Năm mươi năm nối nhịp đôi bờ

.

Tỉnh Quảng Trị chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng (1-5-1972 - 1-5-2022) và 50 năm 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị thì cũng chừng đó năm cầu Hiền Lương chứng kiến những thay đổi của lịch sử, của đất nước.

Cầu Hiền Lương lịch sử. Ảnh: THÁI MỸ
Cầu Hiền Lương lịch sử. Ảnh: THÁI MỸ

Theo Hiệp định Genève, cầu Hiền Lương là giới tuyến tạm thời, không có ý nghĩa về lãnh thổ hay chính trị để chuẩn bị cho việc tổng tuyển cử, thống nhất đất nước vào năm 1956. Thế nhưng, địch tiếp tục hiếu chiến, quyết tâm chia rẽ sự đoàn kết dân tộc, gây nhiều tội ác đẫm máu với nhân dân phía bờ Nam và từ đó cầu Hiền Lương vắt ngang dòng Bến Hải trong xanh, êm đềm trở thành nơi xẻ đôi đất nước. Cầu Hiền Lương phía bờ Bắc từ thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh qua sông Bến Hải tới bờ Nam với thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tuy được nối nhịp nhưng bao người phải cách xa. Phải mất 21 năm sau, đến năm 1975, trải qua bao nhiêu gian khổ, hy sinh, chúng ta mới giành được độc lập, thống nhất đất nước.

Giai đoạn lịch sử đặc biệt ấy đã được thể hiện trong bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm của đạo diễn Hải Ninh, sản xuất năm 1972. Bộ phim kể về cuộc đấu tranh của nhân dân làng cát thuộc một xã ven biển Gio Linh chống lại quân đội Việt Nam Cộng hòa ở bờ Nam của sông Bến Hải, ngay giới tuyến tạm thời chia cắt hai miền đất nước. Phim được dàn dựng theo sự kiện, nhân vật có thật nơi giới tuyến. Để đàn áp các phong trào cách mạng ở bờ Nam, hằng ngày địch thường xuyên bố ráp, càn quét, đốt phá nhà cửa, bắn giết đồng bào. Song, ngọn lửa yêu nước thiết tha của người dân làng cát vẫn bùng cháy dữ dội.

Thực ra, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm chỉ là một lát cắt của phong trào cách mạng tại bờ Nam sông Bến Hải, bởi sự đàn áp của chế độ tay sai tàn bạo bao nhiêu thì niềm khát khao độc lập, tự do của nhân dân ta càng dâng trào bấy nhiêu. Chị Dịu, một phụ nữ trong tay không tấc sắt, chị chỉ có tình yêu quê hương đất nước, đấu tranh vì đồng bào của mình, vậy mà dám đứng lên chống lại kẻ thù được trang bị vũ khí tối tân...

Ông Trần Văn Minh, Phó trưởng ban quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Hiền Lương - Bến Hải, người thuyết minh di tích, đã kể nhiều câu chuyện làm người nghe xúc động, trong đó có chuyện hai mẹ con bên bờ Nam bơi sang bờ Bắc tìm chồng, tìm cha. Khi em bé được người phía bờ Bắc dìu vào tới bờ thì người mẹ bị mắc lại ở bờ Nam do địch khủng bố. Nỗi nhớ thương con quặn thắt đã giục chị cứ chiều chiều ra bờ sông khản giọng gọi con mà chẳng thấy hình bóng của con đâu. Rồi mỗi khi bà con bên bờ Nam muốn nhắn tin cho người phía bờ Bắc thì chỉ có một cách duy nhất là dùng tay làm ám hiệu. Nếu đầu họ quấn khăn tang, hai bàn tay úp vào mặt là báo gia đình có người thân bị địch sát hại, còn nếu hai cánh tay bẻ quặt ra phía sau lưng nghĩa là họ có người thân vừa bị địch bắt. Càng cảm động hơn khi nghe kể chuyện người dân bờ Nam tiễn đưa người xấu số về nơi an nghỉ. Họ khiêng linh cữu đi dọc bờ sông thì bên bờ Bắc cũng có đoàn người đầu đội khăn tang lặng lẽ đi theo sát bờ cho đến khi đoàn người khiêng quan tài khuất bóng…

Cầu Hiền Lương có 7 nhịp, dài 178 mét, được lót 894 tấm ván gỗ, từ bên này sang phía bên kia sông chỉ mất 5-10 phút thả bộ, thế mà dân tộc ta phải bước ròng rã 21 năm mới xóa được bến cách sông ngăn. Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải đã đi vào thơ ca, nhạc họa, trở thành biểu tượng về sức mạnh và ý chí sắt đá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước của dân tộc ta.

Sáng 30-4-2022, tại khu vực cầu Hiền Lương sẽ diễn ra lễ thượng cờ “Thống nhất non sông”. Lễ thượng cờ được tỉnh Quảng Trị duy trì hằng năm như lời nhắc về giá trị của hòa bình, thống nhất.

THÁI MỸ

;
;
.
.
.
.
.