Văn hóa - Giải trí
Làm tốt công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở
Nhằm hướng tới xây dựng con người Đà Nẵng có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố không ngừng nỗ lực, đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đặc biệt, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị” (gọi tắt là phong trào và đề án) tại cơ sở ngày càng đi vào nền nếp và đạt nhiều kết quả khả quan.
Các hoạt động văn hóa tại cơ sở được các cấp, ngành quan tâm tổ chức, tạo sân chơi bổ ích cho nhân dân. TRONG ẢNH: Phóng viên Báo Đà Nẵng tham gia hội thi karaoke khối đoàn thể, báo - đài năm 2022 tại Nhà văn hóa Lao động thành phố. Ảnh: XUÂN DŨNG |
Bảo đảm môi trường văn hóa lành mạnh
Theo Sở Văn hóa và Thể thao, trong năm 2021, cả nước nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng tập trung toàn lực chống dịch, nhưng phong trào và đề án vẫn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện, ngày càng đi vào nền nếp, tác động không nhỏ đến đời sống người dân ở địa bàn dân cư cũng như mặt bằng văn hóa chung của thành phố.
Tại các địa phương, công tác chỉ đạo thực hiện phong trào và đề án được triển khai đồng bộ, sâu sát; công tác kiểm tra, đánh giá các danh hiệu văn hóa được triển khai chặt chẽ, nghiêm túc, có sự phối hợp, đánh giá sát sao của các ngành đối với những tiêu chí liên quan.
Đặc biệt, các cấp, ngành tập trung tăng cường, lồng ghép thực hiện tuyên truyền, vận động và thực hiện đồng bộ các giải pháp khác nhằm chuyển biến sâu sắc nhận thức và hành vi của các tầng lớp nhân dân trong việc chấp hành pháp luật, thực hiện nếp sống văn hóa - văn minh, hướng tới xây dựng con người Đà Nẵng có nếp sống văn hóa - văn minh đô thị.
Nhờ đó, trong năm 2021, danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt tỷ lệ 91,5%; danh hiệu “Tổ dân phố, thôn văn hóa” đạt tỷ lệ 88,5% (tăng 6,8% so với năm 2020); danh hiệu “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” đạt tỷ lệ 85,7% (tăng 5,3% so với năm 2020)…
Quận Hải Châu có 13 phường và gần 60.000 hộ gia đình sinh sống. Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nếp sống văn minh đô thị cho người dân luôn là nhiệm vụ trọng tâm. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hải Châu Lê Tú Anh cho biết, song song với triển khai phong trào và đề án, quận còn vận động nhân dân tham gia cuộc vận động “3 hơn” (sạch đẹp hơn; an toàn hơn; văn minh, lịch sự hơn).
Trong đó, quận tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Đồng thời, xây dựng quan hệ giao tiếp, ứng xử văn minh nơi công cộng và trong cộng đồng dân cư. Đến nay, quận có 107/107 tuyến đường văn minh đô thị, 643/644 tổ dân phố không rác, 3/3 chợ văn minh thương mại và 14/14 điểm sáng văn hóa - văn minh đô thị.
“Với mục tiêu xây dựng con người Hải Châu văn minh, thân thiện, thời gian tới, Ban chỉ đạo phong trào và đề án xác định tập trung công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, tham gia các mô hình có hiệu ứng tích cực. Đồng thời, gắn việc thực hiện phong trào và đề án với các chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an” của thành phố để xây dựng đô thị Hải Châu phát triển toàn diện, bền vững”, ông Lê Tú Anh nhấn mạnh.
Nâng cao chất lượng văn hóa cơ sở
Vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao triển khai ký kết với Liên đoàn Lao động thành phố chương trình phối hợp xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động thể dục, thể thao của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giai đoạn 2022-2026. Chương trình này nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; đồng thời, vận dụng điều kiện cơ sở vật chất và chuyên môn sẵn có để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của công nhân, viên chức, lao động.
Giám đốc Nhà văn hóa Lao động thành phố Nguyễn Thị Tuyết Nhung thông tin, thời gian qua, với chức năng của mình, Nhà văn hóa Lao động thành phố đã tổ chức, chỉ đạo các đơn vị liên kết, CLB trực thuộc xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động hằng tháng. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2022 đã phối hợp nhiều Công đoàn cơ sở, đơn vị tổ chức các hội thi văn nghê, hoạt động thể thao, tạo sân chơi thiết thực, bổ ích cho cán bộ, viên chức, người lao động trên địa bàn thành phố.
“Các hoạt động văn hóa, thể thao tại Nhà văn hóa Lao động thành phố được duy trì thường xuyên, đa dạng hình thức, thu hút nhiều người tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa ngày càng cao của cán bộ, viên chức, người lao động”, bà Nhung chia sẻ.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phạm Tấn Xử, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành đã tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch thực hiện phong trào và đề án năm 2022; công văn chỉ đạo triển khai Quyết định 2214/QĐ-TTg ngày 28-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2026 và nâng cao chất lượng phong trào này trên địa bàn.
Trong đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương có kế hoạch, giải pháp cụ thể tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; lồng ghép thực hiện các cuộc vận động, phong trào hiện có gắn với thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu và thực tiễn ở địa phương, đơn vị.
“Trong 6 tháng cuối năm, sở tiếp tục hướng dẫn công tác triển khai và phối hợp kiểm tra, thẩm định về công tác bình xét các danh hiệu văn hóa. Tập trung mục tiêu có những chuyển biến về nhận thức và hành động trong thực hiện nếp sống văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang. Chú trọng công tác nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa bảo đảm theo tỷ lệ thực chất của phong trào”, ông Xử cho biết thêm.
THIÊN DUYÊN