Văn hóa - Giải trí
Giới thiệu các nhân vật lịch sử của xứ Quảng đến thế hệ trẻ
Những chương trình “Em yêu lịch sử” do Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức gần đây ngày càng trở nên sinh động, hấp dẫn với các trò chơi, hoạt động trải nghiệm phù hợp lứa tuổi học sinh. Đặc biệt, nội dung chương trình hướng trọng tâm vào giới thiệu các doanh nhân, nhà cách mạng của xứ Quảng, giúp các em thêm yêu lịch sử địa phương, tự hào về ngôi trường mình đang theo học.
Học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Hiến (quận Ngũ Hành Sơn) tham gia hoạt động trong chương trình “Em yêu lịch sử”. Ảnh: X.D |
Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Lê Văn Hiến (15-9-1904 - 15-9-2024), vừa qua, cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng đã về với ngôi trường mang tên ông tại phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) để tổ chức chương trình “Em yêu lịch sử” đầu tiên của năm 2024. Chương trình có chủ đề “Lê Văn Hiến - Người con ưu tú của quê hương Đà Nẵng”, không chỉ để tuyên truyền, giáo dục, mà còn bổ sung kiến thức, giúp học sinh hiểu sâu hơn về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng và những đóng góp to lớn của đồng chí Lê Văn Hiến qua các giai đoạn lịch sử.
Là chương trình thiên về lịch sử, song những kiến thức truyền tải lại được Bảo tàng Đà Nẵng xây dựng rất sinh động với nhiều trò chơi, hoạt động trải nghiệm hấp dẫn. Cụ thể, chương trình được chia thành 3 phần, gồm: “Đi lên từ gian khó”, “Gieo mầm cách mạng” và “Truyền tin chiến thắng”. Ở từng phần, các em lần lượt được tham gia trả lời câu đố, trò chơi ghép ảnh, đoán hiện vật, vượt chướng ngại vật để truyền tin. Qua đó, đem những kiến thức tưởng chừng khô khan trên sách vở trở nên sinh động, giúp các em dễ hiểu, dễ nhớ hơn.
Nhờ sự sinh động, sáng tạo trong tổ chức, chương trình nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của giáo viên, học sinh nhà trường. Đặc biệt, qua chương trình, nhiều em lần đầu được tiếp cận những kiến thức mới về nhân vật lịch sử mà ngôi trường mình đang theo học mang tên; một số em níu tay cán bộ bảo tàng nhờ giải đáp thêm những thắc mắc về đồng chí Lê Văn Hiến, bày tỏ muốn đến bảo tàng để học lịch sử. Bảo Trân, học sinh lớp 5/3 - lớp đoạt giải nhất trong chương trình, chia sẻ các hoạt động của “Em yêu lịch sử” rất hay, vui tươi và có nhiều bất ngờ.
Tham gia chương trình, các em được học mà chơi, chơi mà học. Đặc biệt, qua những lần trả lời sai, thua trong trò chơi, mỗi chúng em đều ấn tượng với kiến thức đó và nhớ lâu hơn. Hơn hết là tất cả các em đều cảm thấy vô cùng tự hào vì được theo học ở một ngôi trường mang tên nhà cách mạng tài ba của Đà Nẵng. Trong khi đó, Anh Kiệt, lớp 5/5 bày tỏ: “Qua chương trình, em học được nhiều điều mới, thêm yêu lịch sử và càng ngưỡng mộ bác Lê Văn Hiến. Giờ đây, em có thể tự tin kể cho mọi người xung quanh những hiểu biết của mình về bác”.
Hai năm trở lại đây, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức khoảng 2-3 chương trình “Em yêu lịch sử”/năm, diễn ra vào vào dịp kỷ niệm sự kiện lịch sử hoặc ngày sinh các danh nhân, nhà cách mạng. Trong đó, ưu tiên tổ chức tại các trường học xa trung tâm thành phố và tập trung vào lứa tuổi cấp 1, cấp 2. Tháng 2-2023, bảo tàng tổ chức chương trình này tại Trường THCS Hồ Nghinh, phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu) nhân ngày sinh đồng chí Hồ Nghinh; tháng 9-2023 lần đầu tiên tổ chức cho học sinh tiểu học, giới thiệu danh tướng Nguyễn Tri Phương tại ngôi trường cùng tên ở phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), nhân 165 năm Đà Nẵng kháng Pháp. Liên quan đến các nhân vật lịch sử, bảo tàng còn xây dựng chuyên mục “Đà Nẵng - những nhân vật”, nhằm giới thiệu cho công chúng các danh nhân, nhà cách mạng lỗi lạc sinh ra trên mảnh đất xứ Quảng.
Theo phòng Giáo dục - Truyền thông (Bảo tàng Đà Nẵng), trong chuyên mục này, các nhân vật gắn liền với sự nghiệp cách mạng, đặt nền móng cho văn hóa của mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng như: Thái Phiên, Ông Ích Khiêm, Nguyễn Hiển Dĩnh… được giới thiệu sinh động bằng hình ảnh, kết hợp tư liệu, hiện vật và đăng tải trên facebook. Từ đó, giúp công chúng hiểu hơn về lịch sử của thành phố, cũng như khơi dậy lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ.
Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Ngô Thị Bích Vân, trước đây chương trình “Em yêu lịch sử” diễn ra ngay tại bảo tàng và mời các trường đến tham gia, còn bây giờ, bảo tàng trực tiếp về các trường tổ chức miễn phí. Đây cũng là định hướng của bảo tàng trong thời gian tới, bởi khi đi về các trường, chương trình có không gian rộng rãi để tổ chức các hoạt động và tiết kiệm được thời gian, kinh phí cho nhà trường, phụ huynh học sinh. Nhờ đó, các em tham gia đông hơn, giúp bảo tàng giới thiệu lịch sử, văn hóa đến nhiều đối tượng học sinh. Mặt khác, khi tổ chức như vậy, các trường và học sinh đều có sự đồng hành, hỗ trợ, dẫn đến các hoạt động hấp dẫn, cuốn hút, vui tươi hơn.
“Bảo tàng thường xuyên nắm bắt tâm lý lứa tuổi học sinh, sáng tạo cái mới trong cái cũ để tổ chức chương trình phù hợp, đúng sở thích các em. Qua đó, tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Bảo tàng Đà Nẵng với các trường học trên địa bàn thành phố, tạo sự gắn kết giữa bảo tàng và cộng đồng, góp phần thực hiện công tác giáo dục văn hóa, lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ”, bà Vân nhấn mạnh.
K.NGUYÊN