Trong viễn cảnh một thành phố đáng đến, các thế hệ người Đà Nẵng giữ vai chủ nhà đón khách thập phương và trong trường hợp này, sức hấp dẫn quan trọng nhất của Đà Nẵng đối với khách thập phương chính là lòng hiếu khách, một biểu hiện ứng xử văn hóa không thể thiếu của chủ nhà...
Các em thiếu nhi tham gia các hoạt động trong chương trình “Chào hè 2022” do Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: X.D |
Có nhiều việc Đà Nẵng cần làm - theo không ít lời khuyên đầy tâm huyết và trí tuệ của các chuyên gia trên diễn đàn này - để thực sự trở thành nơi đáng đến và hơn thế nữa, trở thành nơi đáng sống. Tuy nhiên theo thiển ý của tôi, để khát vọng đưa Đà Nẵng trở thành một nơi đáng đến và một nơi đáng sống sớm được hiện thực hóa nhãn tiền, trước hết phải có được những thế hệ người Đà Nẵng có văn hóa.
Trong viễn cảnh một thành phố đáng đến, các thế hệ người Đà Nẵng giữ vai chủ nhà đón khách thập phương và trong trường hợp này, sức hấp dẫn quan trọng nhất của Đà Nẵng đối với khách thập phương chính là lòng hiếu khách, một biểu hiện ứng xử văn hóa không thể thiếu của chủ nhà. Lòng hiếu khách của chủ nhà nói chung thường được thể hiện qua nụ cười niềm nở, nhưng lòng hiếu khách của chủ nhà của một nơi đáng đến phải được thể hiện không chỉ qua nụ cười niềm nở mà còn qua thương hiệu nụ cười - nụ cười đã trở thành thương hiệu.
Thương hiệu nụ cười của một nơi đáng đến đủ sức mời gọi và cầm chân khách thập phương phải là những nụ cười tỏa nắng, chân thành dành cho người mới đến hay người mới vừa gặp lại. Khách thập phương cảm nhận thương hiệu nụ cười trước hết từ những người Đà Nẵng trực tiếp làm du lịch như: hướng dẫn viên du lịch, nhân viên hải quan ở sân bay, bến cảng, lái xe đón khách về khách sạn hoặc đưa khách đi tham quan, thuyết minh viên ở các bảo tàng, như nhân viên lễ tân ở các nhà hàng. khách sạn...
Nhưng những nụ cười ấy dẫu niềm nở đến mấy thì với khách thập phương đó cũng mới chỉ là một phần thương hiệu nụ cười của một nơi đáng đến. Thương hiệu nụ cười chỉ thực sự là thương hiệu nụ cười trong lòng du khách không chỉ là những nụ cười tỏa nắng, chân thành của người Đà Nẵng, càng không chỉ là những nụ cười tỏa nắng, chân thành của người Đà Nẵng ở “mặt tiền du lịch” - tức là của những người trực tiếp làm du lịch - dành cho khách, mà còn và quan trọng hơn là những nụ cười tỏa nắng, chân thành của người Đà Nẵng dành cho nhau ở mọi nơi, mọi lúc.
Trong mắt khách thập phương, một điểm đến chỉ trở thành nơi đáng đến khi ở đó thương hiệu nụ cười được thể hiện không chỉ qua những nụ cười dành cho khách mà còn qua những nụ cười dành cho nhau, bởi trong con mắt của khách phương xa, nụ cười vừa có văn hóa vừa có tính chuyên nghiệp của hướng dẫn viên du lịch nói riêng và của những người làm việc ở “mặt tiền du lịch” nói chung chỉ chứng tỏ ở nơi đây đang và sẽ có nhiều nụ cười dành cho họ, còn nụ cười có văn hóa tương tự mà người bản địa Đà Nẵng dành cho nhau mới đủ sức khẳng định ở nơi đây đã có thương hiệu nụ cười.
Lòng hiếu khách của một nơi đáng đến không chỉ được thể hiện qua thương hiệu nụ cười mà còn được thể hiện qua lòng khoan dung về văn hóa của người bản địa. Đối với một điểm đến được nhiều người nghe tên biết tiếng như Đà Nẵng hiện nay, khách thập phương ngày càng đa dạng, từ nhiều nguồn khác nhau, nhất là với khách nước ngoài…
Từ đó dẫn đến sự đa dạng về văn hóa của khách thập phương, đòi hỏi các thế hệ người Đà Nẵng có văn hóa phải biết khoan dung về văn hóa - sẵn sàng chấp nhận thậm chí tôn trọng cái khác mình, không kỳ thị với những khác biệt về văn hóa. Đây cũng chính là một động lực quan trọng để khách thập phương đến và hơn thế nữa, đến lại Đà Nẵng không chỉ một lần, qua đó góp phần làm cho Đà Nẵng thực sự là nơi đáng đến.
Trên diễn đàn này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh Võ Trí Thành từng nêu một nhận xét rất đúng rằng “một thành phố đáng sống chắc chắn đáng đến, nhưng một nơi đáng đến thì chưa chắc đáng sống”. Có nhiều nguyên nhân khiến một nơi đáng sống có những đòi hỏi cao hơn một nơi đáng đến, chẳng hạn như chọn nơi để đến mang tính nhất thời còn chọn nơi để sống thường mang tính lâu dài, khi quyết định chuyển cư đến một nơi nào đó để gắn bó hằng ngày đòi hỏi phải có sự cân nhắc nhiều hơn.
Tuy nhiên, tôi cho rằng ở đây còn có chuyện phân vai chủ - khách: Đối với nơi đáng sống không có vấn đề phân vai chủ - khách như là nơi đáng đến. Tất cả cư dân Đà Nẵng đều là chủ kể cả người từng sinh sống lâu đời cũng như người mới vừa chuyển tới, và chính vì vậy mà trong viễn cảnh một thành phố đáng sống, đòi hỏi phải có những thế hệ người Đà Nẵng có văn hóa không chỉ để ứng xử với khách mà chủ yếu là để ứng xử với nhau, chẳng hạn ứng xử với khách, đòi hỏi người Đà Nẵng cần có lòng thương người, còn ứng xử với nhau, đòi hỏi lòng thương người của người Đà Nẵng phải được nâng lên thành lòng trắc ẩn!
Có người từng nói rất hay và rất đúng rằng để có một phút đạp phanh dừng xe nhường cho người đi bộ qua đường, người lái ô-tô ở các nước phương Tây phải có bề dày một trăm năm văn hóa, không chỉ của từng cá nhân mà là của cả cộng đồng, vì thế để có được những thế hệ người Đà Nẵng có văn hóa đủ sức làm chủ cả nơi đáng đến và nơi đáng sống, không thể không bắt đầu sớm từ trường học, từ văn hóa học đường.
Muốn nhà trường làm tốt sứ mệnh này, giáo dục và đào tạo cần được ưu tiên đầu tư thực sự ngang tầm quốc sách hàng đầu, trước hết là ưu tiên đào tạo người thầy, sao cho mỗi cô giáo, thầy giáo đứng trên bục giảng hằng ngày đều có thể trở thành tấm gương sáng về văn hóa cho học sinh noi theo và qua đó góp phần gầy dựng văn hóa học đường, cũng là góp phần làm cho Đà Nẵng thực sự trở thành nơi đáng đến và hơn thế nữa, trở thành nơi đáng sống.
BÙI VĂN TIẾNG
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng
Báo Đà Nẵng hân hạnh đón nhận ý kiến, đề xuất, hiến kế của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước qua hộp thư điện tử: tsbaodanang@gmail.com |