Văn hóa - Giải trí
Đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân
Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, hoạt động văn học nghệ thuật trên địa bàn huyện Hòa Vang đạt nhiều thành tựu trên các phương diện sáng tác, sản xuất, trình diễn và quảng bá tác phẩm, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Nhiều hoạt động văn nghệ dân gian được tái hiện tại các lễ hội Tết Việt diễn ra trên địa bàn huyện Hòa Vang. TRONG ẢNH: Thanh niên xã Hòa Ninh tái hiện phong tục gói bánh chưng tại lễ hội Tết Việt năm 2023. Ảnh: Đ.H.L |
Trên cơ sở thực hiện nghiêm túc công tác quán triệt, đẩy mạnh tuyên truyền, các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn huyện đã nâng cao nhận thức về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo định hướng đối với văn học, nghệ thuật. Qua đó, phong trào quần chúng không ngừng phát triển, các hoạt động liên hoan, hội thi, hội diễn, lễ hội truyền thống diễn ra sôi nổi. Công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy các loại hình văn nghệ dân gian như hát hò khoan đối đáp, dân ca, bài chòi được đầu tư khôi phục và phát huy. Nhờ vậy, nhu cầu giải trí của người dân được đáp ứng, nâng cao đời sống tinh thần trong nhân dân.
Ông Lê Văn Hùng Vương, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Huyện ủy, thời gian qua Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã phối hợp Phòng Văn hóa - Thông tin huyện và các ban, ngành, UBND các xã trao đổi, cung cấp thông tin cho Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố trong việc sáng tác các tác phẩm về quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Những sáng tác về chủ đề này được trưng bày tại các cuộc triển lãm tranh - ảnh nghệ thuật và biểu diễn trong chương trình nghệ thuật đặc biệt ở nhiều điểm trên địa bàn huyện. Theo số liệu thống kê, 15 năm qua đã có 500 đĩa CD, DVD về các ca khúc được sản xuất và chương trình nghệ thuật lớn được tổ chức, điển hình như chương trình nghệ thuật “Khúc tráng ca bất tử” năm 2017, “Những năm tháng không quên” năm 2022, “Hòa Vang 40 năm xây dựng và phát triển” năm 2015 và các chương trình nghệ thuật “Chào xuân mới”… Trung bình mỗi năm có 27 chương trình văn hóa, văn nghệ, 30 buổi diễn bài chòi và hơn 200 chương trình quảng bá ngoài huyện.
Đặc biệt, trong năm 2021 và 2022, nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng, chống Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội, UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện linh động điều chỉnh và tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ.
Ông Lê Đình Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Hòa Vang cho biết, trung tâm đã xây dựng kịch bản và dàn dựng thu thanh “Câu chuyện truyền thanh” lồng ghép các khuyến cáo của cơ quan chức năng về công tác phòng, chống dịch bằng hình thức kịch sinh động, gần gũi và dễ nhớ, phát trên sóng truyền thanh. Cùng với đó, xây dựng tuyển tập và phổ biến các ca khúc âm nhạc viết về Hòa Vang. Việc tổ chức hội thi “Tiếng hát người Hòa Vang” trên sóng phát thanh thu hút nhiều đối tượng tham gia, nhất là thanh thiếu nhi tại các trường THCS và tiểu học trên địa bàn huyện.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể bài chòi, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện phối hợp Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố tổ chức dạy dân ca bài chòi và giới thiệu các tiết mục đạt giải tại hội thi “Tiếng hát người Hòa Vang” trên sóng truyền thanh năm 2022. Đến nay, trung tâm đã sản xuất 28 chuyên mục với 25 làn điệu dân ca bài chòi và duy trì chuyên mục định kỳ mỗi tuần 1 số. Bên cạnh đó, các thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động văn hóa - nghệ thuật không ngừng được tăng cường và 11 xã đều có Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, 113/113 thôn có nhà văn hóa. Đây là cơ sở quan trọng để các hoạt động nghệ thuật quần chúng được phổ biến và tổ chức rộng rãi, thường xuyên trong nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW trên thực tế gặp một số khó khăn và hạn chế về cơ sở vật chất; chế độ, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ văn nghệ sĩ chưa thỏa đáng. Kinh phí chi trả cho các tác phẩm nghệ thuật chưa cao. Do đó, trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân, huyện cần đẩy mạnh phát triển loại hình văn nghệ dân gian, nhất là phổ biến văn nghệ dân gian thông qua hoạt động của các CLB, hội thi, hội diễn. Song song đó, nâng cao chất lượng hoạt động của Đội thông tin lưu động, CLB Bài chòi Sông Yên cũng như từng bước định hướng hoạt động văn nghệ quần chúng gắn với phục vụ lao động sản xuất, phát triển kinh tế địa phương.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG