Phim tư nhân không còn là một khái niệm mới mẻ khi nói đến các hoạt động của điện ảnh của Việt Nam. Nhưng phim tư nhân mới thực sự nhận được chú ý trong vòng vài năm trở lại đây bởi những thành công trên nhiều phương diện cả nghệ thuật lẫn doanh thu mà các hãng phim đã và đang thực hiện được.
Đầu tiên phải nói đến kỷ lục mà một bộ phim tư nhân mới đây đã xác lập ngay trong dịp đầu năm mới 2013 này đó là Mỹ Nhân Kế của đạo diễn Quang Dũng. Theo con số thống kê tính đến thời điểm 20 tháng 2 phim đã đạt doanh số 52 tỉ đồng, một con số đáng kinh ngạc không chỉ với một tác phẩm của Việt Nam mà còn là đáng nể với cả các phim nhập khẩu.
Phim Mỹ nhân kế đạt kỷ lục về doanh thu. |
Còn nhớ vào khoảng những năm 1990, thị trường phim Việt rơi vào khủng hoảng bởi khán giả quá chán với các bộ phim “mỳ ăn liền”, các hệ thống rạp xuống cấp, khán giả quay lưng, các hãng phim bế tắc trong khâu sản xuất.
Năm 2006, Luật điện ảnh Việt Nam ra đời, Nhà nước chủ trương xóa bỏ bao cấp và tiến tới cổ phần hóa các hãng phim Nhà nước. Số tiền tài trợ làm phim mỗi năm của các hãng phim Nhà nước không còn được phân bố theo kiểu giao chỉ tiêu và lỗ thì bù như trước. Và đây chính là thời điểm mà các hãng phim tư nhân thừa thắng xông lên. Những bộ phim tư nhân mở đầu một trang mới cho điện ảnh Việt Nam là Khi đàn ông có bầu của đạo diễn Phạm Hoàng Nam và Nữ tướng cướp của đạo diễn Lê Hoàng do hai hãng phim tư nhân là Phước Sang và Thiên Ngân thực hiện đã thực sự mở ra một thời kỳ mới cho phim chiếu rạp, phim thị trường. Cứ như vậy theo từng năm, lần lượt các tác phẩm của tư nhân ra đời với số lượng cũng như sự đầu tư ngày càng lớn, doanh số thu về cũng ngày càng cao. Vậy nhưng cũng chính bởi doanh thu ngày càng cao mà dẫn đến việc các nhà làm phim, các hãng phim tư nhân chạy theo “chiêu trò” để câu khách. Họ dùng đủ các chiêu quảng cáo, giới thiệu, PR, sẵn sàng trả cát sê cao nhất ngưởng để có được dàn diễn viên “ăn khách” của showbiz Việt, thường thì gồm toàn các hotgirl, hotboy, người mẫu, ca sĩ, danh hài, hoa hậu…
Nếu chỉ vậy thì cũng không có gì phải nói nhưng bởi quá chạy theo lợi nhuận với mục tiêu phục vụ số đông nên tác phẩm của các hãng phim tư nhân luôn bị giới chuyên môn, các nhà phê bình chê là nhạt nhẽo, hời hợt, thiếu tính nghệ thuật…nếu cứ tiếp tục sẽ lại trở về lối mòn của phim “mỳ ăn liền”. Sau một vài bộ phim ra rạp nhưng chất lượng quá tệ so với những gì hãng phim quảng cáo, PR như Trai nhảy, Đẹp từng Centimet, Hot boy nổi loạn…khán giả Việt đã bắt đầu có những hoài nghi và cẩn thận hơn trong việc quyết định xem một tác phẩm tư nhân. Điều này cũng là một việc tất nhiên khi mà giờ đây các phương tiện truyền thông hết sức nhanh nhạy, bên cạnh đó mạng xã hội là một công cụ tuyên truyền vô cùng nhanh về một tác phẩm phim hay hoặc dở.
Tác phẩm “Bi, đừng sợ” của đạo diễn trẻ Phan Đăng Di đoạt được nhiều giải thưởng quốc tế. |
Chính vì thế kỷ lục mà Mỹ nhân kế mới xác lập, đồng thời các giải thưởng mà Bi, đừng sợ mang về là một cú hích mở ra một trang mới cho phim tư nhân, cũng là một trang mới cho điện ảnh Việt Nam. Một thị trường điện ảnh thực sự phát triển là một thị trường điện ảnh có cả phim giải trí và phim nghệ thuật. Ví như Hollywood, nơi có nền điện ảnh phát triển nhất thế giới hiện nay thì một năm họ cũng sản xuất ra rất nhiều các phim mang tính giải trí và cả các phim mang tính nghệ thuật. Sở dĩ có thể làm được như vậy là bởi, họ đã có một nền điện ảnh rất mạnh. Các hãng phim, các đạo diễn không những sống được bằng nghề mà đều rất giàu có. Còn ở Việt Nam cho đến nay, không có nhiều đạo diễn có thể sống bằng nghề, nền điện ảnh nước nhà cũng chỉ được gọi là bắt đầu so với thế giới. Nếu như chúng ta cứ quá khắt khe trong việc đưa ra các yêu cầu về việc phải làm phim nghệ thuật thì e rằng nền điện ảnh Việt Nam sẽ còn dài dài mới phát triển bắt kịp thế giới.
Ở giai đoạn này, nền điện ảnh Việt Nam trước hết phải phát triển theo hướng kéo được khán giả Việt đến rạp xem phim Việt, bởi trên thực tế thị trường điện ảnh của chúng ta đang tràn ngập phim ngoại. Việc lấy lại được thị trường phim cũng là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng mà các nhà làm phim, các hãng phim, các đạo diễn cần thực hiện. Lấy lại được thị trường phim, để các đạo diễn có thể yên tâm sống bằng nghề, để các hãng phim có thêm “đất” đầu tư, sản xuất thì chúng ta mới có lực để thực hiện tiếp giai đoạn khẳng định trí trên bản đồ điện ảnh quốc tế. Lộ trình này là lộ trình chung của nền điện ảnh các quốc gia khác trên thế giới chứ không phải chỉ riêng chúng ta tự vẽ ra một lối đi cho mình. Trong lộ trình đó, các hãng phiim tư nhân giữ một vai trò rất quan trọng thúc đẩy sự cạnh tranh để phát triển. Ngoài ra, dù vẫn đang trong giai đoạn bắt đầu với nhiều thiếu thốn, khó khăn song điện ảnh Việt Nam hay cụ thể hơn là các hãng phim tư nhân đã có những tác phẩm gây được tiếng vang và đạt được những giải thưởng lớn tại các kỳ Liên hoan phim quốc tế. Tác phẩm điện ảnh tư nhân đã lập được kỷ lục doanh thu vượt qua cả siêu phẩm của Hollywood, tất cả những con số, những thành tựu này thực sự đã mở ra một trang mới cho các hãng phim tư nhân nói riêng và điện ảnh Việt Nam nói chung.
Theo Cinet