.

Phim Việt... na ná phim Tây

.

Điện ảnh Việt Nam đang hội nhập với thế giới. Điều ấy nhiều người công nhận, với sự xuất hiện của hàng loạt phim mang “công nghệ nước ngoài”, thậm chí có những cá nhân người nước ngoài tham gia.

Cảnh hai nhân vật dạy nhau đi xe đạp trong phim Ngôi nhà hạnh phúc (ảnh trái) của Hàn Quốc được “tái hiện” trong phim Bỗng dưng muốn khóc (ảnh phải).
Cảnh hai nhân vật dạy nhau đi xe đạp trong phim Ngôi nhà hạnh phúc (ảnh trái) của Hàn Quốc được “tái hiện” trong phim Bỗng dưng muốn khóc (ảnh phải).

Song, đáng buồn là thay vì sáng tạo, khá nhiều đạo diễn đang học hỏi và sao chép những thành tựu của điện ảnh nước khác.

Gió mới và gió... mượn

Vài năm trở lại đây, điện ảnh Việt Nam đánh dấu bước chuyển mình rõ rệt, đó là khi có các đạo diễn, diễn viên Việt kiều về nước. Họ mang theo những phong cách, xu hướng làm phim hiện đại, quyết liệt với những thể loại phim phong phú, đa dạng hơn, mang đến những làn gió mới. Tuy vậy, không ít trường hợp gió mới lại dính nghi án... gió mượn.

Năm ngoái, “siêu phẩm” được truyền thông rầm rộ là Bụi đời Chợ Lớn bị hoãn chiếu rồi cấm chiếu khiến dư luận bất ngờ, sửng sốt, hụt hẫng, bàn luận một thời gian dài. Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện của Cục Điện ảnh kết luận: Phim Bụi đời Chợ Lớn vi phạm Luật Điện ảnh. Tuy vậy, cư dân mạng nhanh chóng phát hiện và so sánh Bụi đời Chợ Lớn (đạo diễn Charlie Nguyễn) đã “copy-paste” đến 100% truyện phim siêu phẩm nổi tiếng thế giới “Troy” (Cuộc chiến thành Troy) của đạo diễn Wolfgang Peterson. Từ tuyến nhân vật, đường đi nước bước, diễn biến, tình tiết, cao trào, những cảnh chém giết cho đến kết thúc đều giống nhau đến kinh ngạc. Nếu hoàng tử Paris của thành Troy phải lòng nàng Helen xinh đẹp - nữ hoàng xứ Sparta, giành giật nàng với vua Menelaus thì chàng trẻ tuổi Lâm cũng giành giật Hương của trùm Tài Nhớt. Khi Paris đi cầu cứu anh là Hector - người hùng thành Troy thì Lâm cũng đi cầu cứu anh là Hùng Chợ Lớn.

Khi vua Menelaus biết vợ trốn theo người đàn ông khác thì tức giận gọi anh hùng Achilles tới nhờ trừng trị, đồng thời âm mưu chiếm luôn thành Troy. Trong khi đó, Tài Nhớt cũng cầu viện cao thủ võ lâm Phong Bụi đến để chiến đấu với phe Chợ Lớn. Sau rất nhiều cảnh với diễn biến câu chuyện, tâm lý, hình ảnh giống hệt nhau, người hùng Achilles và Phong Bụi đều chết chỉ vì lý do rất... lãng xẹt. Bốn ông trùm của hai cuộc chiến cũng bị một tên lính vô danh tiểu tốt nào đó kết liễu. Nếu Cuộc chiến thành Troy kết thúc bằng giọng nói với hình ảnh Paris và vợ con của anh trai đi làm lại cuộc đời thì Bụi đời Chợ Lớn cũng... y chang với giọng nói và hình ảnh Lâm đưa vợ con của anh trai đi làm lại cuộc đời.

Trên mạng, có người đặt ra câu hỏi: “Phải chăng những người kiểm duyệt của Cục Điện ảnh Việt Nam đã sớm phát hiện ra những điểm tương đồng của Bụi đời Chợ LớnCuộc chiến thành Troy của Mỹ nên đã không cấp phép cho phim này ra rạp?”. Dù sao, bộ phim được đầu tư 16 tỷ đồng cũng vĩnh viễn không được ra rạp. Như vậy, có thể nói, những nhà quản lý văn hóa đã khá cương quyết và mạnh tay.

Song, điện ảnh Việt Nam đâu phải chỉ có mỗi trường hợp Bụi đời Chợ Lớn? Còn rất nhiều phim ta na ná phim Tây nên vẫn cần có những biện pháp cũng như sự định hướng trong quản lý các sản phẩm văn hóa, cụ thể là phim ảnh.

Trước đó, Giao lộ định mệnh, bộ phim của đạo diễn Victor Vũ, cũng từng bị loại khỏi danh sách các phim tranh giải Cánh diều Vàng năm 2011. Các thành viên của Hội Điện ảnh, giám khảo và báo chí sau khi xem phim hầu hết đều cho rằng, Giao lộ định mệnh và phim Shattered của Mỹ có quá nhiều điểm giống nhau một cách khó hiểu, từ nội dung câu chuyện, nhân vật cho đến góc máy quay. Dù không khẳng định Giao lộ định mệnh là “bản sao chép hoàn hảo” nhưng tất cả đều đồng tình rằng phim hao hao đến 50-70% Shattered.

Giống quá hóa lộ

Không chỉ các đạo diễn bước chân ra từ Hollywood, những “nghi án” vay mượn hình ảnh, cốt truyện của nước ngoài vẫn “thấp thoáng” đâu đó trong phim của các đạo diễn Việt. Khán giả từng “kêu trời” khi Nụ hôn thần chết của Nguyễn Quang Dũng có những cảnh lãng mạn... như Hàn Quốc với những bài hát nổi tiếng... ngoại nhập. Khi đến phần 2, Giải cứu thần chết lại mang rất nhiều dấu ấn của “cô nàng lắm chiêu” Lindsay Lohan trong phim Nữ hoàng rắc rối và cả dấu ấn phim ca nhạc học đường trong High School Musical của kênh Disney Chanel. Dù trước đó Dũng “khùng” luôn phủ nhận rằng mình không đủ tài năng để bắt chước các đạo diễn Hollywood, nhưng chính anh cũng phải thừa nhận “Phim của tôi không chỉ giống High School Musical, Mean Girls mà còn gợi nhớ nhiều phim khác. Tôi ảnh hưởng từ Harry Potter tình cảm thầy cô, bạn bè, ảnh hưởng tư tưởng từ Shark Tale”.

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cũng từng bị chỉ trích vì quá lạm dụng những hình ảnh nên thơ giống phim Hàn Quốc. Đó là những hình ảnh đạp xe xuất hiện dày đặc của cô Trúc trong Bỗng dưng muốn khóc, Ngô Đồng trong Đẹp từng centimet rất giống với phim Ngôi nhà hạnh phúc của Hàn Quốc. Sau đó, chính đạo diễn này cũng thực hiện bộ phim truyền hình trên với phiên bản Việt, và tất nhiên không thể thiếu những cảnh tập xe đạp, phóng xe của nhân vật nữ.

Lê Hoàng là vị đạo diễn cá tính, có lối nói và tư duy rất hài hước, hẳn nhiên ông cũng muốn nhân vật của mình... giống mình. Song, có vẻ như Lê Hoàng không mấy “cao tay ấn” khi lối tư duy, lối nói của ông không áp dụng nhuần nhuyễn vào nhân vật, mà đa phần đều lập câu, ngữ điệu theo kiểu Hollywood, có thể rất hài hước, dí dỏm khi dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt, song khi người Việt nói nghe cứ... ngang ngang thế nào. Điều này thể hiện rõ nhất trong đối thoại của các nhân vật trong phim truyền hình dài tập Những thiên thần áo trắng.

Cần quản lý sát sao

Việc “học hỏi” nhau trong hoạt động nghệ thuật là điều nên làm. Tuy vậy, nếu có “tham khảo” thì cũng nên chọn lọc và tiết chế. Bởi lẽ, trong thời đại toàn cầu hóa, bất cứ sự sao chép không khéo léo nào cũng nhanh chóng bị khán giả phát hiện ra. Những nghi án “đạo kịch bản”, với một đạo diễn có thể chỉ bị ảnh hưởng chút tiếng tăm rồi chìm vào quên lãng. Song, nếu để xảy ra tình trạng này ngày một nhiều, thì sự học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài ấy chẳng những khiến điện ảnh của ta đi lên mà còn bị kéo lùi trong... tai tiếng.

Bên cạnh đó cũng phải kể đến vai trò không nhỏ của những nhà quản lý. Nếu phát hiện những trường hợp nghi vấn, hoặc trước những hiện tượng, trào lưu phim ảnh có xu hướng bắt chước, vay mượn của nước ngoài, nên kịp thời “tuýt còi”, ngăn chặn ngay từ khi mới hình thành thì sẽ không để xảy ra những trường hợp trên. Vì một nền điện ảnh trong sạch, phát triển thì sự học hỏi thôi không đủ, mà cái cần thiết là sự sáng tạo, dựa trên đôi chân, khối óc của chính những người trong nghề.

PHẠM HƯƠNG

;
.
.
.
.
.