Trước, trong và sau Tết Giáp Thìn 2024, trên địa bàn thành phố diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ người dân, du khách. Bên cạnh những hoạt động do đơn vị cấp thành phố thực hiện, các quận, huyện cũng chủ động tổ chức nhiều lễ hội hấp dẫn, góp phần mang không khí tươi vui cho nhân dân trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Giải đua thuyền trên sông Túy Loan là hoạt động được đón chờ nhất trong khuôn khổ lễ hội đình làng Túy Loan hằng năm. Ảnh: KHÔI NGUYÊN |
Các hoạt động chào đón Tết Giáp Thìn 2024 trên địa bàn thành phố diễn ra từ ngày 26-1 đến khoảng giữa tháng 2-2024 với quy mô và hình thức đa dạng, trải đều tại khắp các địa phương.
Mở đầu là lễ hội Tết Việt Giáp Thìn 2024, diễn ra tại Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang theo trục đường Quảng Xương đến phố đêm Túy Loan từ ngày 26 đến hết 29-1. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân cho biết, lễ hội năm nay có gần 20 hoạt động do huyện, 11 xã và các đơn vị khác cùng tham gia. Trong lễ hội, 11 xã trên địa bàn sẽ dàn dựng mô hình không gian Tết xưa, tái hiện không gian phiên chợ Tết xưa với gian hàng như cửa hàng mậu dịch, gian hàng áo dài, gian hàng chợ hoa.
Bên cạnh đó, mỗi xã chọn 1 ông đồ mặc trang phục truyền thống để thi viết và biểu diễn viết thư pháp, tặng chữ cho người dân; thi trình bày mâm cỗ ngày Tết, nấu bánh chưng, bánh tét, diễu hành xe đạp hoa và tham gia các trò chơi dân gian... Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội, các đơn vị, trường học, CLB văn nghệ, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn mang đến lễ hội các hoạt động hấp dẫn như không gian hô hát bài chòi, hội thi trình diễn trang phục ngày Tết, tìm kiếm tài năng nghệ thuật, nhảy tiktok cover và các không gian ẩm thực, hoa xuân, trưng bày sản phẩm đặc trưng của địa phương.
“Các hoạt động năm nay có nội dung và hình thức đa dạng, phong phú nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống, thu hút du khách, người dân đến với Hòa Vang. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân, du khách, nhất là thế hệ trẻ có cơ hội trải nghiệm các hoạt động vui Xuân, đón Tết, góp phần lưu giữ và phát huy những phong tục ngày Tết cổ truyền của dân tộc”, ông Tân chia sẻ.
Tại quận Sơn Trà, ngoài các chương trình văn hóa, văn nghệ phục vụ nhân dân dịp Tết, từ ngày 2 đến 17-2 (nhằm 23 tháng Chạp đến 8 tháng Giêng), tại bờ đông chân cầu Sông Hàn còn diễn ra lễ hội văn hóa ẩm thực Tết Quảng Đà với nhiều hoạt động hấp dẫn.
Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Sơn Trà Võ Thị Phương, lễ hội có 50 gian hàng giới thiệu chuyên sâu giá trị đặc thù của nguồn nguyên liệu thủy hải sản độc đáo biển khơi và rừng núi của bán đảo Sơn Trà. Đây cũng là hoạt động mang tính bản lề để quận tổ chức các sự kiện ẩm thực du lịch thường niên, góp phần quảng bá, nâng tầm các món ăn địa phương. Cùng với đó, lễ hội còn có các chương trình nghệ thuật, giải trí, triển lãm; biểu diễn ẩm thực, trò chơi dân gian, biểu diễn ảo thuật, khu vui chơi cho trẻ em.
“Đến với lễ hội, người dân, du khách có cơ hội thưởng thức, trải nghiệm khoảng 30 món ăn ngày Tết ngon, được lựa chọn từ Đà Nẵng và Quảng Nam, giao lưu với các đầu bếp chuyên nghiệp. Đồng thời, tham gia các hoạt động nấu bánh chưng, bánh tét để giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn”, bà Phương cho hay.
Lễ hội đình làng Túy Loan năm 2024 được tổ chức vào ngày 18 và 19-2 với nhiều hoạt động lễ và hội hấp dẫn. Ảnh: X.D |
Trong khi đó, quận Thanh Khê dự kiến tổ chức hội hoa Xuân 2024 liên tục trong 10 ngày (từ ngày 8 đến hết 18-2-2024) tại Công viên 29-3 với khoảng 20 chương trình nghệ thuật biểu diễn liên tục và các hội thi nhảy dân vũ, vẽ tranh thiếu nhi, biểu diễn cờ người, trò chơi dân gian. Quận Liên Chiểu tổ chức lễ hội truyền thống, hô hát bài chòi tại phường Hòa Hiệp Nam và Hòa Minh; lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Cu Đê vào ngày 9 tháng Giêng. Quận Hải Châu tổ chức gần 10 hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao trong dịp Tết Giáp Thìn 2024 như chương trình thiếu nhi “Vũ điệu chào Xuân 2024”, hội thi cắm hoa và kết mâm bánh - ngũ quả truyền thống, triển lãm tranh Tết, giải cờ vua - cờ tướng mừng Đảng - mừng Xuân…
Nhắc đến lễ hội đầu năm, không thể không nhắc đến các lễ hội đình làng ở các phường, xã trên địa bàn thành phố. Trong đó, có một số lễ hội nổi tiếng, được địa phương tổ chức sớm, ngay sau Tết Giáp Thìn 2024 như lễ hội đình làng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) diễn ra ngày 18 và 19-2 (nhằm ngày 9 và 10 tháng Giêng); lễ hội đình làng Hòa Mỹ và Hòa Phú (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu); lễ hội cầu ngư tại quận Thanh Khê và quận Sơn Trà...
Theo Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao Lê Thị Thu Trang, dịp đầu năm, trên địa bàn thành phố sẽ diễn ra khoảng 10 lễ hội văn hóa truyền thống với quy mô khác nhau, chủ yếu là lễ hội đình làng. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, sở tăng cường công tác quản lý lễ hội theo quy định, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh và phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương. Qua đó, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, tạo không khí vui tươi, món ăn tinh thần chất lượng cho công chúng trong dịp Tết đến, Xuân về.
Bắn pháo hoa tại 3 địa điểm trong đêm giao thừa UBND thành phố vừa ban hành kế hoạch tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Giáp Thìn 2024 tại 3 địa điểm trên địa bàn quận Hải Châu, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang. Thời gian bắn pháo hoa trong vòng 15 phút, vào lúc 0 giờ ngày 10-2 ở 3 điểm, gồm: điểm 1 tại đường Bạch Đằng (đoạn giao nhau giữa đường Bạch Đằng và Bình Minh 6); điểm 2 tại khu vực trước Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu; điểm 3 tại khu Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang. Năm nay, thành phố bắn gần 2.000 quả pháo tầm cao, tầm thấp 120 giàn; bắn theo phương pháp trình diễn pháo hoa nghệ thuật (không nhạc nền), sử dụng hệ thống bắn pháo hoa FireOne và hệ thống bán tự động bắn pháo hoa L100S. |
KHÔI NGUYÊN