Văn hóa - Giải trí
Làm gì để nâng tầm lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn?
Gắn kết lễ hội Quán Thế Âm với di sản văn hóa trong phát triển du lịch tâm linh, phát huy lễ hội trong bối cảnh hiện nay, phát triển lễ hội xứng tầm di sản văn hóa phi vật thể quốc gia… là những vấn đề được các chuyên gia, nhà nghiên cứu tập trung trao đổi tại tọa đàm “Giải pháp nâng tầm lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức chiều 27-3.
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu thảo luận tại tọa đàm. Ảnh: X.D |
Kết nối lễ hội với di sản văn hóa
Lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức lần đầu tiên năm 1956, nhân dịp khánh thành chùa Quán Thế Âm. Từ đó đến nay, lễ hội được tổ chức quy mô, phong phú cả về nội dung lẫn hình thức, thu hút sự tham gia của hàng vạn Phật tử, người dân và du khách.
Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đinh Thị Trang, cho rằng quận Ngũ Hành Sơn có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để gắn kết lễ hội Quán Thế Âm với hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn quận trong việc phát triển du lịch tâm linh. Nơi đây có hệ thống ma nhai - di sản tư liệu thế giới, làng nghề điêu khắc đá Non nước; Khu căn cứ cách mạng K20 và hệ thống các chùa, đình làng, nhà thờ tộc đa dạng. Khi đến tham dự lễ hội, du khách sẽ tiến hành các hoạt động song song như: tham quan di tích lịch sử - văn hóa của địa phương, cúng tế, chiêm bái… “Ngành văn hóa và chính quyền địa phương có thể nghiên cứu mở tour du lịch tâm linh kết nối tham quan các di tích chùa, đình, miếu tại địa phương. Bên cạnh đó, sân khấu hóa các câu chuyện, sự tích vùng đất; tổ chức các hoạt động trải nghiệm trước khi diễn ra lễ hội. Đồng thời, sản xuất sản phẩm lưu niệm mang nét đặc trưng của địa phương, tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh gắn với lễ hội”, bà Trang đề xuất.
Cùng quan điểm, theo nhà nghiên cứu Hồ Xuân Tịnh, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa thành phố, kết nối lễ hội Quán Thế Âm với các di sản văn hóa là một trong những cách để nâng tầm lễ hội. Tuy nhiên, ở góc độ rộng hơn, muốn nâng tầm lễ hội cần mở rộng không gian, tổ chức lễ hội, nhưng vẫn bảo đảm kết nối, tương liên về địa lý, văn hóa và không khí lễ hội. Cùng với đó, kết nối lễ hội với các di sản văn hóa Phật giáo trong nước, hình thành con đường di sản văn hóa Phật giáo, trước tiên thực hiện ở Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. Ở Huế có các ngôi chùa cổ trang nghiêm như: Thiên Mụ, Từ Đàm, Từ Hiếu…; ở Đà Nẵng có hai ngôi cổ tự Tam Thai và Linh Ứng trên ngọn Thủy Sơn, cùng các chùa Quán Thế Âm, Pháp Lâm, Phổ Đà…; ở Quảng Nam các ngôi chùa cổ nổi tiếng như: Vạn Đức, Chúc Thánh, Phước Lâm… “Chừng đó đủ để tổ chức các tour du lịch ngắn ngày cho tín đồ và những ai quan tâm đến văn hóa Phật giáo. Khi tour Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam thành công, có thể kết nối, mở rộng từ Bắc vào Nam thành một hành trình dài ngày trên con đường di sản văn hóa Phật giáo”, ông Tịnh nói.
Xứng tầm là di sản phi vật thể quốc gia
Với vai trò là chủ thể của lễ hội, Hòa thượng Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm, cho rằng cần có một công viên lễ đài để đáp ứng số lượng quan khách cũng như công chúng và Phật tử về tham dự lễ hội. Bởi lẽ, không gian này hiện rất chật hẹp, không đáp ứng nhu cầu hành lễ có tính quy mô, nhất là lễ hội Quán Thế Âm đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo TS. Lê Xuân Thông, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộng, việc mở rộng không gian, địa điểm tổ chức lễ hội không chỉ giảm sự quá tải cho chùa Quán Thế Âm, mà còn đề cao sự tôn nghiêm của lễ hội, nhất là đối với các không gian thực hành nghi lễ Phật giáo. Mặt khác, điều đó tạo thuận lợi để lễ hội được tổ chức với các hoạt động phụ trợ phong phú, đa dạng hơn. “Nâng tầm lễ hội Quán Thế Âm không chỉ nâng tầm quy mô, mở ra cơ hội để phát triển tích cực hơn một cách “tự nhiên”, mà còn phải nâng tầm lan tỏa, ảnh hưởng của lễ hội trong đời sống xã hội nói chung”, TS. Thông nói.
PGS.TS Ngô Văn Minh, Hội Di sản văn hóa thành phố, cho rằng để lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được nâng tầm, xứng đáng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhất thiết cần đầu tư hơn nữa cả về nội dung, hình thức, quy mô cho lễ hội. Trong đó, cần phát huy giá trị lễ hội đặt trong phát huy tổng thể các giá trị văn hóa, lịch sử của cả quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn. “Phát triển lễ hội gắn với quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, điện, nước và các dịch vụ đi kèm. Cùng với đó, đầu tư các hoạt động văn hóa, nghệ thuật bảo đảm hấp dẫn, có nhiều trò chơi, hoạt cảnh, hoạt động thể thao lôi cuốn được sự tham gia của cộng đồng. Đặc biệt, bảo đảm nội dung của phần lễ, ngày càng tăng tính thiêng liêng của phần lễ. Ngoài ra, công tác quản lý, tổ chức lễ hội cần được nâng tầm, thể hiện tính chuyên nghiệp, khoa học”, PGS.TS Minh nhấn mạnh.
X.DŨNG