Văn hóa - Giải trí

Bồi đắp ý chí cách mạng cho thế hệ trẻ

08:38, 26/08/2023 (GMT+7)

Kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945 - 19-8-2023), Quốc khánh 2-9 và 165 năm Đà Nẵng kháng Pháp (1858-2023), các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố tổ chức nhiều hoạt động giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trên địa bàn. Với hình thức tổ chức đa dạng, cách tiếp cận lịch sử mới mẻ, các hoạt động không chỉ tạo ra sân chơi bổ ích, ý nghĩa, mà còn góp phần giúp các bạn trẻ có thêm hiểu biết về truyền thống dân tộc, bồi đắp lý tưởng cách mạng của cha ông đi trước.

Tiết mục văn nghệ trong hoạt động thi tuyên truyền các ca khúc cách mạng tại hội trại tiếp lửa truyền thống năm 2023 do Huyện Đoàn Hòa Vang tổ chức. Ảnh: PV
Tiết mục văn nghệ trong hoạt động thi tuyên truyền các ca khúc cách mạng tại hội trại tiếp lửa truyền thống năm 2023 do Huyện Đoàn Hòa Vang tổ chức. Ảnh: PV

Hằng năm, vào những ngày tháng Tám lịch sử, các tổ chức Đoàn trên địa bàn thành phố lại tổ chức nhiều hoạt động, sân chơi cho đoàn viên, thanh niên vui chơi, tìm hiểu truyền thống, bồi đắp lý tưởng cách mạng. Từ đầu tháng 8, Huyện Đoàn Hòa Vang đã tổ chức hội trại tiếp lửa truyền thống năm 2023 thu hút gần 1.000 đoàn viên, thanh niên các xã Hòa Châu, Hòa Tiến và Hòa Phước tham gia. Trong khuôn khổ hội trại diễn ra nhiều hoạt động như: thi dân vũ, nhảy flashmob và hiện đại; thi tuyên truyền các ca khúc cách mạng; hành quân trò chơi lớn và các trò chơi nhỏ.

Em Nguyễn Ngọc Ánh, đoàn viên xã Hòa Tiến cho biết, điểm đặc biệt của hội trại năm nay là các tiểu trại được đặt theo tên của những anh hùng liệt sĩ, như: Trần Thị Lý, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Kim Đồng… Những tên gọi này tạo cho đoàn viên, thanh niên niềm tự hào dân tộc, khí thế thi đua sôi nổi và quyết tâm giành chiến thắng trong các phần thi. Mặt khác, điều này cũng thôi thúc các em tìm hiểu về lịch sử, những anh hùng đã hy sinh xương máu để có được độc lập hôm nay. “Ngoài ôn lại lịch sử, truyền thống, hội trại còn tạo sân chơi cho chúng em giao lưu, rèn luyện các kỹ năng. Qua đó, phát huy sức trẻ vào xây dựng thành phố, đất nước ngày càng giàu mạnh”, em Ánh chia sẻ.

Trong hai ngày 19 và 20-8, Quận Đoàn Liên Chiểu cũng phối hợp Hội Cựu chiến binh quận tổ chức hội trại truyền thống tiếp bước cha anh lần thứ 10 năm 2023 với chủ đề “Hào khí Cách mạng Tháng Tám”. Năm nay, hội trại có 8 nội dung sôi động, hấp dẫn, thu hút hơn 2.000 đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tham gia. Trong đó, nổi bật là hoạt động hành quân trò chơi lớn với việc các trại viên hành quân theo đội hình đến những địa điểm tổ chức trong thời gian từ 3-6 giờ sáng. Các trại viên được trải nghiệm và hiểu được những gian nan, vất vả trong quá trình hành quân của người lính; đồng thời, kết hợp tham gia một số trò chơi liên quan đến lịch sử, cách mạng.

Bí thư Quận Đoàn Liên Chiểu Huỳnh Thanh Bình chia sẻ, chủ đề của hội trại chính là niềm tự hào của thế hệ trẻ hôm nay về những ngày tháng Tám lịch sử của dân tộc. Đây còn là dịp để giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc Việt Nam, tạo ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần đoàn kết cho thế hệ trẻ quận nhà. Từ đó, các đoàn viên, thanh niên phát huy trách nhiệm của mình đối với đất nước, sự nghiệp cách mạng mà cha anh đã tạo dựng nên để tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 2023, tròn 165 năm Đà Nẵng kháng Pháp, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố tổ chức hàng loạt hoạt động giáo dục truyền thống, tri ân công lao của các anh hùng nghĩa sĩ trong buổi đầu chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha. Mở đầu cho chuỗi các hoạt động này là cuộc thi team building “Chân trần, chí thép” do Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp các quận, huyện Đoàn tổ chức.

Trưởng phòng Giáo dục - Truyền thông (Bảo tàng Đà Nẵng) Phan Thị Xuân Mai cho biết, với hình thức team building, cuộc thi mang đến cách tiếp cận lịch sử và văn hóa mới cho giới trẻ. Địa điểm tổ chức các cuộc thi là những di tích có liên quan đến sự kiện Đà Nẵng kháng Pháp. 7 đội đến từ 7 quận, huyện phải vận dụng kỹ năng làm việc tập thể, giao tiếp, nghe và xử lý tình huống, giải mật thư, phản xạ nhanh nhạy trong các trò chơi vận động, trí tuệ để tìm cách di chuyển đến các trạm dừng. Nội dung các mật thư, trò chơi vận động, trí tuệ đều tích hợp kiến thức giai đoạn 1858-1860. Vì vậy, các đội thi phải tìm hiểu kỹ những tài liệu về cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha của quân và dân Đà Nẵng để giành chiến thắng. Ngoài ra, trong khuôn khổ sự kiện còn có cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc chân trần, chí thép” với những giải thưởng hấp dẫn, mang lại không khí sôi động, tươi vui cho các đội thi.

Cũng theo bà Mai, liên quan đến kỷ niệm 165 năm Đà Nẵng kháng Pháp, từ nay đến cuối tháng 9-2023, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức các hoạt động như: tọa đàm khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ (1858 - 1860)” diễn ra ngày 30-8 tại Thành Điện Hải; triển lãm “Đà Nẵng buổi đầu kháng Pháp - Tây Ban Nha - Di sản còn lại với thời gian” diễn ra ngày 31-8 tại Nghĩa trủng Hòa Vang (quận Cẩm Lệ); chương trình “Em yêu lịch sử” với chủ đề “Khát vọng non sông: Danh tướng Nguyễn Tri Phương” diễn ra ngày 22-9 tại Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương (quận Sơn Trà). Ngoài ra, trong tháng 9-2023, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ phối hợp các trường học trên địa bàn thành phố thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục chuyên đề “Đà Nẵng mở đầu mặt trận chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha” như: giờ học ngoại khóa, ngược dòng ký ức, tham quan chuyên đề và xem phim tư liệu “Sóng cửa Hàn”. Qua đó, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về truyền thống yêu nước, cội nguồn dân tộc, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lập tự cường cho lứa tuổi học sinh.

THIÊN DUYÊN

.