Văn hóa - Giải trí
5 bảo tàng nghệ thuật đương đại châu Á xứng đáng được check-in
Giữa lòng Sài Gòn, The Factory Contemporary Art Centre trở thành nơi trú ngụ của nhiều người trẻ, nghệ sỹ và cả giới mộ điệu của nghệ thuật đương đại Việt.
Ngày nay, nhiều nghệ sỹ tâm niệm rằng nghệ thuật ý nghĩa nhất là khi nó được đặt vào trong đời sống thường ngày.
Điều này đồng nghĩa với những nỗ lực lồng ghép nghệ thuật vào trong nhịp sống thường nhật, để chúng được xuất hiện trên đường phố, bờ tường, cửa kính trung tâm thương mại và bất kỳ đâu mà con người vẫn thường lui tới. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là các bảo tàng nghệ thuật mất đi giá trị của nó.
Bảo tàng là nơi bảo quản và trưng bày các bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật. Thậm chí, ngay cả cách trưng bày tác phẩm trong bảo tàng cũng được đánh giá là… một nghệ thuật.
Với phong trào nghệ thuật đương đại, bảo tàng không chỉ là nơi để ngắm nghía các tác phẩm truyền thống như tranh vẽ, tượng điêu khắc,… mà nó còn diễn ra dưới nhiều dạng thức/trường phái khác nhau, bao gồm Nghệ thuật sắp đặt (installation art), Nghệ thuật hình ảnh động (video art), Vẽ trên cơ thể người (body art) và Nghệ thuật trình diễn (performance art).
Trong bối cảnh đó, bảo tàng tạo ra không gian hoàn hảo nhất để khán giả thưởng thức nghệ thuật đương đại.
Nếu bạn đang lên kế hoạch “chạm ngõ” nghệ thuật đương đại trong hè này, 5 bảo tàng dưới đây là những cái tên nhất định phải có trong bản đồ khám phá của bạn.
1. Museum MACAN (Jakarta, Indonesia)
Lọt vào danh sách Top địa điểm tham quan tuyệt vời nhất thế giới do TIME bầu chọn năm 2018, Museum MACAN nhất định là một nơi nhất định phải ghé thăm trong hè này, nhất là với những du khách yêu thích nghệ thuật.
Phòng trưng bày của MACAN nổi bật với những tác phẩm đậm màu sắc địa phương. Nhờ vậy, du khách có thể thưởng thức nghệ thuật, văn hóa và cả nghệ sỹ của Indonesia.
Không chỉ giới hạn trong phạm vi địa phương, Museum MACAn còn trưng bày tác phẩm của những cái tên lớn trong giới nghệ sỹ thế giới như Yayoi Kusama của Nhật Bản, người nổi tiếng với phong cách táo bạo và lập dị.
Địa điểm: AKR Tower Level M, Kebon Jeruk, Jakarta 11530, Indonesia
Thời gian hoạt động: Mở cửa từ thứ Ba-Chủ nhật vào 10 giờ đến 18 giờ. Thứ Hai đóng cửa
Giá vé vào cửa: Dao động tùy vào các cuộc triển lãm được mở
2. Museum of Contemporary Art (Đài Loan, Trung Quốc)
Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Đài Bắc là bảo tàng nghệ thuật đầu tiên của Đài Loan (Trung Quốc) chuyên quảng bá nghệ thuật đương đại.
Từng được sử dụng làm trường tiểu học trong thời kỳ thuộc địa của Nhật Bản, Bảo tàng MOCA (tên gọi khác) vẫn giữ sắc đỏ chủ đạo cho tới ngày nay như một sự gợi nhớ tới giai đoạn thuộc địa này.
Được biết, bảo tàng do kiến trúc sư người Nhật Bản Kondo Juro thiết kế. Kể từ khi ra đời, MOCA Đài Bắc đi tiên phong trong lĩnh vực nghệ thuật tiến bộ ở Đài Loan và thể hiện sự kết hợp lý tưởng giữa nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật hiện đại cùng với công nghệ.
Đây cũng được xem là một trung tâm văn hóa-nghệ thuật quan trọng ở Đài Bắc.
Địa điểm: Số 39, Đường Tây Trường An, quận Đại Đồng, thành phố Đài Bắc, Đài Loan
Thời gian hoạt động: Mở cửa thứ Ba-Chủ nhật 10h đến 18h. Đóng cửa vào thứ Hai.
Giá vé vào cửa: NTD50. Miễn phí cho trẻ em dưới sáu tuổi
3. Mori Art Museum (Tokyo, Nhật Bản)
Được thành lập vào năm 2003, Bảo tàng nghệ thuật Mori được xem là điểm trung tâm của văn hóa-nghệ thuật Nhật Bản, đây cũng là trung tâm nghệ thuật đương đại quốc tế đầu tiên của Tokyo.
Bảo tàng ước tính có 1.066.088 lượt người tham quan mỗi năm, và nằm trong top 100 bảo tàng nổi tiếng nhất trên thế giới.
Cho tới nay, Mori Art Museum đã trưng bày và trở thành nơi trình diễn của nhiều nghệ sỹ danh tiếng Nhật Bản như Yayoi Kusama (2004) và Hiroshi Sugimoto (2005-2006). Ngoài ra, du khách đến bảo tàng cũng có thể tiếp cận với nhiều nghệ sỹ đương đại từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Bảo tàng Mori Art Museum cho phép bạn tham quan tới đêm khuya. Bạn có thể chọn đi thẳng đến đài quan sát nằm trên tầng 53 để thưởng ngoạn tầm nhìn toàn cảnh ra đường chân trời của Tokyo.
Địa điểm: Roppongi Hills Mori Tower, thành phố Minato, Roppongi, 6 Chome−10−1, Tokyo, Nhật Bản
Thời gian hoạt động: Mở cửa thứ Hai, thứ Tư-Chủ nhật, từ 10h đến 22h, thứ Ba 10h-17h.
Giá vé vào cửa: 1.800 yen (người lớn), 600 yen (trẻ em)
4. Bangkok CityCity Gallery (Bangkok, Thái Lan)
Được thành lập bởi Akapol Op Sudasna và Supamas Phahulo vào năm 2015, Bangkok CityCity Gallery là một khu phức hợp hòa trộn giữa phòng trưng bày, trung tâm thương mại, và bảo tàng nghệ thuật.
Cấu trúc của Bangkok CityCity Gallery gần như là một hình ảnh thu nhỏ của sự hiện đại, với những bức tường toàn màu trắng sạch sẽ và nội thất tối giản.
Các cuộc triển lãm của nghệ sỹ địa phương lẫn toàn cầu sẽ được sắp xếp trình diễn vào hàng tháng, vì vậy hãy ghé qua thường xuyên để không bỏ lỡ những bộ sưu tập độc đáo nhất.
Địa điểm: 13/3 Sathorn 1, South Sathorn Rd, Bangkok, Thailand 10120.
Thời gian hoạt động: Mở cửa Thứ Tư-Chủ nhật, từ 13h-19h. Đóng cửa thứ Hai, thứ Ba.
Giá vé vào cửa: Miễn phí
5. The Factory Contemporary Art Centre (Sài Gòn, Việt Nam)
Giữa lòng Sài Gòn, The Factory Contemporary Art Centre trở thành nơi trú ngụ của nhiều người trẻ, nghệ sỹ và cả giới mộ điệu của nghệ thuật đương đại Việt. The Factory ra đời nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của giới trẻ.
Cho đến nay, đây vẫn là trung tâm nghệ thuật đương đại đầu tiên và duy nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ở The Factory, người tham gia sẽ được thưởng thức đa dạng hình thức nghệ thuật khác nhau như tranh vẽ, tác phẩm điêu khắc, công trình nghệ thuật sắp đặt.
Địa điểm: số 15, đường Nguyễn Ư Dĩ, phường Thảo Điền, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh
Thời gian hoạt động: Mở cửa thứ Tư-Chủ nhật (từ 13h-19h). Đóng cửa thứ Hai, thứ Ba.
Giá vé vào cửa: 80.000đ/người
Học sinh/sinh viên (xuất trình thẻ): 40.000 đồng/người/lượt. Trẻ em dưới 12 tuổi: Miễn phí.
Theo Vietnam+