Là vùng đất giàu di sản văn hóa, nhiều năm qua, các cấp chính quyền và người dân Ngũ Hành Sơn luôn quan tâm, chú trọng phục dựng, duy trì và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Qua đó, giúp bảo tồn những giá trị cốt lõi của di sản, tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành du lịch và quảng bá hình ảnh địa phương.
Một góc Danh thắng Ngũ Hành Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: QUỐC CƯỜNG |
Với việc Ma nhai Ngũ Hành Sơn (văn tự khắc trên vách đá, hang động) được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2022, quận Ngũ Hành Sơn hiện nay có 4 di sản, di tích cấp quốc gia, quốc tế gồm: làng đá mỹ nghệ Non Nước được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2014, danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận di tích quốc gia đặc biệt năm 2018, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2021 và Ma nhai Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2022.
Theo Trưởng ban Quản lý danh thắng Ngũ Hành Sơn Nguyễn Văn Hiền, Ban quản lý đã xây dựng các phương án quản lý, bảo vệ di tích Ngũ Hành Sơn nói chung và bia Ma nhai nói riêng như đặt bảng chỉ dẫn tham quan để ngăn du khách sờ vào bia đá, bố trí lực lượng túc trực nhắc nhở du khách, vệ sinh sạch sẽ khu vực bia Ma nhai, xử lý các thực vật gây hại, đặt các pano giới thiệu nội dung trên bia.
Trong đó, chú trọng đẩy mạnh áp dụng công nghệ số để bảo tồn các ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn như sưu tầm, sao chụp, dập bản, số hóa, phiên âm dịch nghĩa hệ thống ma nhai phục vụ công tác nghiên cứu lâu dài. Đây được xem là giải pháp khoa học tối ưu để bảo tồn nguồn tài liệu quý giá, độc nhất trước nguy cơ hư hại bởi thời tiết và thời gian.
“Sau khi được công nhận, Ban quản lý đã xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn xứng tầm với vị thế của một di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trước mắt, trong năm 2023, chúng tôi sẽ số hóa dữ liệu của bia Ma nhai bằng phương pháp chụp ảnh, dịch thuật các nội dung sang tiếng Việt và tiếng Anh để du khách có thể quét mã QR Code biết được giá trị và nội dung của di sản tư liệu này”, ông Hiền cho biết.
Trong khi đó, những ngày qua, công tác chuẩn bị cho lễ hội Quán Thế Âm được khẩn trương thực hiện. Theo Hòa thượng Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm (phường Hòa Hải), sau 3 năm tạm hoãn vì dịch bệnh, lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2023 được tổ chức với quy mô lớn hơn và nhiều hoạt động đặc sắc.
Đây là nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương trong việc phục dựng, bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là dịp để đồng bào phật tử nói riêng và nhân dân nói chung cầu cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, khơi dậy lòng từ bi, bác ái, hướng thiện trong mỗi con người, sự hòa hợp giữa Phật pháp với dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.
Năm nay, lễ hội có nhiều điểm mới như: diễn thuyết về ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn; trưng bày và trao chứng nhận kỷ lục Việt Nam cho độc bản lá bồ đề lớn nhất mạ vàng 24K và cho độc bản 16 bức tranh Sứ màu gắn trên tường 4 tháp chùa Quán Thế Âm;…
Cùng với đó, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao được tổ chức xuyên suốt trong thời gian diễn ra lễ hội gồm: trình diễn khinh khí cầu, thả diều nghệ thuật, hội thi điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, các chương trình nghệ thuật; các hoạt động nghệ thuật trong khuôn viên chùa.
“Bên cạnh việc tổ chức lễ hội, mong muốn của tôi là sẽ có những hội thảo nghiên cứu chuyên sâu hơn về giá trị của lễ hội Quán Thế Âm, từ đó phát huy hơn nữa những giá trị di sản mà lễ hội mang lại. Không chỉ vậy, khi hàng ngàn du khách về hành hương, tìm hiểu về lễ hội, nhà chùa sẽ phát động các chương trình gây quỹ từ thiện tranh thủ sự ủng hộ của các mạnh thường quân để có nguồn kinh phí hỗ trợ người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… Qua đó, lan tỏa hơn nữa giá trị nhân văn của lễ hội”, Hòa thượng Thích Huệ Vinh chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Tạ Tự Bình cho biết, công tác bảo vệ và phát huy những giá trị di sản luôn được chính quyền các cấp của quận đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, trong năm qua, UBND quận đã chỉ đạo Ban Quản lý danh thắng Ngũ Hành Sơn phối hợp Công ty Vietsoftpro xây dựng thuyết minh về danh thắng Ngũ Hành Sơn, đặc biệt là ma nhai bằng mã QR code offline và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc quảng bá danh thắng.
Quận còn xây dựng clip quảng bá TVC (Television Commercial) trên các kênh truyền hình quốc tế và có kế hoạch bảo vệ nghiêm ngặt các hành vi tác động đến Ma nhai, đặc biệt là sự xâm hại, xuống cấp của Ma nhai đối với sự tác động theo thời gian. Trong đó, có phương án bảo tồn nguyên hiện trạng và khôi phục, tái tạo những nội dung văn tự bị phong hóa…
“Lễ hội Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn là lễ hội di sản phi vật thể quốc gia gắn liền với di tích quốc gia đặc biệt, hơn thế nữa với những giá trị tư liệu có ý nghĩa đặc biệt về văn hóa lịch sử của ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Vì vậy, trong thời gian tới, UBND quận sẽ đặc biệt quan tâm giữ gìn, quản lý, tôn tạo, thực hiện nhiệm vụ quy hoạch khu danh lam thắng cảnh, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản lễ hội Quán Thế Âm để đưa lễ hội này trở thành sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh mang đặc trưng riêng của Ngũ Hành Sơn và thành phố Đà Nẵng.
Ngoài ra, quận sẽ mở rộng và phát triển làng đá mỹ nghệ Non Nước theo hướng thương mại kết hợp với phát triển du lịch, từ đó bảo tồn làng nghề và tạo nguồn thu kinh tế, giải quyết việc làm tại địa phương”, ông Bình nhấn mạnh.
XUÂN HẬU - NGUYỄN QUANG