Văn hóa - Giải trí
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ - tác giả 'Khoảng trời, hố bom' qua đời
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã qua đời tại nhà riêng sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh mất trí nhớ. Bà có nhiều sáng tác nổi tiếng như “Khoảng trời, hố bom”, "Truyện cổ nước mình"...
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. (Ảnh: FB nhà văn Nguyễn Quang Lập) |
Vào lúc 5 giờ sáng ngày 6-7, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã qua đời tại nhà riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 75 tuổi. Bà mắc căn bệnh Alzheimer trong nhiều năm.
Trước thông tin này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, bày tỏ sự thương tiếc: “Từ mấy chục năm trước, tôi đã gọi chị là một thiên thần bay xuống trần gian bởi gương mặt chị đẹp và thánh thiện, bởi tâm hồn chị trong sáng vô ngần và bởi những câu thơ của chị luôn vang lên như những khúc ca của yêu thương, dịu dàng và mang một đẹp mong manh nhưng đầy lan toả.”
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhớ đến bài thơ nổi tiếng “Khoảng trời, hố bom” - sáng tác mang về giải Nhất Cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ cho Lâm Thị Mỹ Dạ ở tuổi 20, chính thức ghi dấu tên tuổi của bà trên thi đàn Việt Nam.
“Hình như chị xuống thế gian này chỉ để hiển hiện một gương mặt đẹp, một tâm hồn trong sáng và để vang lên những câu thơ của yêu thương và che chở. Ngay cả những câu thơ chị viết về những mất mát trong chiến tranh cũng vang lên vẻ đẹp ấy: Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em/ Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ/ Đất nước mình nhân hậu/ Có nước trời xoa dịu vết thương đau," nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trích dẫn bài thơ “Khoảng trời, hố bom.”
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949 tại Quảng Bình. Bà sống cùng chồng - nhà văn, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường tại Huế. Bà là hội viên Hội nhà văn Việt Nam năm 1978, từng học Trường viết văn Nguyễn Du; tham gia khóa đào tạo tại Học viện Gorki (Liên Xô cũ), Ủy viên Ban Chấp hành Hội nhà văn Việt Nam khóa III và IV.
Các tác phẩm chính gồm có: “Trái tim sinh nở” (thơ, 1974), “Bài thơ không năm tháng” (thơ, 1983), “Danh ca của đất” (truyện thiếu nhi, 1984), “Nai con và dòng suối” (truyện thiếu nhi, 1987), “Phần thưởng muôn đời” (truyện thiếu nhi, 1987), “Hái tuổi em đầy tay” (thơ, 1989), “Mẹ và con” (thơ, 1994), “Đề tặng một giấc mơ” (thơ, 1998), “Hồn đầy hoa cúc dại” (thơ, 2007).
Ngoài ra, bà còn có bài thơ “Truyện cổ nước minh” (1979) được đưa vào chương trình Ngữ văn tiểu học, được nhiều thế hệ học sinh thuộc lòng.
Bà từng giành giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1971-1973; Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ “Bài thơ không năm tháng”; Giải A của Ủy ban toàn quốc các Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1999; Giải A tại Giải thưởng văn học Nghệ thuật Cố đô (1998-2004) của Ủy ban Nhân dân và Hội Liên hiệp hiệp Văn học nghệ thuật Thừa Thiên-Huế.
Năm 2007, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với 3 tập thơ: “Trái tim sinh nở”, “Bài thơ không năm tháng”, “Đề tặng một giấc mơ”. Năm 2005, tập thơ “Cốm non” (Green rice) của bà được dịch sang tiếng Anh, in và phát hành tại Mỹ.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từng tâm sự về hành trình sáng tạo: “Ngày xưa khi còn rất trẻ, chỉ cần gọi một tiếng là tôi có thể lao vào nơi nguy hiểm, đó là vùng đất rất ác liệt, con đường loang lổ vết đạn bom... Tôi đã sống với những thực tế mà chính nó đã là bài thơ hùng tráng mà không cần phải lao động, sáng tạo nhiều. Còn bây giờ khi đã thành một người vợ, người mẹ, người làm thơ thì tôi không còn sống cho riêng thơ được nữa. Làm vợ, làm mẹ đã khó mà làm thơ lại càng khó hơn. Cái khổ của người làm vợ, làm mẹ là cái khổ của thân xác đồng hành cùng hạnh phúc, là cái khổ, niềm hạnh phúc có thể chia sẻ được. Còn cái khổ cũng như hạnh phúc của người làm thơ là mình tự biết mình, không ai chia, không ai gánh...”.
Bài thơ "Khoảng trời, hố bom" Chuyện kể rằng: Em, cô gái mở đường |
Theo Vietnam+