Đà Nẵng cuối tuần
Đức Thầy và cây Thầy - Thím
Theo truyền thuyết ông Đức Thầy (được nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn sưu tầm), ở huyện Hà Đông xưa (nay thuộc thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) có một nông dân nghèo khó, được một đạo sĩ tới dạy pháp thuật để làm việc nhân nghĩa, cứu giúp người nghèo, kẻ khó.
Mộ Giày thầy Lánh ở phường Hòa Hương, Tam Kỳ, Quảng Nam (ảnh trái) và Dinh Thầy - Thím ở Hàm Tân, Bình Thuận. Ảnh: V.T |
Với tài đức hơn người, ông Đức Thầy (dân chúng huyện Hà Đông và khắp chốn xa gần kính cẩn gọi người nông dân như vậy) đã không ngừng ra tay nghĩa hiệp. Tất cả những kẻ trọc phú, những tên cường hào ác bá đều run sợ. Bởi, Đức Thầy bất ngờ đến nhà chúng, điềm đạm yêu cầu nạp tiền, nạp thóc, rồi thật ung dung mang đi. Những của cải lấy được, ông đem chia cho những người cơ hàn, tàn tật.
Có lần, ông vào tận kho bạc của Tổng đốc Quảng Nam để lấy tiền cho dân đóng thuế. Lần khác, thấy dân làng loay hoay mãi mà không đủ tiền xây đình, ông bèn dùng pháp thuật cao cường, chỉ nội trong đêm, dời cái đình rất to của làng Tam Thăng về làng mình. Kỳ lạ thay, chung quanh cái đình mới dời này còn có cả những giàn bầu, giàn bí tươi tốt bao bọc. Đến nước này, những chủ nhân của đình cũ cũng phải chấp nhận “chuyện đã rồi”, và... ngậm bồ hòn làm ngọt!
Được truyền tụng nhiều nhất trong dân gian phải kể đến chuyện Đức Thầy vượt đèo Hải Vân ra kinh đô Huế. Lúc này, các quan triều đình nghe “tin dữ” đó đều phập phồng âu lo. Một viên quan tư đồ được giao nhiệm vụ tìm hiểu ông. Khi thấy Đức Thầy đang ung dung ngồi vẽ một con rồng trên giấy điều khổ lớn nhưng lại không điểm nhãn cho mắt rồng (vẽ mắt mà chưa vẽ con ngươi), viên tư đồ thách ông vẽ rồng bay. Ông cười mà rằng: “Vẽ rồng bay có gì là khó. Vẽ rồng mà cưỡi cả rồng bay cũng còn được nữa thay!”. Nói là làm, Đức Thầy cầm bút vẽ, điểm nhãn vào con rồng trong tranh. Lập tức, rồng vụt bay lên cùng ông, lượn trên chốn hậu cung. Nghe nói, sau đó, khi kiểm kê lại, các quan cấp báo với vua Tự Đức: Kho báu trong Tử cấm thành đã mất một số lớn vàng bạc, châu báu. Quá tức tối, nhà vua ra lệnh truy bắt nhưng Đức Thầy vẫn ung dung vượt đèo Hải Vân, về lại làng xưa.
Cũng ca ngợi Đức Thầy, song ở Bình Thuận lại có một truyền thuyết khác với nhiều chi tiết ly kỳ không kém: Ngày xưa, có vợ chồng đạo sĩ giàu lòng nhân ái, võ thuật hơn người, được dân làng Tam Tân mến mộ, tha thiết gọi là Thầy - Thím (thầy và vợ thầy). Thầy sinh ra ở Quảng Nam vào những năm đầu của triều Gia Long.
Một lần, trong ngày hội đầu năm, dân làng mơ ước có ngôi đình khang trang để thờ phụng Thành hoàng. Như cảm thông với nỗi khát khao của những tấm lòng thành với thần linh, một đêm nọ, trời nổi gió mưa dữ dội, chớp giật rung chuyển cả một vùng như báo trước một điều lạ. Quả nhiên, khi trời yên đất lặng, mọi người thấy một ngôi đình mới tọa lạc ngay giữa làng. Còn ngôi đình cũ dột nát trước đây không còn nữa.
Niềm vui của dân làng chưa trọn thì làng bên trống giục liên hồi, cấp báo về triều đình tố cáo Thầy dùng phép đánh cắp đình, âm mưu gây loạn. Thế là Thầy bị nhà vua nghiêm trị ở mức cao nhất: tử hình. Song, cảm thông trước khí khái quân tử, vua gia ân cho Thầy được chọn một trong ba hình thức gọi là “tam ban triều điển”: Dùng kiếm tự sát, uống rượu độc tự vẫn, hoặc thắt lụa trắng treo cổ tự tử. Thầy chọn hình thức sau cùng.
Tấm lụa trắng khi đến tay Thầy bỗng trở nên có sức sống kỳ lạ. Khi Thầy múa xong một bài cũng là lúc lụa biến thành rồng, nâng Thầy và Thím bay bổng lên không trung trước nỗi kinh ngạc của vua quan và dân chúng. Khi bay qua quê mình, Thầy cố tình làm rơi chiếc giày như một lời nhắn thưa từ biệt, rồi lụa rồng bay về phương Nam. Từ đó, Thầy - Thím đến cư ngụ tại làng Tam Tân, một làng quê ven biển, nay thuộc xã Tân Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Từ đó, dưới lớp áo của một đôi vợ chồng nghèo xa quê, Thầy - Thím lại có thêm công đức: bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Không dừng lại ở đó, Thầy còn cảm hóa được thú dữ, giúp dân địa phương tránh những tai họa hãi hùng. Thầy - Thím qua đời vào một ngày cuối thu, hai ngôi mộ bằng cát trắng phau, tương truyền được thú dữ vun đắp thành. Hằng năm, cứ đến ngày mùng 5 tháng Giêng, có đôi Bạch - Hắc Hổ thường xuyên về tảo mộ, phủ phục gần đó mấy ngày để canh giữ cho song mộ.
Sau khi Thầy và Thím mất, hàng chục cây thuốc họ dùng chữa bệnh được người dân tin dùng và gọi chung là “cây Thầy - Thím”. Để tỏ lòng ngưỡng mộ công đức của Thầy - Thím, nhân dân địa phương chung sức lập đền thờ ở khu vừng Bàu Cái. Hằng năm, vào tháng 9 âm lịch, Lễ hội viếng Dinh Thầy - Thím được tổ chức tại xã Tân Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Đây là một trong số ít những lễ hội ở phía Nam được đưa vào Từ điển Lễ hội Việt Nam. Còn tại phường Hòa Hương, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, từ lâu đã tồn tại ngôi Mộ Giày thầy Lánh, tương truyền thờ chiếc giày đánh rơi của Đức Thầy trên đường vào Bình Thuận lánh nạn.
Rõ ràng, dù đã rời cõi trần thế, những người Quảng tài hoa và giàu lòng nghĩa hiệp một thời vẫn luôn được người đời trân trọng nhắc đến với tấm lòng biết ơn sâu nặng mà “cây Thầy - Thím” là một trong số đó!
VÂN TRÌNH