Văn hóa - Giải trí

Đưa văn hóa Chăm đến gần công chúng

13:50, 11/11/2023 (GMT+7)

Những ngày đầu tháng 11, nhiều khách đến tham quan Bảo tàng điêu khắc Chăm không khỏi bất ngờ khi nơi đây có thêm một không gian mới giới thiệu về văn hóa Chăm. Không gian này không trưng bày những đài thờ hay tượng Chăm cổ, mà thay vào đó sẽ giúp công chúng tìm hiểu những nét cơ bản nhất trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Chăm ở nước ta.

Du khách nước ngoài tham quan chuyên đề trang phục tại không gian văn hóa Chăm của Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Ảnh: XUÂN DŨNG
Du khách nước ngoài tham quan chuyên đề trang phục tại không gian văn hóa Chăm của Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Ảnh: XUÂN DŨNG

Ý tưởng mở không gian văn hóa Chăm đã được Bảo tàng điêu khắc Chăm thai nghén từ vài năm trước, song do ảnh hưởng Covid-19, đến nay, đơn vị mới có điều kiện triển khai thực hiện. Tuy nhiên, có lẽ vì vậy nên bảo tàng có đủ thời gian nghiên cứu, cải tạo không gian (tầng 2) và bố trí hiện vật, tuyến tham gian rất khoa học. Anh Võ Hoài Nam, cán bộ phòng Sưu tầm, Bảo quản và Trưng bày (Bảo tàng điêu khắc Chăm), cho biết hiện nay không gian văn hóa Chăm ở bảo tàng có khoảng 150 hiện vật, được trưng bày theo 6 chuyên đề, gồm: đời sống sinh hoạt - tôn giáo tín ngưỡng, chữ viết, trang phục, nhạc cụ, lễ hội và làng nghề truyền thống.

Các hiện vật được bảo tàng sưu tầm từ nhiều năm nay ở các địa phương: Ninh Thuận, Bình Thuận và An Giang. Trong đó, nhiều hiện vật có tuổi đời gần 100 năm và vẫn được người Chăm ngày nay sử dụng. Ngoài ra, bảo tàng còn phục dựng các mô hình nhà ở, đền tháp, không gian tín ngưỡng theo phong cách của người Chăm, giúp công chúng có cái nhìn toàn diện về đời sống văn hóa, phong tục tập quán và lao động sản xuất của các tộc người Chăm từ xa xưa đến nay.

Người Chăm ở nước ta theo 3 nhóm tôn giáo chính, gồm: Chăm Bàlamôn, Chăm Bàni và Chăm Islam. Vì vậy, không gian này tập trung trưng bày, giới thiệu các hiện vật cơ bản nhất của 3 nhóm người này. Điểm nhấn của không gian là hai chuyên đề trang phục và lễ hội truyền thống của người Chăm đa dạng hiện vật và màu sắc. Anh Nam cho biết, trang phục của người Chăm thể hiện các giá trị thẩm mỹ, tính nghệ thuật và vị thế, vai trò của mỗi cá nhân. Trang phục của người Chăm thường phân biệt giữa chức sắc và dân thường.

Trong đó, trang phục chức sắc thường lấy màu trắng làm chủ đạo, nam mặc áo dài và váy trắng, đầu quấn khăn trắng tua đỏ; nữ mặc áo dài trắng, khăn đội đầu trăng và váy thổ cẩm. Trang phục dân thường đơn giản hơn và sử dụng màu tùy thích. Còn với lễ hội, bảo tàng đang giới thiệu 3 lễ hội lớn nhất của người Chăm, gồm: Katê, Rija và Ramâwan. Với mỗi lễ hội, bảo tàng đều tái hiện không gian tín ngưỡng, các vật dụng phục vụ lễ theo đúng phong cách bài trí của người Chăm.

“Người Chăm có hệ thống lễ hội trong một năm dày đặc và đồ sộ. Đây không chỉ là nơi truyền tải niềm tin, khát vọng, mà còn là không gian giữ gìn và phát huy các loại hình văn hóa khác của người Chăm như: văn chương, âm nhạc, nghệ thuật, ẩm thực”, anh Nam cho hay.

Vừa mới mở cửa hơn 1 tuần nay song lượng khách tham quan không gian trưng bày văn hóa Chăm tương đối tấp nập. Qua ghi nhận của bảo tàng, mỗi ngày có khoảng 300 khách đến tham quan không gian, trong đó đa phần là khách quốc tế.

Ông Andrew LeBron (du khách người Úc) chia sẻ: “Tôi khá ấn tượng với không gian văn hóa Chăm tại Bảo tàng điêu khắc Chăm. Nơi đây rất sinh động, nhiều màu sắc, mang đến cho một trải nghiệm hoàn toàn mới. Nếu như ở tầng một, chúng tôi được ngắm nhìn các bức tượng thật đẹp, quý giá thì tại không gian này, chúng tôi lại có cái nhìn đầy đủ hơn về cuộc sống của những con người đã làm ra các bức tượng ấy. Một điểm cộng khác là ở mỗi khu vực trưng bày hiện vật, bảo tàng bố trí pano giới thiệu bằng tiếng Việt, tiếng Anh và hình ảnh minh họa người Chăm sử dụng các hiện vật để khách tham quan dễ hình dung”.

Theo Phó Giám đốc Bảo tàng điêu khắc Chăm Trần Đình Hà, lâu nay, người dân, du khách đến với bảo tàng đa phần chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc, kiến trúc Chăm, tìm hiểu về niên đại, lịch sử cũng như sự quý giá của các bức tượng, hiện vật. Tuy nhiên, với một số người có thể điều này còn khá đơn điệu. Vì vậy, bảo tàng mở ra không gian này nhằm tạo thêm sự đa dạng, sinh động, thu hút khách tham quan đến với bảo tàng.

Đặc biệt, qua không gian giúp công chúng có cái nhìn đầy đủ, bao quát hơn về các tộc người, đời sống, văn hóa Chăm. Dù đã mở cửa phục vụ khách, song không gian văn hóa Chăm chỉ mới hoàn thiện trên 90%, bảo tàng vẫn còn đang hoàn thiện một số hạng mục phụ trợ. Dự kiến, tất cả sẽ được hoàn tất trước ngày 23-11 để bảo tàng tổ chức lễ khánh thành nhân kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11).

Ngoài ra, bảo tàng cũng đang thực hiện công tác đưa hệ thống thuyết minh tự động bằng tiếng Việt và tiếng Anh qua mã QR vào không gian văn hóa Chăm để phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân, du khách. “Thời gian tới, bảo tàng tiếp tục sưu tầm, bổ sung các hiện vật cho không văn hóa Chăm. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, lan tỏa hiểu biết về văn hóa Chăm đến đông đảo công chúng trong và ngoài thành phố”, ông Hà cho hay.

X.DŨNG

.