Văn hóa - Giải trí

Dấu xưa, làng cổ

13:21, 01/09/2022 (GMT+7)

Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10km về phía nam, làng cổ Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) là một trong những ngôi làng hiếm hoi của thành phố còn giữ lại nhiều ngôi nhà cổ. Những mái ngói rêu phong cổ kính cùng những bờ tre, gốc rạ, mái đình… như đưa du khách trở về những năm tháng tuổi thơ yên bình.

Cổng vào làng Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. Ảnh: Đ.H.L
Cổng vào làng Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. Ảnh: Đ.H.L

Tôi trở lại làng cổ Phong Nam đúng hơn 10 năm, những con đường đất nâu dẫn vào làng giờ đã được đổ bê-tông khang trang, sạch sẽ, nhưng không vì thế mà làm cuộc sống nơi đây bị đô thị hóa. Những hàng rào hoa huỳnh anh vẫn nở vàng khoe sắc hai bên đường. Người dân tay xách nách mang đi chợ quê từ sáng sớm dưới bóng cây già. Những khu vườn cà, vườn mướp đang vào độ đơm hoa kết trái xanh mát mắt trước những ngôi nhà 3 gian. Dường như mọi thứ nơi đây được tách biệt khỏi chốn tấp nập, náo nhiệt của thị thành, để lưu giữ nét mộc mạc thôn quê.

Gìn giữ văn hóa làng cổ

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà vườn đậm chất văn hóa dân gian miền Trung, ông Ngô Văn Xí, Trưởng thôn Phong Nam cho biết, đây là một trong hai ngôi nhà của thôn đăng ký làm vườn kiểu mẫu. Theo đó, mỗi hộ gia đình cam kết giữ nguyên trạng những gì ông bà ngày xưa để lại như: nhà 3 gian, có hàng cau trước ngõ, hàng chuối sau vườn, có giếng nước, bờ tre và lưu giữ những vật dụng gia đình từ thời xa xưa.

“Hiện trên địa bàn thôn còn 5 ngôi nhà cổ nguyên vẹn, trong đó có một số nhà được xây dựng cách đây hơn 100 năm. Mấy năm trước chưa xảy ra Covid-19, thôn Phong Nam kết nối với Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) đón khách du lịch, nhiều nhất là khách tàu biển vào tháng 9, tháng 10 hằng năm. Khi Phong Nam trở thành làng du lịch, người dân được hưởng lợi từ việc bán hàng lưu niệm, đặc sản; đồng thời tiếp cận văn hóa, văn minh phương Tây, từ đó biết cách gìn giữ và bảo vệ môi trường sống của mình”, ông Ngô Văn Xí bày tỏ.

Ngôi nhà cổ của ông Bùi Trọng Trung đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Đ.H.L
Ngôi nhà cổ của ông Bùi Trọng Trung đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Đ.H.L

Là người cam kết tham gia thực hiện vườn kiểu mẫu của thôn, ông Ngô Tất Cường (tổ 4 thôn Phong Nam) chia sẻ: “Chúng tôi cố gắng phục dựng và tạo mới khuôn viên vườn giống với khu vườn của ông bà nội ngày xưa, trong đó lưu giữa nhiều vật dụng của người nông dân thời xưa như nông nia, cối xay bột bằng đá... Đặc biệt, việc làm nhà vườn cần giữ lại nhiều diện tích đất đai để trồng cây cối. May mắn là các con cháu trong nhà đều ủng hộ nên việc phục dựng khá thuận lợi”.

Người dân trong làng kể lại, trước đây, làng cổ Phong Nam là một phần phía nam của làng Phong Lệ. Ngôi làng Phong Lệ có diện tích rộng lớn được lập từ thời Chămpa với bề dày lịch sử hơn 100 năm tuổi. Làng là quê hương của cụ Ông Ích Khiêm - danh tướng hiền tài dưới triều nhà Nguyễn. Hiện làng Phong Nam có hơn 800 hộ dân với khoảng 2.400 - 2.900 nhân khẩu. Bà con dân làng chủ yếu làm thợ xây và làm nông nghiệp. Những báu vật của làng như tượng vật bằng đồng vẫn còn được lưu giữ ở chùa Hòa Thọ (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ). Người dân trong làng vẫn làm các loại bánh truyền thống như bánh tráng, bánh ít, bánh gói.

Bảo tồn di tích cho thế hệ mai sau

Trong thời gian qua, thành phố Đà Nẵng và huyện Hòa Vang đã trùng tu, sửa chữa nhiều công trình di tích văn hóa đình làng trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, trước thời tiết khắc nghiệt, một số ngôi nhà cổ đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Ngôi nhà vườn kiểu mẫu được gia đình ông Ngô Tất Cường triển khai thực hiện.
Ngôi nhà vườn kiểu mẫu được gia đình ông Ngô Tất Cường triển khai thực hiện.

Là chủ của một ngôi nhà cổ bị xuống cấp, ông Bùi Trọng Trung (tổ 3 làng Phong Nam) cho biết, ngôi nhà cổ này trải qua 4 đời sinh sống và có tuổi thọ hơn 100 tuổi. Hiện nay, trong nhà vẫn còn bà nội 92 tuổi đang sinh sống. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng, tường gạch và mái bị mục.

“Khi bị hư phần mái, nước mưa sẽ thấm dột làm hỏng phần rui lách, tường nhà, đặc biệt mái nhà bị tụt xuống khi xảy ra mưa lớn. Cách đây 6 tháng, có người ở huyện và thành phố xuống khảo sát nhưng đến nay vẫn chưa thấy sửa chữa. Gia đình không có khả năng sửa chữa nên mong chính quyền thành phố hỗ trợ trùng tu, sửa chữa để bảo tồn nhà cổ. Còn nếu không, chúng tôi buộc phải tháo gỡ để bảo đảm an toàn cho người thân”, ông Bùi Trọng Trung nhấn mạnh.

Bên cạnh những ngôi nhà cổ, làng Phong Nam còn có nhiều đình làng, nhà thờ, miếu làng. Hiện nhà thờ tiền hiền làng Phong Lệ có 17 tộc, trong đó có các tộc họ như: Tứ Lê, Ngũ Ngô, Phùng, Ông, Nguyễn, Võ, Trần Nhị, Phan, Bùi… và có bài vị của làng. Ngoài ra, ngôi làng còn có 4 miếu thờ ở tứ hướng đông - tây - nam - bắc: miếu Thái Giám, miếu Cây Trôi, miếu Bà Vàng, miếu Bà Ngủ. Đặc biệt, đây là ngôi làng duy nhất có lễ hội mục đồng ở Việt Nam, tổ chức 3 ngày 2 đêm (3 năm/lần) nhằm tôn vinh những trẻ chăn trâu. Tuy nhiên, việc đầu tư phục dựng lễ hội tốn nhiều kinh phí nên đang bị mai một.

Với gần 20 năm cai quản nhà thờ tiền hiền làng Phong Lệ, ông Ngô Văn Tưởng (80 tuổi) cho biết: “Công việc của tôi là lo hương khói nhà thờ và giải trình di tích khi có người đến thăm viếng. Nhà thờ tiền hiền làng Phong Lệ trước đây có 17 tộc và bây giờ có 23 chư phái tộc, trong đó có 3 vị tiền hiền, 17 vị hậu hiền với hơn 20.000 con cháu. Nhà thờ thường tổ chức cúng tế Xuân vào 9-2 âm lịch, tế Thu vào 9-8 âm lịch, cúng Tết vào mồng 1, 2, 3… Đến ngày cúng, tất cả con cháu đều về đây cúng tế, đóng góp cho làng.

“Chúng tôi đã hoàn thành thủ tục làm hồ sơ và đang chờ quyết định công nhận nhà thờ là di tích văn hóa cấp thành phố. Trước quá trình đô thị hóa, chúng tôi mong chính quyền cần gìn giữ, bảo tồn những ngôi nhà cổ, những cây chim chim 600-700 năm tuổi ở trong làng; đồng thời vận động người dân nên giữ lại những vật dụng cũ cho thế hệ con cháu mai sau. Mong ước của tôi là sớm được thành phố công nhận nhà thờ là di tích cấp thành phố, Nhà nước có sự quan tâm đúng mức để không bị xuống cấp”, ông Tưởng nói.

Ghi chép: ĐOÀN HẠO LƯƠNG

.