Đại diện Cục Di sản Văn hóa khẳng định, dù ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" thuộc quyền sở hữu của cá nhân, thì cũng sẽ không có chuyện cổ vật quý giá này lại bị bán ra nước ngoài một lần nữa.
Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" - Ảnh: Cục Di sản Văn hóa |
Sáng nay (24-3), tại buổi họp báo thường kỳ quý I-2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa thông tin, việc hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” sẽ sớm có kết quả trong khoảng từ tháng 4 đến 6-2023.
Trả lời thông tin về việc tư nhân nếu sở hữu ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" có thể bán cổ vật ra nước ngoài một lần nữa hay không, ông Trần Đình Thành cho biết, Thông tư số 19/2012/TT-BVHTTDL ban hành ngày 28-12-2012 của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã quy định rất rõ: Di vật, cổ vật bằng các chất liệu có giá trị, tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học thuộc các giai đoạn lịch sử Việt Nam trước tháng 9 năm 1945, trong đó có ấn tín, không được mang từ Việt Nam ra nước ngoài. Tuy nhiên, có loại di vật, cổ vật có thể đưa ra nước ngoài với mục đích trưng bày, giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam hay đưa ra nước ngoài phục vụ công tác tu sửa, bảo quản hiện vật nếu hiện vật xuống cấp mà công nghệ của Việt Nam chưa thực hiện được.
"Vì vậy, dù ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" thuộc sở hữu cá nhân cũng sẽ không có chuyện cổ vật quý giá này lại bị bán ra nước ngoài một lần nữa", ông Trần Đình Thành khẳng định.
Trước đó, vào ngày 19-10-2022, website của Hãng đấu giá Millon (thành lập năm 1928, có trụ sở chính tại Paris, Pháp) đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có 2 cổ vật của nhà Nguyễn, gồm 1 ấn vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841), lô số 101 và 1 bát vàng triều Khải Định (1917-1925), lô số 100 thuộc sưu tập "Nghệ thuật Việt Nam" vào 11 giờ 31-10-2022 (giờ Paris).
Thông qua các minh chứng thu thập được và xác minh bằng phương pháp chuyên gia dựa trên thông tin, hình ảnh hiện vật đấu giá do Hãng đấu giá Millon công khai trên website của hãng, đối sánh với các cổ vật là ấn vàng triều Nguyễn đang được lưu giữ tại một số bảo tàng, di tích trên cả nước, có thể khẳng định: Chiếc ấn vàng (lô số 101) chính là ấn "Hoàng đế chi bảo" được đúc năm 1823 thời vua Minh Mạng (1820-1841).
Ngày 1-11, Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTT&DL) cho biết sau những nỗ lực đàm phán với Hãng đấu giá Millon (Pháp), vào lúc 7 giờ 30 ngàỵ 31-10-2022 (giờ Paris), đại diện phía Việt Nam và Hãng đã thống nhất được thỏa thuận tạm hoãn đấu giá ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".
Tiếp đó, đến 10 giờ 10 ngày 31-10-2022, Hãng Millon đã có thông cáo chính thức việc đưa ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" ra khỏi danh mục cổ vật đấu giá ngày 31-10-2022 của Hãng.
Đây là thành công bước đầu trong lộ trình thực hiện các giải pháp nhằm hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" về Việt Nam.
Hiện nay lộ trình thủ tục hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" về Việt Nam đều phải tuân thủ pháp luật của cả hai nước Pháp và Việt Nam. Quá trình này có thành công hay không liên quan đến việc thực hiện cam kết của các bên và hiện nay Cục Di sản Văn hóa chưa thể thông tin cụ thể vì phải thực hiện cam kết giữa các bên cũng như tiến hành các thủ tục hồi hương theo đúng quy định của pháp luật hai nước.
Có thể nói, quyết tâm sưu tầm, hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" trở về Việt Nam không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, "chảy máu" ra nước ngoài mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc.
Điều này góp phần khẳng định sự đúng đắn, tiên quyết của Đảng, Nhà nước ta về quan điểm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị và đảm bảo tính toàn vẹn của di sản văn hóa.
Theo Chinhphu.vn