Lớp học vẽ mang thông điệp bảo vệ môi trường

.

“Một lần mua nghêu, sò về ăn, tôi thấy những vỏ sò nếu vứt đi sẽ rất phí. Tôi nảy ra ý tưởng cho học sinh vẽ trên vỏ sò. Các em rất thích thú, hào hứng”. Đó là câu chuyện của cô Nguyễn Thị Mến (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ), người sáng lập nên lớp vẽ trên vỏ sò.

Cô Nguyễn Thị Mến là họa sĩ, đồng thời là giáo viên mỹ thuật giảng dạy tại Công ty Năng khiếu Liên Lục Địa. Do nhận thấy một số em nhỏ sống tại phường Hòa Thọ Tây xuất thân từ những gia đình khó khăn, không có cơ hội tiếp cận những lớp học kỹ năng hay các môn năng khiếu. Điều này thôi thúc cô Mến mở lớp học vẽ “BM Gallery” để các em học sinh thỏa sức sáng tạo trong thế giới đầy màu sắc của tuổi thơ. Lớp học vẽ “BM Gallery” bắt đầu từ những ngày hè năm 2022, được mở đều đặn vào mỗi cuối tuần với hơn 10 học viên tham gia.

Mê vẽ từ nhỏ, nhà lại ở xa trung tâm thành phố nên em Nguyễn Hữu Đạt (học sinh lớp 7, Trường THCS Đặng Thai Mai) chỉ học vẽ qua các chương trình trực tuyến trên mạng. Khi tham gia học vẽ tại lớp học “BM Gallery”, em được tiếp xúc với các kiến thức hội họa chuyên sâu. Từ cách pha màu, tỉ lệ hình ảnh, và cách để biến những tưởng tượng trong trí óc thành sản phẩm thực tế. "Tại lớp học của cô Mến, những chiếc vỏ sò thay cho giấy, càng tăng thêm sự thích thú, sự tò mò, tăng khả năng sáng tạo cho em”, Đạt nói.

Theo cô Mến, lớp học vẽ trên vỏ sò không chỉ nuôi dưỡng niềm đam mê mỹ thuật mà mục đích lớn nhất là giáo dục các em nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống xung quanh mình. Không những vỏ sò mà các phế phẩm như: vỏ lon, chai nhựa, mảnh gỗ… những vật phẩm tưởng chừng như vô tri, vô giác nhưng dưới đôi bàn tay và trí tưởng tượng bay bổng của lứa tuổi “hồn nhiên” cũng có thể trở thành những tác phẩm nghệ thuật sống động. Khi thực hiện vẽ trên những chất liệu như vỏ sò, chai nhựa sẽ khó hơn so với vẽ trên giấy, bởi những chất liệu này trơn, không có độ bám cũng không bằng phẳng như giấy. Tuy phải trải qua nhiều công đoạn xử lý chất liệu rồi mới bắt đầu những nét vẽ đầu tiên, nhưng các em hết sức hứng thú khi được vẽ trên những chất liệu mới mẻ này. Nhìn những vỏ sò được khoác lên mình chiếc áo mới các em nhỏ lại có thêm niềm vui để tiếp tục sáng tạo. Qua những buổi dạy như vậy, mình lại lồng ghép những bài học về môi trường, nâng cao nhận thức của các em về môi trường sống xung quanh mình.

Nguyễn Ngọc Thu Uyên (học sinh lớp 8, trường THCS Đặng Thai Mai) chia sẻ: “Khi được học vẽ trên vỏ sò em thấy rất thú vị, em nghĩ cần phải có sự tỉ mỉ và khéo tay thì mới có thể tạo ra những tác phẩm sống động trên vỏ sò, chai nhựa, mảnh gỗ… Giờ đây, em có biến vỏ sò, chai nhựa thành những sản phẩm đẹp để trang trí hay làm quà lưu niệm tặng cho bạn bè hoặc người thân vào những dịp sinh nhật, lễ, Tết, thay vì vứt chúng đi sẽ tăng lượng rác thải ra môi trường”, Uyên chia sẻ.

Trong khi đó, em Nguyễn Thị Anh Thư (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Ông Ích Đường) chia sẻ: “Khi được cô Mến hướng dẫn vẽ trên vỏ sò, em rất hào hứng và thích thú. Từ khi học vẽ ở lớp cô Mến, mỗi lần đi biển em đều nhặt những vỏ sò về để vẽ rồi trang trí ở góc học tập của mình. Và khi vẽ trên vỏ sò sẽ giúp ích việc bảo vệ môi trường, hạn chế xả rác, giữ cho môi trường biển được đẹp hơn”, Thư chia sẻ.

Khi những sản phẩm hoàn thiện với nhiều hình vẽ thân thiện với đại dương, cô Mến tích cực giới thiệu với mọi người theo nhiều hình thức khác nhau. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hòa Thọ Tây Võ Thị Thùy Dương đánh giá, lớp học vẽ của cô Mến đã tận dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường như vỏ sò, mảnh gỗ, chai nhựa… đã giúp cho các em học sinh có được nhiều trải nghiệm thú vị trên những chất liệu mới lạ, đồng thời lồng ghép giáo dục cho các em về ý thức bảo vệ môi trường thông qua việc tái sử dụng các phế phẩm.

THANH PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.