Điện ảnh

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Làm phim chiến tranh với tư duy mới

08:32, 07/04/2014 (GMT+7)

Chia sẻ về bộ phim Đường lên Điện Biên sẽ được phát sóng từ ngày 24-4 trên VTV1, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho biết: “Đoàn làm phim đã phải làm việc rất căng, nhiều khó khăn, chịu nhiều áp lực, trong đó hoàn thành đúng thời gian là vấn đề lớn nhất”.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (thứ hai từ trái sang) và các diễn viên trong phim “Đường lên Điện Biên”.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (thứ hai từ trái sang) và các diễn viên trong phim “Đường lên Điện Biên”.

Bùi Tuấn Dũng cũng chính là đạo diễn của bộ phim Những người viết huyền thoại mới được trao một “giải thưởng riêng” trong giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam.

Làm phim về Điện Biên theo cách của mình

* Thưa đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, anh có chút lo sợ nào không khi đụng chạm một đề tài lớn như chiến dịch Điện Biên Phủ?

- Nếu sợ thì tôi đã không làm. Qua mỗi bộ phim, tôi lại thấy mình trưởng thành hơn, và bước thêm lên từng bậc thang mới. Kinh nghiệm từ Đường thư và Những người viết huyền thoại đã cho tôi nhiều điều để tự tin khi bắt tay vào Đường lên Điện Biên.

* Tự tin hơn, dù anh là thế hệ đạo diễn trẻ, trưởng thành sau năm 1975?

- Bù lại, tôi có hơn 20 năm để nghiên cứu về chiến tranh qua phim tài liệu và những cuốn sách về lịch sử quân sự. Tư liệu và sử liệu rất nhiều, nhưng sử dụng thế nào cho đúng thì phải hết sức thận trọng, bởi có khi làm đúng quá lại thành bôi bác. Dù không có một chút ký ức nào về Điện Biên Phủ nhưng tôi cố gắng đưa ra một góc nhìn khác, một cách kể khác qua Đường lên Điện Biên.

* Mong muốn đưa ra một sản phẩm có nhiều điểm khác biệt, nhưng xem qua những gì được giới thiệu về phim của anh thì thấy mô típ về những anh chàng hào hoa và cô dân công hỏa tuyến xinh đẹp, nết na nghe cứ quen quen?

- Tôi muốn kể một câu chuyện có chất bi tráng nhưng nhất định không phải là phim “một màu” mà trong đó vẫn chứa đựng nhiều khối mâu thuẫn. Có mâu thuẫn thoảng qua, có mâu thuẫn sâu sắc. Nhưng những mâu thuẫn ấy phải được xử lý một cách tinh tế, hợp lý để duy trì được nhịp độ, để khán giả truyền hình theo dõi qua từng tập phát sóng. Tôi không cố gồng lên để làm một bộ phim về trận Điện Biên Phủ hoành tráng. Phim truyền hình không thể hoành tráng như phim nhựa, mà ăn nhau ở những chi tiết đời sống, ở câu chuyện phim cuốn hút theo từng tập.

* Phải chăng anh muốn tránh những bộ phim hoành tráng đã làm về Điện Biên Phủ?

- Đúng vậy. Điện Biên Phủ trước nay đã có nhiều người làm, phim nào cũng hoành tráng, tốn tiền rồi. Bởi vậy, tôi không muốn lặp lại cái cách người khác đã làm. Tôi muốn đi sâu vào các chi tiết của đời sống. Chuyện phim chỉ xoay quanh một tiểu đoàn và một đội nữ dân công hỏa tuyến nhưng là quy mô của chiến dịch. Cách nhìn của tôi cũng khác cách nhìn của các nhà làm phim khác. Tôi làm phim theo “cái tạng” của tôi, theo cái phông văn hóa của tôi, gần gũi hơn với cách kể chuyện dí dỏm. Câu chuyện tôi muốn kể bao giờ cũng có hai ý: một ý người ta thấy rõ; còn một ý nữa ẩn đằng sau lời nói, đằng sau khuôn hình. Tôi có thể tự tin nói rằng, phim của tôi chắc chắn không phải là phim “cúng cụ”. Thực ra, từ “cúng cụ” để chỉ những bộ phim một chiều, một màu và tô hồng quá đáng.

Tôi nghĩ, chiến tranh là đề tài thế kỷ và ở Việt Nam, đề tài này vẫn luôn cần được khơi lại. Tôi có dành cả đời mình để làm phim về chiến tranh chắc cũng không hết được. Bởi vì, đề tài là muôn thuở, chỉ có cách làm là khác. Vấn đề là cách làm đề tài ấy có chạm được đến trái tim khán giả hay không mà thôi. Lâu nay kinh phí Nhà nước dành cho phim chiến tranh hằng năm có nhiều đâu. Lâu lắm rồi mới có Những người viết huyền thoại. Người ta cứ đổ tiền vào cái gì ấy chứ, thậm chí vào những bộ phim vô thưởng vô phạt chứ không phải là phim chiến tranh. Theo tôi, kể cả một bộ phim chiến tranh cũng có thể làm hấp dẫn như phim thị trường, chỉ có điều chúng ta hãy cởi bỏ tất cả những quan điểm cũ để làm những bộ phim chiến tranh mang tư tưởng mới, bộ mặt mới.

Phim Việt ngày càng gây thất vọng

* Ở giải thưởng Cánh diều vừa qua, bộ phim Những người viết huyền thoại không đoạt giải vàng ở hạng mục phim truyện điện ảnh mà bất ngờ được trao “giải thưởng đặc biệt cho phim chiến tranh, cách mạng” - một “đề mục” lần đầu xuất hiện. Là đạo diễn của phim, anh có vẻ buồn, thậm chí thất vọng?

- Ồ không! Đã tham gia cuộc chơi thì phải chơi cho đẹp. Ban giám khảo nào sẽ có kết quả ấy. Tôi cũng từng làm ban giám khảo của nhiều kỳ liên hoan, tôi biết mà. Giải thưởng nhiều khi không chắc đã đánh giá đúng chất lượng của phim. Cũng như Những người viết huyền thoại không đoạt được các giải thưởng chính thì Ban giám khảo Cánh diều năm nay đã phủ nhận sự đánh giá của báo chí và Ban giám khảo Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18.

* Anh thấy thế nào khi “đứa con” từng mang lại giải thưởng Bông sen vàng của mình lần này lại “đấu” với Cô dâu đại chiến 2, Tèo em, Âm mưu giày gót nhọn, Thần tượng, Săn đàn ông…?

- Tôi là đạo diễn và tôi nghĩ nếu giải Cánh diều là giải của một hội nghề nghiệp thì tất cả các phim đều như nhau. Phim nào cũng vậy thôi, hãy bỏ qua đề tài, bỏ qua mục đích làm phim mà hãy đánh giá khả năng làm nghề, chất lượng và hiệu quả của mỗi bộ phim…

*  Xét về công nghệ và kỹ xảo làm phim, theo anh, có sự khác nhau nhiều không giữa dòng phim nghệ thuật và giải trí ở Việt Nam hiện nay?

- Công nghệ thì như nhau. Phim nào cũng cần đến vậy. Nhưng tôi thấy dường như phim Việt càng ngày càng gây thấy vọng hơn. Người làm phim cũng vậy, nhí nhố hơn. Và khán giả càng ngày càng bình dân phấn khích. Tôi nghĩ chúng ta đang phát triển tốt một nền văn hóa phim ảnh vui vẻ. Nông cạn và bình dân là điều chúng ta đang đạt được.

* Xin cảm ơn anh!

 

25 tập Đường lên Điện Biên do Lê Ngọc Minh, Khuất Quang Thụy, Bùi Tuấn Dũng viết kịch bản, Hãng phim truyện Việt Nam - chi nhánh phía Nam thực hiện, với sự tham gia của các diễn viên: Hoàng Hải, Mạnh Trường, Quách Thông, Huyền Trang, Diễm Hương, Mạnh Hưng…  Phim quay ở nhiều bối cảnh khác nhau như Đá Chông, Đồng Mô - Hà Nội, Sơn La, Yên Bái…

HOÀNG THU PHỐ thực hiện

.