Di tích lịch sử, văn hóa Hòa Vang: Về đình Bồ Bản, tưởng nhớ các bậc tiền nhân khai hoang lập làng

.

Đình Bồ Bản tọa lạc tại thôn Bồ Bản 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Từ trung tâm thành phố, du khách men theo quốc lộ 14B cũ, đến chợ Túy Loan rẽ trái và đi theo con đường bê-tông dọc bờ kênh khoảng 1km là đến đình.

Tam quan đình mới được xây dựng. Ảnh: G.H
Tam quan đình mới được xây dựng. Ảnh: G.H

Theo tài liệu do Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Vang cung cấp, làng Bồ Bản được hình thành vào những năm cuối thế kỷ XV (khoảng 1476), do các vị tiền hiền của các tộc Trần, Hồ, Trương, Nguyễn từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An vào Nam khai khẩn đất đai, canh tác, an cư và lập nghiệp. Sau này, đến đời vua Lê Hiến Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) còn có thêm các họ Tán, Đinh, Nguyễn, Phạm... đến ở và trở thành hậu hiền của làng. Trong quá trình xây dựng và phát triển, dần dần đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, để có nơi tổ chức sinh hoạt lễ hội hằng năm và thờ cúng các vị tiền nhân của làng, nhân dân địa phương đã gầy dựng đình làng Bồ Bản.

Đình được dựng vào năm Canh Thân, niên hiệu Cảnh Thịnh (1800) bằng tranh tre tại gò miếu Tam Vị nằm về phía đông của làng. Đến đời vua Tự Đức thứ V, năm Nhâm Tý (1852), do dân số của làng ngày càng đông đúc, ngôi đình lại ở vị trí quá chật hẹp nên các cụ già và những người có chức sắc trong làng quyết định di chuyển ngôi đình đến địa điểm mới với địa hình thoáng mát, có thế của rồng uốn, hổ hầu để dựng đình, lúc bấy giờ phía sau đình có Gò Miếu cao, phía phải có Gò chùa Miếu tam Vị, phía trái có Gò Ổi, phía trước đình là đồng ruộng bao la, tiếp giáp với làng Cẩm Toại và sông Yên. Đình được xây dựng lần này có sự đóng góp tiền của, công sức của toàn dân nên hoàn chỉnh khá đẹp với lối kiến trúc độc đáo, mang nhiều vẻ đẹp văn hóa và nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Ngày 25-3 năm Bính Ngọ đời Thành Thái thứ 18 (dương lịch 1906) ngôi đình được trùng tu lại, đứng đầu là cụ Nguyễn Chất đỗ khoa tú tài được bầu làm hội chủ, cụ Trần Vị làm đốc công, cụ Tán Vĩ làm thư ký hỗ trợ cho việc trùng tu. Tuy lần trùng tu này làm cho nghệ thuật kiến trúc của ngôi đình được nâng cao nhưng vẫn giữ nguyên hiện trạng ban đầu. Ngày 12-5-1990, ngôi đình lại một lần nữa được trùng tu do ảnh hưởng cơn bão số 2 vào ngày 19-4-1989.

Trong lần sửa chữa này, ngôi đình được lợp lại hoàn toàn hai mái ngói, xà gồ gian chính và phía tả được thay lại, thay 3 cây kèo và 1 cây xuyên về phía tây, 1 cây cột. Những cây cột được thay bằng gỗ mít và kiền kiền. Về đắp vẽ ở ngoài có long, lân, quy, phụng của thời cổ và đắp thêm 1 cặp dơi, tất cả vẫn giữ nguyên yếu tố gốc ban đầu. Năm 2007, đình Bồ Bản được trùng tu với quy mô lớn từ nguồn ngân sách của Nhà nước. Đến năm 2011, tiếp tục xây dựng các công trình ngoại vi như tường thành, cổng tam quan, sân vườn làm cho ngôi đình càng trở nên khang trang.

Đình Bồ Bản được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 01/1999/QĐ-BVHTT ngày 4-1-1999. Đình Bồ Bản là ngôi đình có giá trị về nghệ thuật và điêu khắc, được xây dựng vào những năm của thế kỷ 19 với lối kiến trúc cổ kính và nghệ thuật điêu khắc tinh xảo của nghệ nhân làng Kim Bồng (Hội An, Quảng Nam) thời bấy giờ, được thể hiện qua các hoa văn trang trí trên các vì kèo, hàng cột, các cây trính được tạo dáng và chạm trổ chi tiết với đầu rồng đuôi lá, bụng kèo chạm tứ quý xuân, hạ, thu, đông và mai, điểu, tùng, lộc... tất cả đều được cách điệu tạo dáng hài hòa.

Phần trang trí bên ngoài, trên nóc đình với nghệ thuật ghép sành sứ, qua hình ảnh lưỡng long tranh châu, lưỡng phụng tranh ngọc, kim quy cá gáy, phi cầm tẩu thú nằm phủ dưới mái thuyền chờ ngày hóa tứ linh... tạo cho ngôi đình có dáng vẻ của nghệ thuật cổ xưa, của nền nghệ thuật dân tộc. Ngoài giá trị nghệ thuật về kiến trúc và điêu khắc, đình Bồ Bản còn là nơi hoạt động của nhân dân thôn nhà với những ngày tế lễ, tưởng nhớ các bậc tiền nhân và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Hằng năm, vào mùa xuân và mùa thu, tại đình Bồ Bản tổ chức tế lễ để mong thần phù hộ. Ngày mồng Một Tết, các tộc đến làm lễ minh niên và chúc Tết nhau; ngày rằm tháng Hai là ngày lập mộ những tiền hiền của làng; ngày rằm tháng Tám là ngày giỗ tiền hiền cầu an. Trong đó, ngày rằm tháng Hai là ngày hội lớn của làng, được tổ chức ba năm một lần và thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Lễ hội là dịp để người dân làng Bồ Bản tưởng nhớ đến các bậc tiền hiền có công khai hoang lập làng và truyền thống của quê hương. Qua đó, mỗi tộc họ ra sức đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

GIA HUY

;
;
.
.
.
.
.