bài báo cho phần III, 7 bài báo cho phần IV và 24 bài báo cho phần V. Mặc dầu số lượng bài báo được sưu tầm giới hạn trong phạm vi từ tháng 2 đến tháng 6 năm 1988, nhưng riêng việc này đã là đóng góp lớn của Võ Hà, bởi ở đây không chỉ đơn thuần là tìm kiếm sao chép báo cũ những tư liệu liên quan mà còn đòi hỏi năng lực chọn lọc, sắp xếp các tư liệu theo nhiều khía cạnh khác nhau của cùng vấn đề, sao cho mỗi tư liệu có thể tự nói lên đúng sự thật lịch sử...

Đặc điểm nổi bật khác của “Trường Sa 1988 - Hồ sơ một sự kiện lịch sử” là dấu ấn Đà Nẵng khá đậm nét. Trong toàn bộ tập sách này, quần đảo Hoàng Sa, huyện đảo trực thuộc thành phố Đà Nẵng, thường xuyên được nhắc đến khi đề cập về quần đảo Trường Sa thuộc huyện đảo trực thuộc tỉnh Khánh Hòa. Có thể nói, Hoàng Sa gần như đồng hành với Trường Sa qua từng trang sách. Một dấu ấn Đà Nẵng khác trong tập sách là phường Hòa Cường, địa phương từng gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sa vào ngày mồng 2 tháng 4 năm 1988 thông báo quyết định chọn ngày 14 tháng 4 năm 1988, tức thời điểm tròn một tháng trận chiến Gạc Ma để khởi công xây dựng tuyến đường từ tây sang đông trong phường mang tên Trường Sa (tuyến đường này mang tên Trường Sa trong suốt quá trình thi công, nhưng khi hoàn thành, người Đà Nẵng quyết định đặt tên tuyến đường này là 30 Tháng 4 và dành tên đường Trường Sa đặt cho một con đường lớn ven biển, nối liền với đường Hoàng Sa nhằm tăng thêm hiệu ứng quảng bá về đấu tranh bảo vệ chủ quyền).

Phường Hòa Cường cũng là địa phương có đến 7 liệt sĩ trên tổng số 64 liệt sĩ hy sinh trong trận chiến này (Binh nhì Nguyễn Hữu Lộc (SN 1968); Binh nhì Trương Quốc Hùng (SN 1967); Binh nhất Nguyễn Phú Đoàn (SN 1968); Binh nhất Phạm Văn Lợi (SN 1968); Binh nhì Phạm Văn Sỹ (SN 1968); Binh nhất Trần Tài (SN 1969) và Binh nhất Lê Văn Xanh (SN 1967) - cả bảy người đều là chiến sĩ của đơn vị E83 HQ604). Không phải ngẫu nhiên mà “Trường Sa 1988 - Hồ sơ một sự kiện lịch sử” nhiều lần nhắc đến các liệt sĩ Hòa Cường qua mẩu tin nhan đề Nhân dân phường Hòa Cường, thành phố Đà Nẵng hướng về Trường Sa đăng trên Báo Nhân dân (trang 317), qua bài báo Gặp những bà mẹ có con mất tích ở Trường Sa của Đặng Minh Phương cũng đăng trên Báo Nhân dân (trang 376 và trang 377) và qua bài báo Tiếng gọi từ Hòa Cường của Nguyễn Chí Trung đăng trên Báo Quân đội nhân dân (từ trang 397 đến trang 401).

Ngay trong lời đầu sách, Võ Hà hai lần nhắc đến trường học: “Từ năm 2011, khi bắt đầu tiếp cận, nghiên cứu các tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, tôi thấy hiểu biết của mình về chủ đề này còn khá mơ hồ, dù đã tốt nghiệp Cử nhân Khoa học Sư phạm Lịch sử” và đó là “một khoảng trống trong sự hiểu biết có lẽ không chỉ của riêng tôi mà còn của nhiều người về sự thật lịch sử Trường Sa - Hoàng Sa, vì vấn đề này không được nhắc đến đầy đủ trong trường học, nhất là kể từ thời điểm năm 1990 khi Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu bình thường hóa quan hệ ngoại giao”. Có lẽ đây cũng là động lực thôi thúc Võ Hà lần giở từng trang báo cũ tìm kiếm tư liệu biên soạn cuốn sách này, góp phần phục vụ bạn đọc nói chung và giảng viên, giáo viên, sinh viên, học sinh trong các trường học nói riêng biết đúng sự thật lịch sử - những sự thật không thể nào quên và không được phép quên. Sẽ rất xúc động khi các em học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường đọc đến câu mà người mẹ của liệt sĩ Trần Tài (quê Hòa Cường, thành phố Đà Nẵng) nói trong nước mắt giàn giụa với nhà báo Đặng Minh Phương: “Tôi thương nó mới bỏ cây viết, còn non nớt lắm” (trang 377). “Mới bỏ cây viết” tức là vừa mới thôi học, vừa mới “xếp bút nghiên” để lên đường nhập ngũ góp phần bảo vệ biển, đảo quê hương…

BÙI VĂN TIẾNG

.