Văn hóa - Giải trí

Bảo đảm thiết chế văn hóa phục vụ nhân dân

11:40, 30/12/2023 (GMT+7)

Hệ thống thiết chế văn hóa từ thành phố đến phường, xã từng bước được quy hoạch, nâng cấp, đầu tư, xây dựng trong thời gian qua. Hoạt động của các thiết chế từng bước được cải thiện, ngày càng thu hút người dân đến vui chơi, tập luyện, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần người dân.

Công viên APEC ngày càng thu hút người dân đến vui chơi, thưởng thức nghệ thuật. Ảnh: X.D
Công viên APEC ngày càng thu hút người dân đến vui chơi, thưởng thức nghệ thuật. Ảnh: X.D

Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở

Theo Sở Văn hóa và Thể thao, tính đến nay, các quận, huyện hình thành Trung tâm Văn hóa - Thể thao mức độ hoàn thành cơ sở vật chất của các trung tâm văn hóa - thể thao quận, huyện ước đạt gần 80%. Tại cấp phường, xã, toàn thành phố đang có 40 nhà văn hóa, 41 khu thể thao/sân vận động, 16 khu vui chơi giải trí, 33 công viên, vườn dạo; riêng huyện Hòa Vang đang có 119 nhà văn hóa - khu thể thao thôn đạt chuẩn trên tổng số 113 thôn của huyện (chiếm tỷ lệ 105%), được xây dựng kiên cố, khang trang, có cơ sở vật chất và trang thiết bị tương đối tốt.

Thời gian qua, các trung tâm văn hóa - thể thao quận, huyện, phường, xã đã chủ động triển khai tổ chức tốt các hoạt động nghiệp vụ và hoạt động tại chỗ. Đặc biệt, thường xuyên tổ chức các lớp học năng khiếu, hoạt động CLB ở địa phương, từng bước đáp ứng nhu cầu và bắt kịp với những thay đổi thị hiếu của xã hội; các bể bơi tại 5/7 trung tâm văn hóa - thể thao quận, huyện khai thác hiệu quả, thu hút đông đảo học sinh và người dân trên địa bàn tham gia tập luyện, bơi lội. Qua đó, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, vui chơi giải trí của nhân dân địa phương và nhu cầu tập luyện, thi đấu của các đơn vị trên địa bàn.

Trong năm 2023, các quận, huyện tiếp tục triển khai thực hiện đề án “Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn thành phố đến năm 2025”. Trong đó, quận Hải Châu xây dựng mới và cải tạo 7 công trình với tổng kinh phí hơn 5,2 tỷ đồng; quận Cẩm Lệ đầu tư Trung tâm Văn hóa-Thể thao phường Hòa Xuân (giai đoạn 2) với số tiền gần 1,2 tỷ đồng, mở rộng nâng cấp nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư số 13 phường Hòa Thọ Đông với số tiền hơn 1 tỷ đồng…; quận Sơn Trà đang quy hoạch địa điểm và bố trí kế hoạch vốn để đầu tư hoàn thiện mạng lưới thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở tại các phường.

Đặc biệt, quận đang khẩn trương triển khai hoàn thiện Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật quận Sơn Trà, đồng thời nghiên cứu xây dựng nhà trưng bày tre Việt trong khu vực quy hoạch công viên chuyên đề kết hợp Trung tâm Hành chính quận. Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Nguyễn Hoàng Việt chia sẻ: “Ý tưởng của quận là phần lớn diện tích công viên được trồng cây xanh, mật độ xây dựng chỉ khoảng 2-3%, trong đó có xây dựng nhà trưng bày tre Việt. Sau khi hoàn thành xây dựng đề án nhà trưng bày tre Việt và được phê duyệt, quận sẽ tổ chức một cuộc thi về phương án kiến trúc nhà trưng bày này nhằm có phương án thiết kế tốt nhất để đầu tư xây dựng”.

Đầu tư các công trình văn hóa cấp thành phố

Những năm qua, các thiết chế văn hóa cấp thành phố đều được sự quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp, đáp ứng phần nào nhu cầu hoạt động, hưởng thụ văn hóa của người dân thành phố và du khách. Các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố được quan tâm đầu tư tôn tạo, tu bổ, thỏa mãn nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân. Về thiết chế công cộng, hiện Đà Nẵng đang có các công viên cấp thành phố như: công viên 29-3, công viên Thanh Niên, công viên Biển Đông… Trong đó, cuối tháng 7, công viên 29-3 được HĐND thành phố thống nhất đầu tư nâng cấp, cải tạo với kinh phí hơn 673 tỷ đồng, nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng nhiệt tình của người dân.

Mới đây, thành phố cũng thông báo các cá nhân, đơn vị trong và ngoài nước tham gia cuộc thi phương án quy hoạch kiến trúc quảng trường, bảo tàng dọc trục Trung tâm Hành chính thành phố, đường Bạch Đằng, Trần Phú và một số trụ sở hành chính liên quan. Trong đó, quảng trường trung tâm có phạm vi quy hoạch hơn 16ha với tổng kinh phí dự kiến trên 1.000 tỷ đồng. Đây là quảng trường với tính chất là không gian lịch sử, văn hóa, nơi ghi nhận dấu ấn của người Đà Nẵng đại diện cho nhân dân cả nước đi đầu trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm; đồng thời kỳ vọng là địa chỉ giáo dục lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phạm Tấn Xử, nhìn chung các thiết chế văn hóa-thể thao cấp thành phố đã thực hiện đầy đủ chức năng hoạt động, khai thác và phát huy công năng sử dụng. Một số hạng mục chưa khai thác hết công suất đã được UBND thành phố phê duyệt đề án cho thuê như: cà phê sách thư viện, tầng hầm, tiền sảnh Nhà hát Trưng Vương…

Thời gian tới, mục tiêu đề ra là tập trung nguồn lực để đầu tư Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố; đầu tư và hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Nhà Văn hóa thiếu nhi; đầu tư, cải tạo, nâng cấp Nhà Văn hóa Lao động; trùng tu, tôn tạo di tích thành Điện Hải (giai đoạn 2); dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng; mở rộng Nghĩa trủng Phước Ninh… Đặc biệt, tìm kiếm địa điểm để xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án như: Nhà hát lớn thành phố, Bảo tàng tranh “trận chiến 1858-1860”, Trường quay Đà Nẵng. “Ngoài ra, các quận, huyện tích cực bố trí nguồn lực để thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở, bảo đảm trang thiết bị đồng bộ, hoàn chỉnh, gắn với nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, vui chơi giải trí của nhân dân địa phương”, ông Xử cho hay.

KHÔI NGUYÊN

.