Văn hóa - Giải trí
Xây dựng những chương trình nghệ thuật mang thương hiệu của Đà Nẵng
* NSND Lê Huân, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa thành phố: Xây dựng những chương trình nghệ thuật mang thương hiệu của Đà Nẵng
Muốn trở thành nơi đáng đến và đáng sống, Đà Nẵng còn rất nhiều việc phải làm, từ phát triển văn hóa, con người, kinh tế - xã hội, đến quy hoạch đô thị, xây dựng không gian và môi trường sống lý tưởng… Trong quá trình đó, phát triển văn học, nghệ thuật nói riêng lên tầm cao mới là một nhiệm vụ quan trọng, cần đặc biệt quan tâm và dành nguồn lực đầu tư.
Trước hết phải nói rằng, những năm qua, lĩnh vực văn học, nghệ thuật thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực; chúng ta có đội ngũ văn nghệ sĩ nhiệt huyết, chuyên môn cao; tổ chức được nhiều hoạt động, chương trình văn hóa, nghệ thuật chất lượng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Đặc biệt, những năm gần đây, lĩnh vực văn hóa ngày càng được thành phố chú trọng, quan tâm, đầu tư nhiều hơn với những chủ trương, chính sách, đề án sáng tạo, nhiều công trình văn hóa được khánh thành, những di tích được trùng tu, tôn tạo… Tuy nhiên, vẫn phải nhìn vào thực tế rằng, trong suốt 15 năm qua, văn học, nghệ thuật thành phố chưa có tác phẩm đỉnh cao; chưa thực sự có chương trình nghệ thuật nào mang dấu ấn, thương hiệu riêng để gây ấn tượng với du khách.
Do vậy, thành phố cần tăng nguồn lực đầu tư cho văn học, nghệ thuật bằng những cách cụ thể, để tạo môi trường cũng như khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tạo, bảo đảm họ sống được với nghề. Từ đó, tạo ra không khí sáng tác sôi nổi và những sản phẩm văn hóa chất lượng, có chiều sâu; thúc đẩy hoạt động văn hóa từ đại chúng lên văn hóa tầm cao (chuyên nghiệp), góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân và để lại ấn tượng trong lòng du khách.
Một nơi đáng sống và đáng đến, phải khiến người dân yêu nơi mình sống và khiến du khách hiểu sâu về văn hóa thành phố. Hiện nay, du khách có thể biết đến con người Đà Nẵng thân thiện, thật thà, mến khách, nhưng làm sao có thể hiểu sâu về truyền thống bất khuất, kiên cường của quê hương, con người nơi đây nếu không đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu bằng nhiều cách khác nhau? Và, một trong những cách để quảng bá, giới thiệu hiệu quả chính là xây dựng được những tác phẩm, chương trình biểu diễn nghệ thuật gắn với vùng đất, địa danh, tinh thần cách mạng và con người Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, xây dựng được những chương trình nghệ thuật mang thương hiệu riêng của Đà Nẵng, ví dụ như chương trình “Ký ức Hội An” của thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) hay các thành phố du lịch nổi tiếng trên thế giới. Có như vậy mới khiến người dân thỏa mãn với “bầu sữa văn hóa” ở nơi mình đang sống, thôi thúc du khách đến Đà Nẵng để xem những chương trình này; đồng thời để lại ấn tượng khó quên trong lòng du khách, khiến họ trở thành một đại sứ du lịch quảng bá hình ảnh Đà Nẵng đến với bạn bè gần xa.
Mặt khác, đội ngũ làm văn hóa, nghệ thuật của thành phố nhất định phải càng đi sâu vào bản sắc văn hóa dân tộc thì mới có thể gặp được tinh hoa của thế giới. Có một sự thật rằng, du khách ở khắp các nơi đến với Đà Nẵng muốn xem bản sắc văn hóa, nghệ thuật của thành phố chứ không phải muốn xem chúng ta diễn lại những thứ họ đã quen thuộc. Vì vậy, chúng ta tiếp thu tinh hoa văn hóa, nghệ thuật của nhân loại, nhưng phải chọn lọc và tạo ra nét riêng. Trong đó, có sự kết hợp của bản sắc văn hóa dân tộc và đặc trưng văn hóa của địa phương, tạo ra sự gần gũi nhưng cũng khác lạ cho du khách. Nếu làm được điều này, chắc chắn du khách sẽ cảm thấy ấn tượng, thích thú đến Đà Nẵng.
* Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Xây dựng đạo đức, lối sống cho học sinh
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành trong triển khai đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo đó là tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho học sinh, học viên, tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc bồi dưỡng tâm hồn, hình thành lối sống văn minh cho học sinh, sinh viên, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành nơi đáng đến và đáng sống.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ đạo các đơn vị, trường học tập trung chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đồng thời, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học; nâng cao chất lượng môn học đạo đức, giáo dục công dân, phát huy tính tích cực, niềm say mê; khơi dậy ý chí vươn lên, khát vọng cống hiến ở mỗi học sinh, học viên, sinh viên.
Việc giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh, học viên, sinh viên phải linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tâm sinh lý lứa tuổi và khả năng của người học. Các đơn vị, trường học tổ chức hiệu quả tuần sinh hoạt công dân - học sinh, sinh viên, các hoạt động trải nghiệm, hoạt động xã hội; diễn đàn, câu lạc bộ sở thích, tài năng; tổ chức hiệu quả các phong trào hành động của Đoàn, Hội, Đội trong và ngoài nhà trường; tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý và giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, văn hóa ứng xử cho học sinh, sinh viên.
Ngành giáo dục cũng tập trung tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Các giải pháp hướng đến là tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa học đường góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử dân tộc và trong sự phát triển kinh tế, xã hội.
Kết hợp giữa dạy chữ, dạy người, trang bị kỹ năng và định hướng nghề nghiệp cho người học; giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần của học sinh, sinh viên thông qua đa dạng hóa nội dung, phương pháp, hình thức trong hoạt động giảng dạy và hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.
* TS. Lê Thị Phương Mai (sinh năm 1985, giảng viên khoa Điện tử - Viễn thông, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng): Phát huy chính sách thu hút nhân tài
Một thành phố đáng sống và đáng đến sẽ bao gồm cả sự phát triển vượt bậc trên các lĩnh vực; muốn vậy phải xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Quan sát của tôi trong vài năm gần đây cho thấy, bên cạnh những ưu điểm nổi trội “giữ chân” các bạn trẻ Việt xuất sắc ở lại nước bạn, có một luồng khá lớn các du học sinh, nghiên cứu sinh chọn quay về các thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Lý do họ quay về không phải chỉ vì được ở gần gia đình, người thân mà bởi điều kiện làm việc và mức thu nhập ở Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều lần so với trước đây.
Vì thế, để có thể thu hút được nhân tài về cống hiến cho Đà Nẵng nhiều hơn nữa, theo ý kiến cá nhân tôi, thành phố có thể xây dựng các chính sách đãi ngộ hấp dẫn với các mức đãi ngộ tăng dần theo các chỉ số đánh giá năng lực theo chuẩn quốc tế (ví dụ với người làm nghiên cứu: số bài báo SCIE/năm, số sáng chế-patent/năm… Các mức đánh giá được quyết định bởi các hội đồng chuyên môn để tạo sự công bằng, chính xác. Đồng thời, thành phố duy trì các chính sách đãi ngộ đã áp dụng những năm 2012. Tôi nhớ lúc đó việc ưu đãi thuê/mua nhà đất đã thu hút được một lượng lớn các du học sinh từ các nơi về. Ngoài ra, thành phố cũng có thể xét đến các ưu đãi khác như dành ngân sách cho hoạt động khoa học công nghệ, các đề án xây dựng các nhóm nghiên cứu lý thuyết/ ứng dụng mạnh, khen thưởng mạnh mẽ đối với các công trình nghiên cứu có chất lượng cao...
Thành phố mở các diễn đàn kết nối giữa các doanh nghiệp với các trường đại học (ĐH) để trường ĐH có thể liên tục cập nhật xu thế hiện tại và tương lai gần của xã hội và các doanh nghiệp có thể giải quyết được bài toán nghiên cứu và phát triển (R&D) thông qua trường ĐH. Đối với các trường ĐH, lãnh đạo nhà trường quan tâm hơn về mặt nghiên cứu khoa học, hợp tác doanh nghiệp và hợp tác quốc tế; có nhiều chính sách khen thưởng, ưu đãi với các công trình nghiên cứu chất lượng cao; đẩy mạnh kết nối với các chương trình tài trợ quốc tế và hợp tác với các trường quốc tế với các chính sách đào tạo kết hợp hai bên; mời các giáo sư đầu ngành về tham mưu chương trình đào tạo kết hợp giảng dạy góp phần nâng cao chất lượng của chương trình đào tạo, tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cho thành phố nói riêng và cả nước nói chung.
XUÂN DŨNG - NGỌC HÀ ghi
Diễn đàn “Làm gì để Đà Nẵng trở thành nơi đáng đến và đáng sống” tạm khép lại sau số báo này. Sau gần 3 tuần với 16 số báo liên tục, đã có 22 bài viết, ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, nghệ sĩ, giáo viên, người dân... được đăng tải. Hy vọng, với những gợi mở, giải pháp, đề xuất từ diễn đàn trên Báo Đà Nẵng sẽ góp một phần vào nỗ lực trong hành trình xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành nơi đáng đến và đáng sống. Hẹn gặp lại bạn đọc trong một diễn đàn khác. BÁO ĐÀ NẴNG |