Văn hóa - Giải trí
Tản văn: Tết quê!
ĐNO - Chưa bao giờ mảnh đất Đà Nẵng lại rộn ràng tươi vui như những ngày giáp Tết Quý Mão, khắp các con đường, ngõ phố đâu đâu cũng rộn rã những khúc nhạc xuân, đâu đâu cũng ngập tràn sắc hoa đang đón chào Tết.
Người dân sắm Tết tại một siêu thị trên địa bàn quận Hải Châu. Ảnh: MỸ VÂN |
Mùa Xuân năm nay cũng rất lạ thường, trời không còn giá buốt như những năm trước mà hơi se lạnh như để mọi người cảm nhận được sự ấm cúng của tình thân.
Cái nắng hiếm hoi đang cố tô điểm thêm cho sắc màu của hàng trăm loài hoa đón chào ngày Tết, ánh vàng của mặt trời chỉ ấm lên cho mọi người giặt giũ phơi phong, cho mọi người trang trí cửa nhà thêm đẹp, cho mọi người thuận lợi chăm chút “mái ấm” của người thân quá cố. Chắc hẳn đây chính là sự thân thiện nhất của nắng, sự thấu hiểu của thiên nhiên.
Gần 20 năm xa quê nhưng chỉ vài năm tôi không về quê ăn Tết, đó là năm tôi ở lại để chào đón đứa con đầu lòng, đó là năm Sài Gòn đang gồng mình vì Covid-19. Dù rằng có những cảm xúc khác nhau nhưng một điểm chung khi đón Tết xa nhà đó là sự lạc lõng. Người Sài Gòn đông lắm, dù họ về quê khá nhiều vào dịp Tết nhưng phố phường vẫn tấp nập người xe, vẫn tiếng rao đêm, vẫn còi xe inh ỏi…Dẫu vậy, tôi vẫn lạc lõng và xa lạ ở chốn đông người. Chỉ đơn giản vì tôi thèm lắm hương vị Tết quê.
Đà Nẵng là thành phố lớn vào bậc nhất miền Trung, so với Sài Gòn thì Đà Nẵng nhộn nhịp không kém, thế nhưng khi máy bay đáp xuống sân bay Đà Nẵng là tôi lại cảm nhận được sự gần gũi lạ kỳ. “Mi, ta”, “reng, lọa” nó ngọt lắm. Nó ngọt như chính chúng ta thưởng thức khúc mía tím lùi tro vậy.
Sau ngày Tết ông Công, ông Táo đâu đâu cũng tổ chức tiệc tất niên, tiệc chung với vài nhà hàng xóm, tiệc chung vài nhà trong một con hẻm, tiệc rầm rộ với tổ dân phố…. Rồi đâu đó mùi thơm ngào ngạt của hương trầm mà bà con thắp lên để cúng đường, cúng xóm. Cả những con đường nhỏ, những góc phố ngập tràn sắc màu của đèn nháy, của cờ hoa.
Tôi tự hỏi, ở đâu có được một bức tranh Xuân đa sắc như ở quê tôi, ở đâu có được sự nghĩa tình ấm cúng như mảnh đất này! Dù rằng xã hội đang dần thay đổi, con người vì cơm áo gạo tiền mà có lúc “lãng quên” với “hương vị truyền thống” nhưng thứ mà người dân Đà Nẵng tự hào có được là sự gắn kết đủ đầy yêu thương.
Có lẽ cái “trọ trẹ” trong giọng nói của người miền Trung đã làm cho họ giản đơn trong cách nghĩ, cách sống. Cái mộc mạc vốn có của người dân làm nghề chài lưới, ruộng đồng xưa nay mà nặng những nghĩa tình ngõ phố.
Thêm một điểm khiến cho người Đà Nẵng chúng tôi tự hào mỗi dịp Tết đến Xuân về đó là nhiều lắm những trái tim ấm áp, những tấm lòng chia sẻ yêu thương. Bà con chia nhau ký gạo, bịch muối như chia sẻ những đủ đầy yêu thương. Khó khăn vất vả hàng ngày không còn trên gương mặt khắc khổ vì nắng gió của biển trời. Mà thay vào đó là những nụ cười ấm áp, những niềm vui khi họ nương tựa cùng nhau. Các câu lạc bộ thiện nguyện, các doanh nghiệp tương trợ, các mạnh thường quân ở vùng đất này cũng nhiều thêm mà chúng ta khó lòng đếm được.
Mỗi đêm, vào dịp gần Tết, nếu chúng ta đi dọc con đường Nguyễn Tất Thành sẽ thấy ấm lên những làn khói và ánh lửa bập bùng từ màu áo của thanh niên tình nguyện, họ chung tay gom rác, cây khô, cắt tỉa cây xanh … để thay áo mới cho biển trời đón xuân nồng ấm.
Tết quê tôi là thế. Bởi vậy mà ai đi xa cũng muốn trở về.
Cất giữ nghĩa tình quê hương để làm của riêng cho mình khi lạc lõng cô đơn nơi đất khách. Vị ngọt của hoa trái quê nhà, sự mặn mòi của biển cả bao la… giúp chúng ta thương nhớ khi đi xa và hát ca khi trở về nơi đó.
NGUYỄN QUỐC TOÀN